Khẩu pháo 37mm và chuyện về anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân

Phan Thanh Nga – Bảo tàng Quân khu 4 |

Đã hơn 54 năm ngày anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân hy sinh, có những câu chuyện về anh bây giờ mới được kể lại qua dòng ký ức của đồng đội một thời cùng anh vào sinh ra tử.

Đó là Đại tá Hồ Sĩ Bảo, người pháo thủ Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ ngày đó. Bên khẩu pháo 37mm của đại đội đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, ông Bảo nhớ lại trận chiến đấu rực lửa ngày 18/11/1964 tại Siêng Pan (Khăm Muộn, Lào)...

Tháng 2 năm 1964, tôi nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 14 thuộc Sư đoàn 325 (tiền thân của Tiểu đoàn 396 - một trong 6 Tiểu đoàn cao xạ 37mm, thành lập đầu tiên năm 1953, từng tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ).

Tháng 9 năm 1964, theo yêu cầu của tổ chức, Sư đoàn 325 nhận nhiệm vụ vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn 14 trở thành tiểu đoàn độc lập thuộc Quân khu 4, có nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên địa bàn Quân khu và các tỉnh Trung, Hạ Lào.

Ngày 12/11/1964, được lệnh của Quân khu, tiểu đoàn cơ động đến Siêng Pan, tỉnh Khăm Muộn (Lào) bảo vệ tuyến giao thông quan trọng trên đường Hồ Chí Minh.

Đường hành quân dài trên 500km, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trời mưa, đường trơn, núi cao, dốc thẳm nhưng đơn vị vẫn vừa hành quân, kéo pháo, vừa học tập quán triệt nhiệm vụ của Quân khu giao, đồng thời tổ chức thảo luận, học tập gương hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (bị chính quyền ngụy xử bắn tháng 10 năm 1964), xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đánh thắng trận đầu.

Đại đội 1, Đại đội 3 (pháo cao xạ 37mm 1 nòng) và Đại đội 4 (pháo 14,5mm) từ hướng Đồng Hới ngược Đường 8 sang Đường 12 lên hướng tây Quảng Bình, qua Siêngpan (Khăm Muộn, Lào). Đến 3 giờ sáng ngày 15/11/1964, toàn đơn vị tới vị trí an toàn, đúng kế hoạch.

Trận địa chiến đấu cách cầu Siêngpan khoảng 600m, điểm giao thông quan trọng trong tuyến huyết mạch Việt Nam - Savanakhet (Lào) - Campuchia, huyết mạch của Trường Sơn Đông qua Trường Sơn Tây. Đây cũng là cửa khẩu của những đoàn quân miền Bắc cùng khí tài Nam tiến chi viện cho miền Nam đánh giặc. Lúc này, tôi là pháo thủ số 3, Đại đội 3, đồng chí Nguyễn Viết Xuân làm Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14.

Khẩu pháo 37mm và chuyện về anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân - Ảnh 1.

Một trận địa pháo phòng không trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh BTLSQSVN.

8 giờ ngày 18/11/1964, Mỹ cho máy bay thăm dò ở hai tuyến đường chi viện quan trọng (Đường 12 và Đường 16) và khu vực cầu Siêng Pan. Lúc này, trận địa ta bố trí trên cánh đồng lúa mới gặt, lựa chọn đúng thời cơ, ta nổ loạt đạn đầu tiên đánh đuổi máy bay Mỹ.

Lợi dụng núi cao, rừng rậm, từng tốp máy bay Mỹ quay lại thay nhau lao xuống ném bom, bắn rốc két xuống trận địa. Sau khẩu lệnh chiến đấu của Đại đội trưởng Lê Hữu Mai, khẩu pháo 37mm cùng trận địa nổ giòn dã.

Chiếc RF-101 bay đầu tốp trúng đạn bốc cháy rơi ngay trên đỉnh núi. Như một con thú bị thương, chúng hùng hổ điều thêm 22 chiếc máy bay gồm F-101, F-100, AD-6, T-28 liên tục bổ nhào trút bom đạn xuống trận địa.

Cuộc chiến đấu kéo dài suốt 8 giờ liền. Tôi cùng Pháo thủ Phạm Hường (Khẩu đội 1), Khẩu đội trưởng Nguyễn Duy Dĩnh, Đậu Văn Vĩnh, Nguyễn Đăng Bộ (Khẩu đội 3)… đều bị thương nhưng không ai chịu rời trận địa.

Trong khói bom mịt mù, Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân vẫn bám từng khẩu đội, thăm hỏi anh em, động viên các pháo thủ giữ vững trận địa. Khi quay về vị trí chỉ huy, anh bị một loạt đạn 120mm bắn gãy nát đùi bên phải, máu chảy đầm đìa. Dù bị thương nặng, Nguyễn Viết Xuân vẫn dựa vào thành công sự quan sát trận địa và cùng Đại đội trưởng Lê Hữu Mai tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Cả trận địa mịt mù khói bom, ngoài chiến sĩ thông tin Trần Hữu Tình, không ai biết Nguyễn Viết Xuân đã bị thương, anh bình tĩnh nhờ đồng đội cắt đứt phần chân bị địch bắn nát. Nhưng chiếc kéo thông tin chuyên dụng của Tình không còn sắc bén khiến vết thương càng thêm đau buốt, Tình nhanh nhẹn tìm y tá Lê Đăng Nhu ở Khẩu đội 3 cắt rời phần chân trúng đạn và băng bó.

Dù bị thương nặng, máu ra rất nhiều, nhưng Nguyễn Viết Xuân vẫn nén cơn đau, căn dặn y tá: “Đừng để anh em biết mình bị thương”. Lúc đó, khoảng 11 giờ trưa, dù đã cuối thu, nhưng cái nắng miền Tây vẫn gay gắt, chói chang hòa lẫn cùng trận địa khét lẹt khói bom…

Khẩu pháo 37mm và chuyện về anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân - Ảnh 2.

Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân. Ảnh Từ điển BKQSVN 2009.

Thấy rõ trận chiến đấu có thể diễn ra quyết liệt và kéo dài, sức mình đã kiệt, nhiều việc của đơn vị chưa kịp làm, nhưng hơn lúc nào hết người chính trị viên cần phải truyền hết ý chí, lòng căm thù tột độ giặc Mỹ xâm lược đến cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Nguyễn Viết Xuân gượng ngồi, yêu cầu anh em nâng mình đứng dựa vào thành công sự, dồn hết sức lực cất tiếng hô lớn:

Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ… Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn! Bị thương nặng không kêu la, bị thương nhẹ không rời vị trí!”. Lời động viên dõng dạc át tiếng phản lực, đạn pháo như tiếp thêm sức mạnh, trận địa liên tiếp nổ súng chính xác, bắn rơi lần lượt 4 chiếc F-101, F-100, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bảo vệ vững chắc mục tiêu.

Đến 19 giờ cùng ngày, địch rút quân sau khi gặp sự đánh trả quyết liệt của ta. 21 giờ, thu dọn xong trận địa, tôi cùng đồng đội mới có thời gian vào thăm Nguyễn Viết Xuân. Vết thương quá nặng và mất rất nhiều máu, không thuốc giảm đau, không thuốc gây mê, y tá muốn tiêm thuốc bổ cho anh nhưng Nguyễn Viết Xuân nhất định từ chối:

“Mình đã 33 tuổi rồi, đã có vợ, có con... các đồng chí còn trẻ, cống hiến cho Đảng, cho nhân dân còn dài... Mình có thể sẽ không qua khỏi, hãy dùng thuốc này tiêm cho đồng chí Hường và các đồng chí bị thương khác. Sẽ còn nhiều trận đánh ác liệt nữa, các đồng chí cần có thuốc…”.

Sau đó, Nguyễn Viết Xuân chỉ định người thay thế, bình tĩnh bàn giao công việc rất tỉ mỉ, rõ ràng, dặn dò cặn kẽ việc chấp hành Nghị quyết của Chi bộ và nêu một số đề nghị về công tác phát triển Đảng, Đoàn và khen thưởng trong đơn vị… Đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, ngày 19/11/1964, Nguyễn Viết Xuân trút hơi thở cuối cùng…

Chiều hôm đó, đồng đội chôn cất đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ Quân khu 4, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bãi Dinh, nơi đây không gian khoáng đãng, đồi nối đồi, những bông lau trắng nở dịu dàng, nền nã và ấm cúng...

Sau khi Nguyễn Viết Xuân hy sinh, khẩu lệnh chiến đấu của anh đã trở thành mệnh lệnh bắn máy bay Mỹ không những ở trong quân chủng cao xạ mà còn trở thành tư tưởng hành động của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tấm gương Nguyễn Viết Xuân cũng tiếp thêm khí thế cách mạng trong toàn quân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Khẩu pháo 37mm và chuyện về anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân - Ảnh 3.

Khẩu pháo phòng không 37mm số 4227 của Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4.

Noi gương anh, tôi cùng đồng đội đã lập nhiều chiến công oanh liệt, cơ động chiến đấu suốt 10 năm, với trên 48 vạn km, thường xuyên có mặt trên những trọng điểm giao thông ác liệt nhất trên địa bàn Quân khu 4 và các tỉnh thuộc Trung, Hạ Lào.

Đánh hơn 1.200 trận, bắn cháy 128 máy bay Mỹ, có 42 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 9 tên phi công Mỹ. Trên các trận địa Tiểu đoàn 14 đóng quân, cho dù lớp bom sau đè lên lớp trước, nhưng những cung đường chiến lược vẫn thông, vẫn sống, bởi chúng tôi chiến đấu bằng sức mạnh “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”

Tại Đại hội thi đua quyết thắng Quân khu tháng 5/1966, được sự nhất trí của Tổng Cục Chính trị và Quân khu, Tiểu đoàn 14 được mang tên Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân. Tháng 1/1967, Nguyễn Viết Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiểu đoàn 14 hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1967, 1970); hai lần được ra thăm và báo công với Bác Hồ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm tại trận địa chiến đấu (1966, 1970), dẫn đầu bảng vàng lập công trong hàng ngũ cấp tiểu đoàn cao xạ toàn quân.

Thời gian sau đó, tôi cùng 6 đồng chí khác tham gia làm cố vấn xây dựng và chiến đấu trong Tiểu đoàn 8 cao xạ tỉnh Xalavan (Nam Lào). Chỉ sau 5 tháng xây dựng, củng cố và huấn luyện đã phối hợp với Tiểu đoàn 14 chiến đấu bắn rơi 3 máy bay T-28, sau đó Tiểu đoàn 8 độc lập bắn rơi 2 chiếc T-28 và tiếp tục vững mạnh, lập nhiều thành tích mới.

Bản thân tôi đã từng tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường ác liệt (biên giới Lạng Sơn năm 1979), may mắn lành lặn trở về như ngày hôm nay, tôi luôn nghĩ do tôi được chính những đồng đội đã hy sinh, được chính anh Xuân phù hộ, che chở…

Khẩu pháo 37mm (một nòng, sản xuất tại Liên xô năm 1944) của Đại đội 3 - Tiểu đoàn 14 Nguyễn Viết Xuân anh hùng đã lập công lẫy lừng trong trận đánh ngày 18/11/1964 tại Siêngpan và nhiều trận đánh khác (ngay từ trận đầu ra quân, 5/3/1952, Đại đội 612, sau này là Đại đội 3 bảo vệ cầu Thủy Khẩu đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-8F, được Bác Hồ gửi thư khen; Cùng đơn vị bắn rơi 8 máy bay địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; từ ngày 5/8/1964 đến ngày 30/12/1972, bắn rơi và bắn cháy 128 máy bay Mỹ) giờ đây được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 (năm 1973) với số hiệu BTQK4: 405-K3-154.

Cũng từ khi hiện vật được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng, tôi vẫn thường xuyên ghé thăm, để tưởng nhớ đến đồng đội, nhớ đến những ngày tháng chiến đấu hào hùng.

Với tôi, điều xúc động nhất theo suốt cuộc đời mình là những phút giây cuối cùng bên Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân, người đã để lại trong hàng triệu trái tim Việt Nam với lời hô bất tử: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại