Rạng danh sĩ quan Việt Nam ở Trung Phi

KIM DUNG |

“Anh ấy là sĩ quan điển hình khi thu thập thông tin tình báo trong chiến dịch Mbaranga. Anh thực hiện chuyến đi đến hơn 16 doanh trại tạm thời, luôn xuất hiện cùng chiến sĩ để đưa ra các chỉ đạo, chỉ dẫn quan trọng... Tôi rất hài lòng khi làm việc với anh ấy”-Đại tá Milivoje Pajovic, quyền Tư lệnh Phân khu Tây, Phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi đã có thư khen ngợi sĩ quan Nguyễn Quốc Khánh trong thời gian một năm anh gắn bó với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ) tại Cộng hòa Trung Phi.

Người thích những thử thách

Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1986) công tác tại Cục GGHB Việt Nam, là sĩ quan thứ 16 lên đường làm nhiệm vụ GGHB của LHQ.

Tháng 5-2018, khi kết thúc nhiệm vụ, Quốc Khánh được Tư lệnh Phân khu Tây đánh giá ở mức cao nhất. Công việc hiện tại của anh rất bận, vì GGHB là một hướng hợp tác mới và có rất nhiều quốc gia quan tâm nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong lĩnh vực này nên anh chỉ có thể sắp xếp cho tôi cuộc gặp vào buổi tối.

Vị trí công tác của Khánh tại Phái bộ là sĩ quan thu thập, phân tích thông tin tình báo thuộc Ban Tình báo, Sở chỉ huy Phân khu Tây, có trụ sở tại thị trấn Bouar, cách thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi 450km.

Đây là địa bàn phức tạp, các nhóm có vũ trang vẫn nuôi âm mưu lật đổ chính quyền và gây nhiều tội ác với thường dân, như: Giết người, cướp của, bắt nộp thuế, cưỡng hiếp phụ nữ, trẻ em.

"Tính chất công việc mới mẻ, lại không thuộc kiến thức được quân đội đào tạo trước đây, nhưng nhờ được huấn luyện trước khi lên đường về nghiệp vụ, các tình huống như phái bộ bị tấn công, bị lạc và kỹ năng sinh tồn, sử dụng súng bộ binh cơ bản… giúp tôi hình dung đầy đủ về phái bộ và những nguy cơ có thể xảy đến", chàng trai quê Phú Thọ Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.

Rạng danh sĩ quan Việt Nam ở Trung Phi - Ảnh 1.

Tư lệnh Phân khu Tây trao thư khen cho Đại úy Nguyễn Quốc Khánh sau khi trở về từ chiến dịch Mbaranga. Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo quy định, chiến dịch kéo dài 3-4 tuần, các sĩ quan sẽ luân phiên trở lại sở chỉ huy để người khác thay. Thế nhưng Quốc Khánh đã xung phong được đi tiếp chiến dịch, sau đó lại tiếp tục đi kiểm tra các doanh trại của phân khu.

Cả hai chỉ huy ở hai giai đoạn của chiến dịch Mbaranga (tháng 1 đến 3-2018) không chỉ thấy ở anh khả năng phân tích thông tin tình báo mà còn là một chuyên gia về công nghệ thông tin.

Máy tính trục trặc hay cần cài đặt lại phần mềm để nâng cao hiệu quả công việc, anh đều sẵn sàng giúp đỡ. Ít người biết rằng, anh vốn là "dân" công nghệ, đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật robot tại Nga.

Không chỉ chờ nguồn tin đơn vị gửi đến, Quốc Khánh thường xuyên có mặt tại địa bàn và kết hợp các nguồn khác để cập nhật tình hình. Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều chiến dịch và có những đề xuất tốt trong nhiệm vụ. Thời điểm đó đang có một số nhóm phiến quân sử dụng ngựa để tấn công người dân.

Lực lượng chức năng của LHQ triển khai nhiều biện pháp để truy tìm các nhóm này nhưng chưa có manh mối cụ thể. Khi đó Quốc Khánh đề xuất trinh sát bằng máy bay và được chấp thuận.

Quá trình trinh sát bằng máy bay, anh phát hiện ra một số nhánh sông ở gần đường chính, đặc điểm là dọc các nhánh sông này có rất nhiều cây xanh mọc tốt hơn bình thường.

Anh suy luận, nếu các nhóm này dùng ngựa và thường đi vào đường chính để tìm đến các làng mạc và tấn công người dân thì chúng phải lẩn trốn ở gần các nhánh sông, do cần nguồn nước cho cả người và ngựa.

Do đó, lực lượng của LHQ thay vì đi tuần tra bằng xe, chuyển xuống chia làm hai lớp trước sau bảo vệ nhau đi dọc các nhánh sông này. Đúng như suy luận, khi lực lượng của LHQ tiến hành truy tìm đã tìm bắt được một số phiến quân, một số khác bỏ chạy. Từ đó an ninh tại các khu vực này được bảo đảm tốt hơn.

Thời gian không theo chiến dịch hay vào những ngày nghỉ cuối tuần, Quốc Khánh còn tham gia giúp đỡ người dân, giao lưu bóng đá hay tổ chức vui chơi và dạy các em nhỏ những trò chơi Việt Nam, như: Ô ăn quan, rùa-cọp-lợn…

Quốc Khánh tâm sự: "Đến Trung Phi, tôi mới hiểu trọn vẹn giá trị của hai từ hòa bình mà thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để giành được. Điều tôi mong muốn cho Trung Phi là một nền hòa bình thật sự ổn định. Vì ở nơi nào không có hòa bình thì ở đó gần như không có sự phát triển".

Quốc Khánh nhớ lại, có một gia đình neo đơn, chỉ có người già và trẻ nhỏ. Biết họ đang gặp khó khăn nên đến cuối tuần anh cùng một, hai sĩ quan ghé thăm và giúp giải quyết một số công việc nặng, như: Bổ củi, đi lấy nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

"Bác ấy đã rất cảm động vì biết chúng tôi từ một nơi rất xa đến và sẵn sàng giúp đỡ. Còn tôi thực sự tự hào và xúc động khi bác biết đến Việt Nam khá nhiều, nhất là về chiến tranh ở Việt Nam và rất khâm phục bộ đội Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc", Khánh kể.

Kết thúc nhiệm vụ một năm tại Cộng hòa Trung Phi, Đại úy Nguyễn Quốc Khánh được Chuẩn tướng Simbuliani Boston Sailas, Tư lệnh Phân khu Tây đánh giá là xuất sắc (mức cao nhất trong 5 mức).

Ông nhận xét anh là sĩ quan sở hữu nhiều khả năng, người không bao giờ từ chối bất kỳ nhiệm vụ nào với thái độ sẵn sàng thể hiện trách nhiệm và sự chuyên nghiệp…

"Tôi hoàn toàn đồng ý mà không do dự rằng Đại úy Khánh có tất cả các kỹ năng, sự cống hiến, tính nhân văn, sự chăm chỉ mà cho phép tôi đề nghị anh ấy phù hợp với mọi Phái bộ LHQ trong tương lai", Chuẩn tướng Simbuliani viết.

Hầu hết thời gian dành cho công việc

Hiện Đại úy Nguyễn Quốc Khánh đang là trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế, Cục GGHB Việt Nam, phụ trách hướng quan hệ với LHQ.

Do đặc thù nhiệm vụ nên công việc đòi hỏi cao về khả năng xử lý tình huống, nghiên cứu sâu tình hình để có tham mưu sát, đúng.

Bên cạnh đó, khi đón tiếp hay làm việc với các đoàn thì phải đảm nhiệm rất nhiều phần việc, như: Vừa chuẩn bị nội dung làm việc, vừa phiên dịch, lễ tân...

Nói về nhiệm vụ đang điều phối đón đoàn gần 40 người trong chương trình hợp tác huấn luyện cho LHQ, Quốc Khánh cho biết: "Đây là chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á được LHQ lựa chọn trên cơ sở uy tín, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của Việt Nam ngày càng cao".

Ngoài phiên dịch, đưa đón đoàn, Quốc Khánh còn bao quát tất cả thông tin các bên liên quan để làm cầu nối giữa đoàn với đơn vị, như: Công tác chuẩn bị phối hợp huấn luyện; nơi ăn, ở của đoàn; phổ biến về công tác bảo đảm an ninh, an toàn…

Khánh cho biết: "Tôi cố gắng làm tốt bởi nó góp phần nâng cao uy tín của đất nước khi chuẩn bị bỏ phiếu ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021".

Ngoài thành thạo tiếng Nga, tiếng Anh, nhiệm kỳ một năm tại Trung Phi trong môi trường tiếng Pháp, nhờ chăm chỉ học tập, Khánh đã giao tiếp tốt, phản xạ nhanh với ngôn ngữ này. Thượng tá Mạc Đức Trọng, Trưởng phòng Công tác địa bàn, nhận xét:

"Khánh là cán bộ thông minh, năng nổ, xử lý công việc nhanh nhạy, có nhiều đề xuất hay. Tính cách Khánh vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Đặc biệt, Khánh rất chăm học và rất mê thể thao".

Anh Trọng có nhiều ấn tượng về Khánh, một trong số đó là đợt đi công tác tại Liên bang Nga để xây dựng nội dung dự thảo bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Mặc dù lâu không sử dụng, nhưng tiếng Nga của Khánh rất tốt. Khánh vừa làm nội dung, vừa phiên dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt.

Quá trình làm việc, phía bạn có một sĩ quan phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Cán bộ này nghe tiếng Việt thì được, nhưng chuyển ngữ chưa được chuẩn, vì thế, Khánh thường xuyên đính chính giúp.

Dáng người bé nhỏ, đôi khi lọt thỏm giữa đồng nghiệp các nước, nhưng ở Khánh toát lên sự thông minh, tin cậy và nụ cười tươi sáng. Mong muốn của Khánh là được học tập nâng cao trình độ, có thêm kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục góp sức mình vào bước phát triển mới của Quân đội ta trong thực hiện nhiệm vụ GGHB.

"Những nơi nghèo khó, còn xung đột sẽ rất cần những người trẻ. Được tham gia hành trình ấy, tuổi trẻ và thời binh nghiệp của tôi có thêm những hạnh phúc nhất định về mặt tinh thần. Tôi thấy mình thật may mắn và tự hào được là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại