Ngày 25/3, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Giải thích cho quyết định của mình, ông Trump cho biết: việc Israel có thể nắm quyền kiểm soát Cao nguyên Golan sẽ giúp nước này tự bảo vệ mình trước những cuộc tấn công tiềm ẩn từ Iran và các nhóm khủng bố ở Syria, bao gồm Hezbollah.
Cao nguyên Golan. (Ảnh:Reuters)
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Trước diễn biến sự việc, đại diện của cơ quan ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), bà Maia Kosyancic, khẳng định EU vẫn không công nhận Cao nguyên Gola là một phần của Israel.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov thì tuyên bố rằng Điện Kremlin không thay đổi quan điểm của mình xung quanh vấn đề Cao nguyên Golan. Cùng quan điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, lưu ý rằng việc thay đổi hiện trạng của Cao nguyên Golan mà bỏ qua phán quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bị xem là vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Casusoglu tuyên bố, quyết định của Mỹ là “điều không thể chấp nhận” và nước này sẽ có hành động chống lại quyết định của Washington, bao gồm cả việc đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc.
Một loạt các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới, mà mới đây nhất là Qatar và Canada, cũng kịch liệt phản đối quyết định của ông Trump.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh, Ngoại trưởng Syria Walid Al Moualem đã đưa ra phản ứng, khẳng định, Golan mãi là 1 phần lãnh thổ của Syria.
“Tổng thống Mỹ sẽ không thể thay đổi được bất cứ điều gì về Golan. Cho dù có là bao nhiêu năm trôi qua đi nữa, quyết định này cũng không thể thay đổi thực tế, rằng Golan là 1 phần lãnh thổ Syria bị chiếm đóng. Không có ai có thể thay đổi sự thật này”.
Ngoại trưởng Syria khẳng định, với quyết định mới, nước Mỹ sẽ ngày càng trở nên cô lập hơn trên trường quốc tế. Còn Đài truyền hình Nhà nước Syria cũng đã phát đi 1 thông điệp, Quốc gia Trung Đông này sẽ giải phóng Golan bằng mọi cách.
Một phát thanh viên nói: “Syria bác bỏ hoàn toàn quyết định của Mỹ. Lịch sử sẽ không thể thay đổi việc Golan đã, đang và sẽ mãi thuộc về Syria. Syria có quyền để giải phóng Golan bằng mọi cách cho đến khi vùng lãnh thổ này trở về đất mẹ”.
Bộ Ngoại giao Syria cũng đã gửi thư cho Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Hội đồng Bảo an, trong đó kêu gọi một quan điểm chính thức của LHQ về tình trạng của Cao nguyên Golan và thực hiện các biện pháp cần thiết để kêu gọi Israel rời khỏi vùng lãnh thổ này.
"Vùng đất bị chiếm đóng"
Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Syria cho đến năm 1967, khi vùng đất này bị Israel chiếm đóng và sáp nhập sau Cuộc chiến Sáu ngày. Ý đồ thôn tính của Israel, khi Quốc hội nước này phê duyệt văn kiện khẳng định quyền tài phán đối với Cao nguyên Golan vào năm 1981, song không được cộng đồng quốc tế công nhận. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ chủ quyền của Israel đối với Golan.
Trong cuộc chiến A-Rập-Israel năm 1973, Syria đã cố gằng giành lại Cao nguyên Golan nhưng bất thành. Một khu vực trung lập, phi quân sự do lực lượng của Liên Hợp Quốc kiểm soát đã được tạo ra giữa quân đội Israel và Syria.
Kể từ đó, Damascus đã coi việc trả lại một phần hoặc toàn bộ Cao nguyên Golan là điều kiện của bất kỳ hiệp ước hòa bình nào với Israel. Mọi nỗ lực đàm phán Syria-Israel, cũng như các cuộc đàm phán có sự tham gia của các bên trung gian đều kết thúc thất bại.
Cao nguyên Golan có khoảng 40 nghìn người sinh sống. Khoảng một nửa trong số họ là người định cư Do Thái, số còn lại là người Druze và một số ít người Alawite. Tộc người Druze thuộc về các dân tộc Ả Rập và tuyên bố là một trong những nhánh của đạo Hồi. Nhiều người trong số họ nhận mình là người Syria. Trong khi đó, Alawite là một nhóm tôn giáo trong khuôn khổ Hồi giáo mà chính Tổng thống đương nhiệm của Syria, ông Bashar Assad, đang theo.
Tầm quan trọng chiến lược của Golan
Việc Golan chỉ cách thủ đô Damascus của Syria 60 km sẽ cho phép quân đội Israel kiểm soát sự di chuyển của các lực lượng vũ trang tại các khu vực thuộc lãnh thổ Syria. Ngược lại, nếu người Syria đòi lại được Cao nguyên Golan, họ sẽ có thể nắm quyền kiểm soát tương tự đối với lãnh thổ Israel.
Israel liên tục lập luận rằng, Golan có vai trò quan trọng như một bộ đệm an ninh giúp nước này có thể bảo vệ mình trước những nguy cơ tấn công từ Iran và Hezbollah.
Cao nguyên Golan cũng có tầm quan trọng rất lớn đối với Israel khi Hồ Tiberias là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho nước này. Nông nghiệp và nghề làm rượu vang cũng phát triển rất tốt tại Golan. Đây còn là khu nghỉ dưỡng trượt tuyết duy nhất trong cả nước.
Vì sao Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Golan?
Hiện tại, các nghị quyết 242 và 497 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được Mỹ ủng hộ, là chế độ pháp lý chính hiện hành xác định rõ ràng rằng việc sáp nhập Golan vào lãnh thổ của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế.
Cuộc nội chiến ở Syria đã làm suy yếu đáng kể nhà nước Syria, tạo điều kiện cho các yêu sách của Israel đối với Cao nguyên Golan. Bên cạnh đó, chính phủ Israel hiện nay cũng đang nhận được sự ủng hộ rất rõ nét từ phía chính quyền của ông Donald Trump. Biểu hiện mới đây là việc Mỹ công nhận Jerusalen là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán nước này từ Tel Aviv về đây.
Thêm vào đó, việc Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Golan cũng được coi là một động thái rất kịp thời dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trước thềm cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 9/4 tại Israel, một sự ủng hộ của Nhà Trắng về vấn đề Cao nguyên Golan có thể chuyển hướng sự chú ý của dư luận Israel khỏi các cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông Netanyahu.
Ngoài ra, theo chuyên gia của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm phân tích quốc tế thuộc Viện Quan hệ đối ngoại nhà nước Nga, ông Maxim Suchkov, hiện châu Âu đang có những lo ngại về cuộc khủng hoảng đoàn kết giữa NATO và Israel, và việc xác định rõ ràng quan điểm trong vấn đề liên quan đến Israel sẽ là rất quan trọng đối với ông Trump trong bối cảnh cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra.
Hậu quả việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Golan
Thành viên Hội đồng Liên bang Nga, ông Franz Klintsevich khẳng định rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel sẽ đe dọa đến an ninh của chính đất nước này. Ông nói: “Tôi lo ngại rằng quyết định này của ông Trump sẽ cởi trói cho tất cả các phe phái cực đoan. Hơn nữa, nó có thể thay đổi hoàn toàn tình hình ở khu vực này, đặt Israel trở thành mục tiêu cho toàn bộ thế giới Hồi giáo”. Thượng nghị sĩ Klintsevich nhấn mạnh rằng, Nga không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan cũng chỉ vì lo ngại cho an ninh của chính Israel.
Cùng quan điểm trên, đặc phái viên Tổng thống về vấn đề Trung Đông và các nước châu Phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Bogdanov, cho rằng việc làm của ông Trump sẽ làm suy yếu triển vọng giải quyết căng thẳng giữa thế giới A Rập và Israel.
Video: Quân đội Syria tấn công khủng bố IS trên Cao nguyên Golan
Quân đội Syria tấn công khủng bố IS trên Cao nguyên Golan
Giới quan sát cũng tin rằng, việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ không có lợi cho Israel khi gây ra sự bất bình trong thế giới A Rập. Bất cứ động thái gây căng thẳng nào tiếp sau đây đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột tàn khốc, trong đó sẽ khó có người chiến thắng. Ngoài ra, bước đi này của ông Trump sẽ tạo ra một tiền lệ xấu khi công nhận tính hợp pháp của việc chiếm giữ một phấn lãnh thổ của một quốc gia bởi một quốc gia khác thông qua chiến tranh.