Tranh cãi vụ tòa ‘đặc biệt khoan hồng’ cho 4 bị cáo

PHONG HÀ |

HĐXX đặc biệt khoan hồng, cho các bị cáo được hưởng án treo, tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc này là trái luật.

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên án phúc thẩm trong vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng (NH) Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank) ( đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 ).

Đáng chú ý, HĐXX đã bác kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, vẫn cho bốn bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh được hưởng án treo.

Mà theo kháng nghị của VKS, bản án sơ thẩm cho hưởng án treo đối với bốn bị cáo trên (cả bốn bị cáo đều bị tuyên ba năm tù treo) là trái với quy định pháp luật.

Tòa phúc thẩm nhận định các bị cáo phạm tội với vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể. Xét về thân nhân gia đình các bị cáo có công với cách mạng, hiện nay gia đình các bị cáo hết sức khó khăn…

Do đó HĐXX đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho các bị cáo hưởng án treo.

Tuy nhiên, đã có ý kiến không đồng tình với phán quyết này của tòa phúc thẩm. Ý kiến về vấn đề này, ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, khẳng định việc HĐXX vẫn cho bốn bị cáo hưởng án treo là trái luật.

Theo ông Thêm, bốn bị cáo trên, trong đại án VNCB giai đoạn 1 xét xử vào năm 2016 đã được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được TAND TP.HCM áp dụng án treo là vi phạm điều luật...

Nó cho thấy pháp luật không nghiêm minh khi “treo chồng treo”.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia.

Luật sư NGUYỄN VIẾT GIAO, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không có quy định “đặc biệt khoan hồng”

Chúng ta cần mổ xẻ các tình tiết mà tòa đã nhận định để áp dụng án treo cho các bị cáo. Trong các lập luận của tòa có đề cập đến hoàn cảnh gia đình các bị cáo hết sức khó khăn để đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù.

Hiện nay, quy định tình tiết “hết sức khó khăn” để quyết định hình phạt hay cho hưởng án treo là không có. Vì vậy, nếu muốn áp dụng thì cần quy định rõ như thế nào là “hết sức khó khăn”, ví dụ như hộ nghèo, hộ cận nghèo, neo đơn… có xác nhận của chính quyền địa phương để tránh việc áp dụng tùy tiện.

Đáng chú ý, HĐXX nêu rõ “đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù”. Nếu xét về các quy định hiện hành thì “chính sách khoan hồng” bao gồm các nội dung sau: miễn trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, đặc xá, đại xá, xóa án tích nhưng lại không có quy định cho hưởng án treo.

Xét BLHS 2015, Luật Đặc xá… cũng không có quy định về trường hợp “đặc biệt khoan hồng” mà HĐXX nhận định để quyết định cho các bị cáo hưởng án treo. Như vậy, việc áp dụng như trên sẽ tạo sự tùy tiện, không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Một phó viện trưởng VKSND (không muốn nêu tên):

Lỗi cố ý không được hưởng án treo

Tôi đồng tình với kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM. Trước khi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực (ngày 1-7-2018) thì Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6-11-2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS 1999 về án treo (có hiệu lực ngày 25-12-2013) cũng có quy định vấn đề này.

Điều 7 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP quy định “Trường hợp một người đang được hưởng án treo mà sau đó lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác, thì tòa án xét xử, quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không cho hưởng án treo một lần nữa.

Người phạm tội đồng thời phải chấp hành hai bản án”. Như vậy, việc HĐXX tiếp tục cho các bị cáo hưởng án treo là trái quy định, không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và tính thượng tôn pháp luật của người làm công tác xét xử.

Cạnh đó, khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cũng nêu rõ: “Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu…, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì không cho hưởng án treo.

Trong vụ án này, các bị cáo bị xét xử theo khoản 3 Điều 165 BLHS 1999; sửa đổi, bổ sung năm 2009 tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều luật nêu rõ là lỗi “cố ý”. Đồng thời, hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng (thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng).

Điều này đã được HĐXX nhận định khi bác một số kháng cáo xin giảm nhẹ vì xét thấy hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, mức hình phạt cấp sơ thẩm tuyên là tương ứng với hành vi phạm tội nên không có cơ sở giảm nhẹ.

Như vậy ở đây, các bị cáo là “người phạm tội cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nên việc áp dụng chế định án treo đối với các bị cáo là không đúng với quy định của nghị quyết trên.

Một thẩm phán (đề nghị không nêu tên):

Tòa đúng luật

Cả Điều 60 BLHS 1999 và Điều 65 BLHS 2015 đều quy định khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo.

Bốn bị cáo nêu trên đều đủ các điều kiện hưởng án treo nên việc HĐXX cho các bị cáo hưởng án treo là đúng luật nhưng điều này trái với tinh thần Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo).

Tuy nhiên, xét về mặt giá trị pháp lý, luật có giá trị cao hơn nghị quyết. Vì vậy trong trường hợp này, HĐXX áp dụng án treo là không sai.


Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị xử phạt tù không quá ba năm.

- Có nhân thân tốt…

- Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự…

- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

(Trích Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Chủ tọa phiên tòa nói gì?

PV đã liên hệ với chủ tọa phiên tòa, người đã thay mặt HĐXX tuyên bản án trên. Chủ tọa cho rằng đây là phán quyết của HĐXX và HĐXX đã thể hiện những nhận định của mình trong bản án phúc thẩm đã tuyên công khai vào ngày 25-12.

Theo chủ tọa, bốn bị cáo này (Vân, Đi, Thành, Vinh) ở cả hai giai đoạn họ đều là những bảo vệ, tạp vụ, giữ xe… cho Tập đoàn Thiên Thanh, làm công ăn lương với mức lương 5 triệu đồng/tháng, không có hưởng lợi; gia đình có công với cách mạng…

Xét về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, vai trò của từng bị cáo, án sơ thẩm đã đánh giá là phù hợp.

YẾN CHÂU ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại