Ngày 25/12, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên án đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm có kháng cáo trong giai đoạn 2 của vụ án.
Theo nhận định của tòa, cấp sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo và áp dụng quy định pháp luật để xử phạt các bị cáo về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là đúng người, đúng tội.
Cho 2 bị cáo hưởng án treo
Cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Công Danh nhưng ghi nhận nguyên nhân xuất phát từ vi phạm của bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) mà bị cáo này đề cập. Theo HĐXX, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo.
Bên cạnh đó, HĐXX bác kháng cáo đối với một số bị cáo kháng cáo cho rằng việc tách vụ án thành 2 giai đoạn ảnh hưởng tới quyền lợi. HĐXX cho rằng việc tách vụ án thành 2 giai đoạn là phù hợp, không làm tăng nặng hình phạt, trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Bởi hành vi phạm tội của các bị cáo ở 2 giai đoạn là độc lập.
Riêng bị cáo Lê Đài, Trần Hiệp được cấp phúc thẩm xem xét tuyên mức án 3 năm tù cho hưởng án treo bởi hành vi phạm tội hạn chế, đang mắc bệnh hiểm nghèo. Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo của các bị cáo khác, HĐXX không chấp nhận, cho rằng cấp sơ thẩm đã tuyên mức án phù hợp với tính chất phạm tội của các bị cáo.
Kháng cáo về dân sự của ông Phạm Công Danh không được tòa chấp nhận.
Đối với kiến nghị của VKSND TP HCM không đồng ý cho hưởng án treo đối với 4 bị cáo nguyên là giám đốc công ty "ma" do ông Danh thành lập gồm: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh.
Cụ thể, VKS xét thấy trong đại án VNCB giai đoạn 1, 4 bị cáo này đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được áp dụng án treo là vi phạm quy định pháp luật.
HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng nghị, nhận định rằng các bị cáo này có hành vi phạm tội hạn chế, phụ thuộc vào ông Phạm Công Danh. Họ đều là nhân viên, tài xế... được ông Danh cất nhắc để thực hiện cùng phạm hành vi phạm tội giống nhau ở 2 giai đoạn của vụ án.
Như vậy, HĐXX quyết định giữ y án 20 năm tù đối với Phạm Công Danh, tổng hợp với bản án trước đó là 30 năm, hình phạt chung là 30 năm tù. Bị cáo Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB) y án 10 năm tù, tổng hợp với bản án trước 22 năm, hình phạt chung là 30 năm tù....
Tiếp tục thu hồi 4.500 tỷ đồng của CB trả cho Phạm Công Danh
Về mặt trách nhiệm dân sự, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên buộc ông Danh bồi thường cho ngân hàng CB hơn 200 tỷ đồng liên quan hành vi cố ý làm trái dùng tiền gửi của ngân hàng bảo lãnh vay cho các công ty của Danh vay tại Sacombank; bồi thường 502 tỷ đồng liên quan hành vi cố ý làm trái dùng tiền gửi của ngân hàng bảo lãnh cho các công ty vay tiền tại TPBank; bồi thường 41 tỷ đồng liên quan tới việc dùng tiền của ngân hàng bảo lãnh cho các khoản vay tại BIDV.
Trước đó, trong phần xét hỏi, ông Danh đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi thêm nhiều khoản tiền để khắc phục hậu quả cho CB, gồm: 400 tỷ đồng của ông Trần Quý Thanh có nguồn gốc từ tiền thuê mặt bằng của Công ty Trung Dung. Khoản tiền 3.658 tỷ bà Hứa Thị Phấn nhận để mua tài sản tại TrustBank nhưng không thực hiện và 30 tỷ chuyển cho bà Phấn thông qua cháu là Ngô Kim Huệ. Ngoài ra, ông Danh cho rằng giai đoạn 1 chưa thu hồi 184 tỷ đồng từ Trần Ngọc Bích (con ông Trần Quý Thanh) và 37 tỷ của bà Phấn.
Tuy nhiên, cấp phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên đúng quy định pháp luật nên không chấp nhận yêu cầu của ông Danh.
HĐXX cấp phúc thẩm cũng bác kháng cáo của CB và kiến nghị của VKS liên quan khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ. Cụ thể, phía CB cho rằng ông Danh đã trực tiếp điều hành, sử dụng nên phải tự chịu trách nhiệm về việc mất vốn. Từ đó, CB không đồng ý việc trả lại số tiền này như cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó.
VKS cũng cho rằng 4.500 tỷ đồng được Phạm Công Danh dùng tên một số cá nhân chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng nguồn gốc số tiền này là từ hành vi sai phạm. Số tiền này không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi hay trả lại cho Phạm Công Danh.
Tuy nhiên, cấp phúc thẩm cho rằng ông Phạm Công Danh đã nộp 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho CB, không có cơ sở chứng minh ông này chi tiêu cá nhân số tiền này nên phải trả lại để khắc phục hậu quả.
Không thu hồi 1.633 tỷ đồng của BIDV
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên buộc thu hồi hàng ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau được xác định là tang vật vụ án gồm hơn 1.600 tỷ đồng của BIDV, hơn 200 tỷ đồng của Sacombank, 3,1 tỷ đồng của TPBank, hơn 194 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh, 600 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn…. Tuy nhiên, sau đó BIDV đã có kháng cáo đối với bản án này.
Trong phần đề nghị của mình, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM kiến nghị làm rõ hậu quả trong việc thu hồi số tiền này và yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những người phê duyệt.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của BIDV về việc đề nghị không thu hồi 1.633 tỷ đồng để trả về cho ngân hàng CB. Theo HĐXX, ông Phạm Công Danh sử dụng 1.633 tỷ đồng từ hành vi phạm tội trong vụ án để tất toán các khoản nợ 1.176 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2 và gần 458 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Hải Vân. Giao dịch này được cho là đúng quy định của pháp luật, những khoản tiền này đã hòa vào dòng tiền chung của BIDV.
Trong khi đó, BIDV là ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước chiếm 95% vốn điều lệ. NHNN cũng đã chỉ đạo BIDV tiến hành cổ phần hóa ngân hàng với đối tác chiến lược nước ngoài. Do đó, việc thu hồi 1.633 tỷ đồng sẽ gây thiệt hại cho NHNN và doanh nghiệp đối tác chiến lược ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng bác kháng cáo của ông Trần Quý Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát), giữ nguyên án sơ thẩm buộc thu hồi 194 tỷ đồng từ ông này để khắc phục hậu quả cho ngân hàng CB. Riêng kháng cáo của phía bà Hứa Thị Phấn không đúng quy định nên không được xem xét.
Các bị cáo tại phiên xét xử.
Theo bản án sơ thẩm, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (tiền thân của VNCB, nay là CB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng.
Tại Sacombank, ông Danh gặp ông Trầm Bê và Phan Huy Khang tháng 4/2013, đặt vấn đề vay vốn, bảo đảm bằng tiền của VNCB gửi ở ngân hàng này. Biết rõ cựu Chủ tịch VNCB làm trái quy định nhưng ông Bê vẫn đồng ý phê duyệt cho vay 1.800 tỷ đồng.
Tương tự, ông Danh dùng các công ty do mình lập ra vay của BIDV 4.700 tỷ đồng, TPBank 1.666 tỷ, tiếp tục đảm bảo bằng tiền gửi của VNCB tại hai nhà băng này.
Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng .
Hồi tháng 8, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với hình phạt cũ là 30 năm, ông Trầm Bê lãnh 4 năm tù. Ngoài ra, 44 đồng phạm còn lại lãnh 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 10 năm tù.