Ấn Độ làm điều chưa từng có tiền lệ với Su-30 MKI: Nga sẽ vô cùng giận dữ?

Anh Tú |

Kế hoạch tương lai của Không quân Ấn Độ là sẽ từng bước thay thế toàn bộ loại tên lửa Vympel R-73 do Nga chế tạo bằng tên lửa không đối không ASRAAM của Anh.

Trong một động thái đầy tham vọng, chưa từng có tiền lệ, Không quân Ấn Độ (IAF) đã tiến tới giai đoạn cuối của một kế hoạch có thể sẽ khiến Moscow hết sức tức giận: Tích hợp hệ thống tên lửa của Anh với máy bay chiến đấu Su-30 MKI có nguồn gốc từ Nga.

Các nguồn tin hàng đầu của IAF tiết lộ trên kênh truyền thông Livefist rằng, một cặp máy bay phản lực Su-30 MKI do HAL chế tạo đã được hiệu chỉnh những phần mềm cần thiết để triển khai tên lửa tầm nhiệt không đối không MBDA ASRAAM.

Kế hoạch tương lai của IAF là sẽ thay thế toàn bộ loại tên lửa Vympel R-73 do Nga chế tạo bằng tên lửa ASRAAM, tất nhiên là theo từng giai đoạn.

Với một lực lượng gần như chưa thể chuẩn hóa được các thiết bị cho đội hình máy bay đa dạng, có nguồn gốc từ cả Nga và châu Âu thì các ý định của IAF với ASRAAM xuất phát từ chính kinh nghiệm tích hợp thành công hệ thống tên lửa này với máy bay chiến đấu phản lực Jaguar.

Là một phần trong gói hợp đồng trị giá 250 triệu Bảng với Công ty MBDA của Anh ký tháng 7/2014, các chiến đấu cơ Jaguar vũ trang tên lửa ASRAAM dự kiến sẽ được Không quân Ấn Độ đưa vào hoạt động trong năm nay.

Các nguồn tin của IAF cho biết, những chiếc Su-30 trang bị ASRAAM đầu tiên cũng sẽ được tuyên bố sẵn sàng đưa vào hoạt động trong cùng thời gian và sẽ sử dụng cùng một chu kỳ thử nghiệm.

Ấn Độ làm điều chưa từng có tiền lệ với Su-30 MKI: Nga sẽ vô cùng giận dữ? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Jaguar. Ảnh: MBDA

Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NAL) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ được giao nhiệm vụ đảm bảo độ ổn định hoạt động của ASRAAM trên khung sườn Su-30 tại các hầm gió ở Bengaluru.

Nguồn tin của NAL xác nhận với Livefist rằng, các phân tích về rung lắc và kiểm tra độ an toàn các chuyến bay thử nghiệm đã được thực hiện vào năm ngoái và hoạt động bắn thử với tên lửa có điều khiển sẽ được tiến hành vào mùa Hè này.

Phải điều tiết những vấn đề nhạy cảm về quan hệ ngoại giao và chiến lược với Nga có lẽ là lý do xác đáng nhất giải thích tại sao IAF âm thầm lặng lẽ theo đuổi việc tích hợp ASRAAM. Tuy nhiên, đây rất có thể sẽ là một động thái khiến Nga giận dữ.

Năm 2013, Không quân Ấn Độ đã lựa chọn ASRAAM sau một đợt đấu thầu có cả sự tham gia của Python đến từ Israel, Diehl IRIS-T của Đức và Raytheon AIM-9X Sidewinder của Mỹ.

Mặc dù Ấn Độ đang gặt hái được những kết quả thử nghiệm khá tốt với tên lửa không đối không tấn công ngoài tầm nhìn Astra sản xuất nội địa, nhưng chương trình vũ khí của nước này không có các tên lửa cận chiến trên không buộc họ phải phụ thuộc vào các hệ thống nhập khẩu.

Su-30 MKI của không quân Ấn Độ tác chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại