Không phải Gia Cát Lượng, đây mới chính là "đệ nhất quân sư" của Lưu Bị khiến Tào Tháo khiếp sợ, Tư Mã Ý cũng chẳng dám đụng độ

Dương Mộc |

Khổng Minh là trọng thần thì y chính là mưu chủ, là người được chính miệng Gia Cát Lượng tôn trọng: "Phải có y giúp sức, chúa công mới cất cánh bay liệng tự do được!"

Trong thời Tam Quốc, Tào Tháo nổi danh là người cầu hiền khát tài, mưu sĩ dưới trướng ông nhiều không đếm xuể và đem lại rất nhiều cống hiến đáng kể cho sự hùng mạnh của Tào Ngụy. 

Thế nhưng, cho dù thế nào, Tào Tháo vẫn luôn "để ý", khao khát có được một vị quân sư của Lưu Bị và cho rằng người này còn tài giỏi hơn cả Khổng Minh Gia Cát Lượng, có được cái tài của y thì nhất định có thể thống nhất thiên hạ.

 Quả thật, bên cạnh Ngọa Long - Phượng Sồ, dưới trướng Lưu Bị còn có một mưu sĩ cực kỳ tài năng khác. Y được đánh giá là có thể sánh với "thiên tài" Quách Gia của Tào Ngụy. 

Nhiều ý kiến cho rằng, ông mới là "đệ nhất quân sư" của Lưu Bị, địa vị quan trọng hơn Khổng Minh. 

Ông dẫn đường cho Lưu Bị, đoạt Hán Trung từ tay Tào Tháo. Ông là kẻ duy nhất lộng quyền giết người mà Khổng Minh không cản. Ông chính là Pháp Chính.

Pháp Chính tự là Hiếu Trực, do thiên hạ mất mùa nên lặn lội vào Thục đầu quân cho Lưu Chương nhưng lại không được trọng dụng. 

Có tài mà không gặp thời, lại thường xuyên bị người Thục ghẻ lạnh vì là "kẻ ngoại lai", tưởng như ông sẽ trải qua một đời an nhàn vô tích sự như thế, thì nào ngờ trong một lần tình cờ đi sứ Kinh Châu, Pháp Chính gặp được Lưu Bị.

Không phải Gia Cát Lượng, đây mới chính là đệ nhất quân sư của Lưu Bị khiến Tào Tháo khiếp sợ, Tư Mã Ý cũng chẳng dám đụng độ - Ảnh 1.

Pháp Chính là người có ơn báo ơn, có thù báo thù, yêu ghét rõ ràng nên hết mực giúp đỡ những ân nhân từng chiếu cố mình, nhưng mặt khác, ông cũng ra sức chèn ép những kẻ thù trong triều.

Sau vài lần tiếp xúc, ông cảm thấy Lưu Bị xứng đáng là minh chủ "hùng tài đại lược", nên quyết tâm đi theo phò tá: "Các hạ là anh tài cái thế, Lưu Chương vô năng không thể làm minh chủ. 

Nay Trương Tùng làm nội ứng, giúp đoạt Ích Châu. Dùng Ích Châu trù phú làm căn cơ, lấy địa thế hiểm trở làm chỗ dựa mà thành đại nghiệp, dễ như trở bàn tay". 

Từ ấy, Pháp Chính kề vai sát cánh với Tiên chủ tung hoành thiên hạ, đánh Tây dẹp Trung, trở thành "đệ nhất tà thần" xây dựng Thục Hán, viết nên trang sử chói lòa giữa khói lửa mịt mù thời chiến loạn.

Trong chiến dịch công chiếm Hán Trung, Pháp Chính là quân sư chính của Lưu Bị. Những sách lược của ông đã khiến quân Tào đại bại hoàn toàn, dâng Hán Trung vào tay Lưu Bị. 

Trong trận đánh này, Pháp Chính dùng liên hoàn kế: 7 kế sách thông minh khéo léo từng bước dẫn dụ Tào quân càng đánh càng mờ mịt khó hiểu, vùng vẫy mà không thể thoát ra, cho dù có quân cứu viện cũng chẳng thay đổi được gì. 

Chiến thắng này có được dựa trên sự hiểu biết về tướng địch, nhãn quan chính trị sắc bén về thời cuộc Tào Ngụy bấy giờ, kết hợp cùng khả năng tính toán tuyệt vời của Pháp Chính, biến Hán Trung thành miếng gân gà mà một kỳ tài quân sự như Tào Tháo cũng phải ngậm ngùi nhả ra trong tiếc hận. 

Lấy được Hán Trung là một trong những chiến thắng trọng yếu của Thục Hán, giúp Thục hình thành cục diện "tam phân thiên hạ" với Ngô - Ngụy về sau.

Sau khi Tào Tháo thua trận phải lui quân về Hứa Đô, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng và cảm khái nói: "Ta đã biết Huyền Đức không có khả năng thực hiện việc này, tất phải có người bày mưu hắn". 

Nhận ra cái tài của Pháp Chính và vô cùng muốn có được vị mưu sĩ này nhưng Tào Tháo không thể làm được. 

Lần đầu tiên trong đời, ông bày tỏ niềm tiếc hận sâu sắc của bản thân: "Ngô có được anh hào khắp thiên hạ, nhưng duy nhất không thể có được Pháp Chính!"

Không phải Gia Cát Lượng, đây mới chính là đệ nhất quân sư của Lưu Bị khiến Tào Tháo khiếp sợ, Tư Mã Ý cũng chẳng dám đụng độ - Ảnh 2.

Khổng Minh là trọng thần thì y chính là mưu chủ, là người được chính miệng Gia Cát Lượng tôn trọng: "Phải có y giúp sức, chúa công mới cất cánh bay liệng tự do được!".

Pháp Chính là người có ơn báo ơn, có thù báo thù, yêu ghét rõ ràng nên hết mực giúp đỡ những ân nhân từng chiếu cố mình, nhưng mặt khác, ông cũng ra sức chèn ép những kẻ thù trong triều. 

Vì vậy, trong thời điểm nhận chức ở Thục Hán, Pháp Chính từng bị không ít quan lại tố cáo. Thế nhưng, Gia Cát Lượng là người quản lý nội vụ, lại hiểu rõ đại tài của ông nên chưa bao giờ làm khó mà vẫn hết mực kính trọng.

Năm 220, Pháp Chính qua đời, thọ 45 tuổi. Cái chết của ông khiến Lưu Bị vô cùng thương cảm, than khóc nhiều ngày. Sau khi mất, Pháp Chính được Lưu Bị phong làm Dực Hầu, là vị đại thần duy nhất được truy phong thụy hiệu trong thời kỳ ấy. 

Lưu Bị từng nói: "Nếu Gia Cát Lượng là trọng thần thì Pháp Chính là mưu chủ."

Kể từ đó, khi vị "đệ nhất quân sư" khiến Tào Tháo phải dè chừng đã qua đời cũng là thời điểm Tư Mã Ý bắt đầu rời núi, đầu quân dưới trướng Tào Tháo để đối đầu với Thục Hán. 

Sau này, khi Lưu Bị muốn Đông chinh phạt Ngô, không ai có thể can gián, ngăn cản ông như Pháp Chính từng làm. 

Kết quả thảm bại sau đó khiến Gia Cát Lượng phải đau khổ thốt lên: "Nếu Pháp Hiếu Trực còn, cho dù Đông chinh, cũng không thể thất bại".

Chính vì vậy, cho dù ẩn sĩ nổi tiếng Tư Mã Huy từng nói: "Ngọa Long (Gia Cát Lượng) - Phượng Sồ (Bàng Thống), được một trong hai người, có thể an định thiên hạ". 

Lưu Bị một tay sở hữu "cả Long lẫn Phượng" nhưng vẫn không thể thống nhất Tam Quốc có lẽ là do thiếu mất Pháp Chính, nhân vật quan trọng đảm nhận mặt "tối" của một bộ máy chính trị, người có thể trở thành chiếc "cánh đen" giúp Lưu Bị tự do bay lượn trong trời đất như lời Khổng Minh đã nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại