Bạn biết không? Khoảng 565 triệu năm trước, từ trường của Trái Đất suýt "sập"

Dink |

Và nếu nó sập, không biết có nhân loại như ngày hôm nay không.

Cách đây nửa tháng, trên tạp chí khoa học Nature, có một bài nghiên cứu mới rất đáng chú ý: từ trường của Trái Đất đã suýt sập vào khoảng 565 triệu năm trước. Thật khó tưởng tượng màn chắn bảo vệ sự sống quý giá trước bức xạ Mặt Trời đã có thể biến mất, kéo theo toàn bộ sự sống luôn.

Nếu như thảm cảnh xảy ra, gió Mặt Trời sẽ bóc sạch tầng khí quyển của Trái Đất như một con dao sắc ngọt gọt đi lớp vỏ bưởi. Mặt đất sẽ không còn gì ngoài bức xạ mạnh, ngăn sự sống phát triển.

Theo như nghiên cứu mới thì may mắn thay, lõi Trái Đất bắt đầu quá trình rắn lại vào cuối Kỷ Ediacara, nhờ đó từ trường được "sạc" lại, ngay vào lúc nó ở trạng thái yếu nhất. Nửa tỷ năm sau, từ trường Trái Đất đã mạnh gấp 10 lần thời điểm ban đầu.

Bạn biết không? Khoảng 565 triệu năm trước, từ trường của Trái Đất suýt sập - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu cổ từ học Richard Bono là cá nhân dẫn dắt nghiên cứu mới. Bằng viên tinh thể cổ đại lấy từ một khu vực khai quật ở Canada, ông Bono tái tạo lại quá trình lõi Trái Đất rắn lại.

Nhiều nhà khoa học tin rằng đã có lúc, lõi Trái Đất tồn tại ở dạng lỏng, nghi ngờ đó luôn đi kèm một câu hỏi: vậy lúc lõi Trái Đất rắn lại là khi nào? Câu hỏi đã làm phiền lòng giới khoa học suốt nhiều thập kỷ.

Những dự đoán trước đây cho rằng việc lõi rắn lại bắt đầu từ 500 triệu năm tới 2,5 tỷ năm trước. Bono và các cộng sự đưa ra bằng chứng cho thấy lõi rắn lại vào khoảng 565 triệu năm trước.

Lõi Trái Đất cấu thành từ hợp kim của sắt và kền, nóng ngang ngửa nhiệt độ Mặt Trời ở 5.430 độ C. Nhân của lõi được bọc bởi một lớp lỏng, việc lõi xoay đã tiếp sức mạnh cho từ trường Trái Đất. Kích cỡ lõi trong liên tục tăng thông qua việc hấp thụ thêm sắt và kền, quá trình này đã đẩy nhiệt ra lớp vỏ ngoài, cùng lúc đó tăng sức mạnh cho từ trường Trái Đất.

Bạn biết không? Khoảng 565 triệu năm trước, từ trường của Trái Đất suýt sập - Ảnh 2.

Viên tinh thể ông Bono lấy về từ khu khai quật đóng một vai trò quan trọng: từ trường Trái Đất để lại dấu vết trên nhiều loại khoáng chất, định hướng cho các hạt vật chất tạo nên cấu trúc tinh thể. Bằng việc phân tích cấu trúc hạt, các nhà khoa học thấy từ trường rất hỗn loạn vào cuối Kỷ Ediacara, đảo chiều tới 20 lần một ngày.

Nghiên cứu mới cho rằng việc lõi Trái Đất rắn lại xảy ra ngay trước Sự bùng nổ Kỷ Cambri, thời điểm sự sống bắt đầu xuất hiện khắp nơi, vào 541 triệu năm trước.

Bằng chứng về việc từ trường Trái Đất rất yếu vào cuối Kỷ Ediacara đã khiến một vài nhà khoa học cho rằng Trái Đất đã bị bức xạ Mặt Trời tấn công, gây ra sự kiện tuyệt chủng lớn. Những sinh vật sống sót được qua thời điểm này đều rất nhanh nhẹn hoặc các loài có vỏ, chống đỡ được bức xạ chiếu xuống từ Vũ trụ. Chúng là loài phát triển mạnh vào Kỷ Cambri.

Bono và các cộng sự có nói tới giả thuyết trên, nhưng nhóm các nhà khoa học không tìm được tiếng nói chung trong khẳng định "từ trường yếu đã góp phần tạo nên sự kiện Bùng nổ kỷ Cambri".

"Từ trường cực yếu của Kỷ Ediacara rất đáng tò mò", tác giả nghiên cứu viết. "Nhưng những gợi ý về việc lá chắn từ trường ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình tiến hóa của sinh vật, cũng như sự sống nở rộ vào đầu Kỷ Cambri, gây nên rất nhiều tranh cãi".

Phải có những nghiên cứu sâu hơn để ta hiểu được ảnh hưởng của từ trưởng Trái Đất lên sự sống cũng như quá trình tiến hóa của sinh vật. Nhà nghiên cứu Bono và các cộng sự đã làm được chính điều đó: họ cho chúng ta bằng chứng cho thấy thời điểm lõi Trái Đất rắn lại, để ta dựa vào đó để luận ra những suy đoán, tìm cách trả lời những bí ẩn tiếp theo.

Tham khảo Motherboard

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại