Ngán ngẩm vì NATO chần chừ, Ukraine sẽ nhờ cậy "quân đội châu Âu" để ứng phó với Nga?

Quốc Vinh |

Trong khi NATO đang tỏ ra lưỡng lự trong việc đưa ra một sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, ý tưởng về "quân đội châu Âu" gần đây đang được hy vọng là cứu cánh của Kiev.

Trong khi G7 tuyên bố hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine trong cuộc đối đầu hải quân gần đây với Nga , Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề cuộc họp G20.

Tuy nhiên, chính ông Putin đã đổ lỗi về sự bế tắc cho Chính phủ ở Kiev. Đồng thời, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko yêu cầu NATO gửi thêm tàu ​​chiến đến vùng biển Azov.

Mặc dù tình hình còn lâu mới được giải quyết nhưng những dấu hiệu bình thường hóa đầu tiên đã xuất hiện, bao gồm cả các chuyến tàu thương mại Ukraine có thể nối lại từ bốn đến năm chuyến hàng mỗi ngày qua biển Azov.

Câu hỏi đặt ra trong viễn cảnh mới sẽ là, điều gì sẽ xảy ra nếu ý tưởng thành lập quân đội châu Âu thành sự thật, với tư cách là một thực thể độc lập hoặc là một phần tích hợp đầy đủ của NATO?

Quân đội này sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine như thế nào? Hay nó sẽ chẳng mang lại sự khác biệt trên thực tế?

Ngán ngẩm vì NATO chần chừ, Ukraine sẽ nhờ cậy quân đội châu Âu để ứng phó với Nga? - Ảnh 1.

Thành lập quân đội châu Âu là ý tưởng không còn quá mới mẻ.

Đức và Pháp đề nghị thành lập quân đội châu Âu

Vài tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thành lập một đội quân của châu Âu và chỉ vài ngày sau, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhanh chóng đồng tình với ý tưởng này.

Tuy nhiên, theo bình luận viên Klaus Jurgens của tờ Daily Sabah, vấn đề ở đây là cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý về một ý tưởng được cho là quá cũ kỹ.

Cần phải nhớ rằng, trước đó, Liên minh Tây Âu (WEU) thành lập năm 1954 đã được coi là một tổ chức quốc tế và là cơ quan hợp tác quân sự chung của các nước châu Âu.

Về sau này, các nhiệm vụ của WEU lại được chuyển giao cho Liên minh châu Âu (EU) và kể từ Hiệp ước Lisbon năm 2009, nó đã hoàn toàn được đưa vào Chính sách An ninh và Quốc phòng chung (CSDP) của EU.

Bên cạnh CSDP đã nói ở trên, một cơ quan điều phối quốc phòng khác đã được thành lập có tên gọi là Cơ cấu hợp tác thường trực (PESCO).

PESCO kết hợp 25 trong số 28 quốc gia thành viên EU ngày nay, nhằm tăng cường phối hợp, tăng đầu tư cho quốc phòng và phát triển hơn nữa khả năng phòng thủ giữa các quốc gia thành viên EU, bao gồm cả những quốc gia hiện không phải là thành viên NATO.

Cơ cấu hợp tác lâu dài mà PESCO đặt ra với các mục tiêu đầy tham vọng bao gồm tham gia lực lượng một cách thường xuyên, cùng nhau chi tiêu, cùng nhau đầu tư và cùng nhau hành động. Khả năng quân sự được phát triển dưới sự lãnh đạo của các quốc gia thành viên riêng lẻ vẫn nằm trong tay các quốc gia thành viên đó, nhưng về nguyên tắc, họ có thể đóng góp chúng cho NATO.

Các nhà quan sát EU gần đây đã đi đến kết luận rằng từ cơ cấu PESCO dẫn đến quân đội chung châu Âu thực sự là một bước nhảy vọt. Tuy nhiên, điều này sẽ phải mất nhiều năm và cơ cấu này có thể vấp phải phản ứng khi can thiệp vào một cuộc chiến.

Quân đội EU sẽ gửi tàu đến biển Azov?

Ngán ngẩm vì NATO chần chừ, Ukraine sẽ nhờ cậy quân đội châu Âu để ứng phó với Nga? - Ảnh 2.

Đức tỏ rõ quan điểm không muốn đưa tàu chiến đến Biển Đen.

Nếu như đội quân châu Âu được thành lập và hoạt động đầy đủ, Tổng thống Poroshenko sẽ yêu cầu quân đội này gửi tàu chiến và tàu tuần tra đến biển Azov thay vì NATO, theo Daily Sabah.

Lý do này xuất phát từ việc Brussels - hay Berlin và Paris – có vị trí địa lý gần gũi hơn với Kiev. Lý do thứ hai là việc hai nước này có mối quan hệ trung gian rất tốt giữa EU và Ukraine.

Thứ ba, có thể có giả định rằng nếu Nga phải đối mặt với một mặt trận thống nhất đến từ châu Âu, Điện Kremlin có thể sẽ tỏ ra ngần ngại hơn thay vì sẵn sàng so kè nếu đối thủ là NATO hay Washington.

Tuy nhiên, câu hỏi ở đây không phải là yêu cầu giúp đỡ của Ukraine mà là liệu châu Âu có chấp thuận một lời đề nghị như vậy hay không.

Nếu sự nhạy cảm là nhận thức lúc này của châu Âu, câu trả lời rõ ràng là không. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã thể hiện rõ quan điểm trên khi ông nói rằng sẽ không có tàu chiến Đức ở Biển Azov, hoặc thậm chí là ở Biển Đen. Điều này đã được khẳng định từ lâu, trước cả khi ý tưởng về quân đội châu Âu được đề xuất trở lại.

Một mặt, người Đức chủ yếu tin vào những nỗ lực giảm leo thang thay vì sử dụng sức mạnh quân sự. Mặt khác, do yếu tố lịch sử và sự nhạy cảm ở nhiều nơi trong khu vực đó, việc một tàu chiến Đức có mặt sẽ không phải là một cảnh tượng được nhiều người hoan nghênh.

Với trường hợp này, một câu hỏi khác được đặt ra. Liệu Đức có thay đổi lập trường của mình trong trường hợp quân đội châu Âu thành sự thật hay không? Câu trả lời có lẽ vẫn là không.

Do đó, sự có mặt của một đội quân châu Âu trong nhiều khả năng sẽ không tạo điều kiện thuận lợi để giải tỏa căng thẳng giữa Ukraine và Nga. Cơ chế này cũng có thể sẽ không muốn tham gia vào biến cố trên.

Theo giả thuyết, rất có thể sẽ có nhiều quốc gia châu Âu đồng tình về ý tưởng này. Nhưng người dân châu Âu sẽ không hề muốn nhìn thấy một đội quân của riêng họ nhưng lại bị lôi kéo vào các cuộc xung đột mà chính bản thân NATO không muốn và không có khả năng giải quyết.

Kết luận lại, tờ Daily Sabah tin rằng, quân đội của châu Âu sẽ không ngăn chặn cũng như không can thiệp vào cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, nó cũng đặt ra câu hỏi về tính cần thiết đối với EU. Phải chăng, châu Âu nên quan tâm đến những vấn đề khác cấp bách hơn trong chương trình nghị sự của mình thay vì khơi lại một ý tưởng quân sự không còn gì mới mẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại