"Tiêu chuẩn kép" của Mỹ: Israel chiếm Cao nguyên Golan thì đúng, Nga sáp nhập Crimea thì sai?

Tất Đạt |

Đối với một số chuyên gia, động thái của Mỹ đã thách thức những tiêu chuẩn thông thường đối với mối quan hệ quốc tế từ thời sau Thế Chiến II.

Trả lời của Mỹ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phải cắt ngắn chuyến thăm tới Washington sau đợt tấn công tên lửa từ dải Gaza, buộc Israel phải không kích để đáp trả. Nhưng trên chuyến bay trở về Jerusalem, các quan chức đều lạc quan về mối quan hệ Mỹ - Israel.

Trả lời Washington Post, một quan chức cấp cao của Israel trên máy bay - đề nghị giấu tên để có thể thảo luận thoải mái hơn về mối quan hệ song phương - nhận định việc chính quyền ông Trump công nhận Cao nguyên Golan là của Israel đã cho thấy thái độ và quan điểm mới của Washington.

Cụ thể, động thái của Mỹ đã ngầm hàm ý rằng các vùng lãnh thổ bị kiểm soát có thể "bị chiếm hoàn toàn" và có thể lấy lí do "chiến tranh tự vệ" để biện hộ cho việc đó.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung với ông Trump vào ngày 25/3, ông Netanyahu phát biểu: "Israel đã giành được Cao nguyên Golan trong cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa."

Tiêu chuẩn kép của Mỹ: Israel chiếm Cao nguyên Golan thì đúng, Nga sáp nhập Crimea thì sai? - Ảnh 1.

Ông Trump kí "tuyên bố lịch sử" công nhận Cao nguyên Golan là của Israel. Ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post

Đối với một số chuyên gia, lời biện hộ nói trên đã đi ngược lại truyền thống trong chính sách đối ngoại của Mỹ - trên thực tế, nó còn thách thức những tiêu chuẩn thông thường đối với mối quan hệ quốc tế từ thời sau Thế Chiến II.

Hàm ý trong động thái của Mỹ là rất đáng kể, bởi nó không chỉ liên quan tới việc tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine, mà còn có thể áp dụng đối với tất cả những khu vực khác trên thế giới, đặc biệt tại những nơi lãnh thổ bị chiếm bất hợp pháp hoặc đang giao tranh, mâu thuẫn.

Trong cuộc phỏng vấn tại Beirut vào tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã được hỏi liệu Mỹ có "tiêu chuẩn kép" hay không khi vừa áp đặt cấm vận đối với Nga vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, lại vừa chính thức công nhận quyền kiểm soát của Israel đối với Cao nguyên Golan.

"Không hề. Tổng thống Trump chỉ đơn thuần là thừa nhận sự thật về Cao nguyên Golan và dựa trên tình hình an ninh cần thiết để bảo vệ nhà nước Israel. Sự việc là như vậy - đơn thuần là như vậy," ông Pompeo trả lời phỏng vấn với Sky News.

Hôm 26/3, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ và nói tình huống xoay quanh Crimea và Cao nguyên Golan khác biệt rất nhiều.

"Israel giành quyền kiểm soát Golan nhờ vào phản ứng hợp pháp đối với hành vi hung hăng của Syria. Nga đã chiếm Crimea mặc dù Nga từng thừa nhận Crimea là một phần của Ukraine trong các thỏa thuận song phương, bất chấp các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, bao gồm các nguyên tắc cốt lõi của OSCE [Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu]."

"Mỹ tiếp tục duy trì quan điểm rằng không quốc gia nào có thể thay đổi đường biên giới của nước khác bằng vũ lực," phát ngôn viên nói.

Nằm trên đường biên giới giữa Israel và Syria, Cao nguyên Golan là từng lãnh thổ của Syria cho tới khi bị quân đội Israel chiếm trong Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967. Năm 1981, Israel "sáp nhập" và áp dụng luật pháp nước này trên Golan.

Mâu thuẫn lãnh thổ tiếp diễn

Chiến tranh Sáu ngày đã được nhiều nước coi là chiến thắng quân sự lớn đối với Israel, khi quốc gia non trẻ này cùng lúc đánh bại quân đội của ba quốc gia Ả Rập: Ai Cập ở phía nam, Jordan ở phía đông và Syria ở phía bắc. Cuộc chiến bắt đầu sau khi Israel tổ chức tấn công phủ đầu để đáp trả lại những động thái quân sự dồn dập từ các nước láng giềng.

Từ trước tới nay, các thủ tướng Israel, bao gồm ông Netanyahu, đã coi Golan là một phần chiến lược trong thỏa thuận hòa bình với chính phủ Syria. Israel đã trao trả lại bán đảo Sinai - cũng bị chiếm trong Chiến tranh Sáu ngày - cho Ai Cập vào năm 1979 trong thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, cuộc nội chiến Syria kéo dài cùng mối đe dọa từ các lực lượng Iran và tổ chức Hezbollah của Lebanon ở Syria đã dẫn tới việc Israel muốn sáp nhập hoàn toàn Cao nguyên Golan.

Từ sau khi Thế Chiến II kết thúc, cộng đồng quốc tế đã lên án các quốc gia lợi dụng mâu thuẫn để chiếm lãnh thổ và thay đổi biên giới của nước khác.

Hiến Chương Liên Hợp Quốc, kí năm 1945, đã yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải "tránh gây ra các mối đe dọa trong quan hệ quốc tế và không được sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào khác".

Sau khi Israel chính thức chiếm quyền kiểm soát Cao nguyên Golan vào năm 1981, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã gọi động thái này "vô hiệu và không có hiệu lực pháp lý quốc tế".

Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 là một trong những điển hình khác của mâu thuẫn lãnh thổ. Một số chuyên gia cũng nhắc tới những hành vi hung hăng, bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Mâu thuẫn tiếp diễn tại Syria, Yemen và những nơi khác trên thế giới đã tiếp tục làm dấy lên những nghi ngại về sự thay đổi lãnh thổ thông qua mâu thuẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại