Ngày 25/3, tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua một tuyên bố khẳng định chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Đây là vùng lãnh thổ rộng hơn 1.036 km2 của Syria, bị Israel chiếm giữ sau Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967. Cao nguyên Golan chỉ nằm cách thủ đô Damascus của Syria 64 km.
Trong 50 năm kể từ khi Israel kiểm soát Cao nguyên Golan, vùng đất này đã trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đối với hòa bình, ổn định trong khu vực. Mỹ chưa bao giờ buộc Israel phải trao trả lại Golan, nhưng cũng không tìm được cách giải quyết vấn đề này.
Những câu hỏi được đặt ra là: Tại sao chuyện ở Golan quan trọng như vậy nhưng vẫn chưa thể giải quyết? Tại sao bây giờ ông Trump lại phá vỡ truyền thống trong chính sách của nước Mỹ? Và hành động của ông Trump sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới tương lai?
Ông Trump và ông Netanyahu trong lễ kí kết "tuyên bố lịch sử", công nhận Cao nguyên Golan là của Israel. Ảnh: Susan Walsh/AP
Tóm tắt lịch sử của Cao nguyên Golan
Cao nguyên Golan có sự quan trọng chiến lược đối với cả Israel và Syria.
Năm 1967, Ai Cập, Jordan và Syria tấn công Israel trong nỗ lực tiêu diệt quốc gia này. Israel đáp trả, chiến thắng Chiến tranh Sáu ngày, tiêu diệt 18.000 binh sĩ của khối các nước Ả Rập, trong khi Israel chỉ mất 700 lính.
Golan nổi bật trong cuộc chiến vì từ vùng đất này có thể nhìn ra lãnh thổ phía bắc Israel. Từ năm 1948 đến năm 1967, Syria liên tục bắn pháo vào nhà nước Israel non trẻ cho đến khi Israel cuối cùng buộc phải chiếm Golan để tự vệ.
Sau thất bại đó, Syria và các nước đồng minh đã tìm cách chiếm lại Golan trong cuộc chiến Yom Kippur vào năm 1973. Israel mất 2.600 quân sĩ trong khi đối phương thiệt hại ít nhất 8.000 người. Năm tiếp theo, Liên Hợp Quốc đã thiết lập vùng phi quân sự, gìn giữ hòa bình để kết thúc cuộc chiến giữa những binh sĩ từ các bên chiến tuyến.
Trong hàng thập kỉ, người Israel đã đàm phán với Syria để trao trả Golan. Cao nguyên Golan có sông Jordan, nơi kiểm soát 1/3 lượng nước để người dân Israel sử dụng. Israel từ chối trao trả Golan trừ khi Syria đồng ý cam kết Israel được đảm bảo về nguồn nước tại đây. Tuy nhiên, Syria từ chối yêu cầu này.
Xe tăng Israel chuẩn bị tấn công trong Chiến tranh Sáu ngày. Ảnh: Three Lions/Getty Images
Năm 1981, Israel sáp nhập Golan, mở ra khu vực định cư cho người Do Thái, hiện tại đã có hơn 30 khu định cư như vậy. Ngạc nhiên là, những người Druze sinh sống tại đây tuy không rời khu vực nhưng cũng từ chối quyền công dân Israel khi được đề nghị. [người Druze nói tiếng Ả Rập, họ không phải người Hồi giáo.]
Năm 2006, Israel giao tranh với Hezbollah, tổ chức kiểm soát hầu hết Lebanon. Được Iran tài trợ một phần, Hezbollah đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh ở Syria hiện tại (từ năm 2011 tới nay), là đồng minh với chính phủ Syria của ông Assad, với Iran và Nga.
Hezbollah đã mất 1.500 binh sĩ trong cuộc giao tranh. Hezbollah và các lực lượng của Iran hiện đang chiếm giữ các vùng đất tiếp giáp với Golan. Cả Hezbollah và Iran đều có chung mục tiêu là tiêu diệt nhà nước Israel: Cao nguyên Golan có thể là địa điểm hoàn hảo để thực hiện kế hoạch này.
Từ quan điểm của Israel, có thể thấy rõ ràng rằng ai kiểm soát Golan sẽ nắm vận mệnh của Israel trong tay.
Can thiệp của ông Trump tại Cao nguyên Golan
Ông Trump có một mối quan tâm đặc biệt trong việc bảo vệ Israel khỏi vô số đối thủ. Một vài người cho rằng đó là bởi vì con gái, con rể và các cháu của ông Trump là người Do Thái.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã quyết định đảo ngược chính sách Trung Đông được xem là thất bại dưới thời tổng thống Barack Obama. Ông Trump tranh luận rằng ông Obama đã trao quyền kiểm soát khu vực cho Iran, trong khi làm các quốc gia Vùng Vịnh yếu đi, đặc biệt là Ả Rập Saudi.
Trong chiến lược của mình, ông Obama đã "tránh xa" Israel, bỏ phiếu chống Israel tại Liên Hợp Quốc, chỉ trích năng lực lãnh đạo của thủ tướng Benjamin Netanyahu, và làm đồng minh với đối thủ của Israel (nhóm Hamas).
Ông Obama có chính sách không thân thiện với Israel. Ảnh: AP
Ông Trump đảo ngược chính sách bài-Israel của ông Obama bằng cách can thiệp vào ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ông Trump quyết liệt giải quyết vấn đề Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Ông Trump rút lui Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, sau đó áp đặt thêm cấm vận. Ông Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem (9 quốc gia khác cũng chuyển lãnh sự quán).
Ông Trump ngừng viện trợ cho Palestine với lí do quốc gia này liên tục ủng hộ các nhóm khủng bố chống lại Israel. Ông Trump chỉ trích các đối thủ của Israel tại Liên Hợp Quốc, cắt giảm nguồn tài chính cho các chương trình của tổ chức này. Tuyên bố chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là hành động ủng hộ mới nhất của ông Trump đối với Israel.
Quan trọng hơn, Thủ tướng Netanyahu đang trải qua giai đoạn tranh cử nước rút để giữ được vị trí lãnh đạo. Ông Trump đang hành động như thể đang giúp ông Netanyahu tái đắc cử, điều mà chính quyền ông Obama phản đối. Đây là điều hài hước nếu xét tới việc người dân Mỹ không thích thú gì khi chính quyền nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.
Ông Trump đã có chính sách đối nội rõ ràng đối với việc thay đổi chính sách như tuyên bố về Cao nguyên Golan. Gần đây, chủ nghĩa bài Do Thái đã bùng nổ ngay trong Đảng Dân chủ, tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn.
Hai nghị sĩ mới được bầu trong năm 2018 đã đem tư tưởng bài Do Thái, bài Israel tới Quốc hội, lan truyền sự thù địch và cố gắng thay đổi chính sách của lưỡng đảng trong 50 năm qua.
Cả hai đại biểu, Rashida Tlaib và Ilhan Omar, đều đang kêu gọi bài trừ, cắt đầu tư, và tăng cấm vận đối với Israel và đang vận động quyên góp tiền từ những tổ chức có liên kết với khủng bố ở Mỹ.
Lãnh đạo đảng Dân Chủ tỏ ra kém hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn động thái này, và nội bộ đảng đang có sự phân hóa rõ rệt.
Chủ nghĩa bài Do Thái dường như đã tạo ra cơ hội chính trị hoàn hảo cho ông Trump nếu ông tranh cử tổng thống năm 2020.
Kế hoạch của ông Trump có thể sẽ hiệu quả. Với sự lớn mạnh của Iran dưới thời Obama, các quốc gia Vùng Vịnh đã sát lại Mỹ hơn và đã bắt đầu liên kết với Israel.
Họ coi Israel là một trở ngại quan trọng đối với nỗ lực của Iran trong việc kiểm soát Trung Đông. Tại nơi từng coi Cao nguyên Golan là vật cản đối với hòa bình, một số người cho rằng vấn đề ấy đã không còn lớn như trước nữa.
Rủi ro trong tương lai
Tất cả "quá trình" này đều có rủi ro to lớn. Ông Obama và ông Trump đã kích động Trung Đông theo cái cách có thể khiến khu vực này vượt khỏi tầm kiểm soát. Sẽ ra sao nếu Iran chế tạo vũ khí hạt nhân bởi nỗi sợ bị đe dọa và Ả Rập Saudi mua vũ khí hạt nhân để tự vệ?
Có một sự thật là: Israel có một kho vũ khí hạt nhân phức tạp và luôn là trở ngại đối với những ai muốn phá hủy nó. Pakistan cũng vậy. Điều tệ hại gì có thể xảy ra ở đây?
Ủng hộ Israel tại Golan - mà không dựa trên cơ sở tiền lệ nào - có thể ảnh hưởng tới hành động và lý lẽ của các nước khác. Nga sáp nhập Crimea; Pakistan và Ấn Độ tranh cãi quanh khu vực biên giới; Triều Tiên và Hàn Quốc mắc kẹt trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỉ. Những cuộc khủng hoảng này khiến các cường quốc và những nước khác trong khu vực chống lại nhau, kéo theo sự can thiệp của những tổ chức quốc tế vốn không liên quan.
Cuối cùng, ông Trump muốn hoàn thiện chính sách đối với Trung Đông sau thời ông Obama: duy trì, mở rộng hoặc rút quân khỏi Syria, Iraq và Afghanistan; đem Israel và Palestine tới bàn đàm phán hòa bình; ủng hộ Ả Rập Saudi và chống lại Iran; đem Thổ Nhĩ Kỳ "ương ngạnh" trở về làm đồng minh "hiền lành" của Mỹ; tái hợp với Ai Cập hiện đang xa cách, quyết định liệu có tiếp tục ủng hộ Các Quốc gia Vùng Vịnh tại Yemen; và nhiều vấn đề khác. Không có chính sách nào tỏ ra hứa hẹn.
Tôi không rõ ông Trump cùng đồng minh và các đối thủ đã kết nối và tìm hướng giải quyết những vấn đề khó hiểu này như thế nào. Chúng ta chỉ có thể hy vọng.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.