Alfred Nobel là thiên tài hay "Kẻ buôn bán tử thần"?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Nobel là giải thưởng danh giá bậc nhất TG và tiền thưởng lên tới trên dưới 1 triệu USD. Tuy nhiên, sự ra đời của giải thưởng này có xuất phát điểm từ bi kịch của một thiên tài.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sự ra đời của giải thưởng này có xuất phát điểm từ bi kịch của một thiên tài.

Alfred Nobel - thiên tài về kỹ thuật và thương mại

Alfred Nobel sinh ngày 21.10.1833 ở Stockholm, Thụy Điển, trong một gia đình toàn kỹ sư. Ông là một nhà hóa học, kỹ sư, nhà phát minh đồng thời là một thương gia giỏi. Ông từng có tới 355 bằng sáng chế; phát minh ra nhiều vật liệu hoá học khác nhau như cao su và da tổng hợp, tơ nhân tạo, một số loại thuốc nổ...

Nhiều người lầm tưởng ông là nhà phát minh ra thuốc nổ và nhờ ông nhân loại mới biết đến thuốc nổ song không phải vậy! Thực ra, nhân loại đã biết đến thuốc nổ từ lâu, thậm chí người Trung Quốc còn phát minh ra thuốc nổ đen từ hàng nghìn năm trước.

Giá trị các phát minh của Nobel là tìm ra các chất phụ gia thích hợp và công thức pha chế phù hợp để chế tạo các loại thuốc nổ an toàn sử dụng trong phá đá, đào kênh, khai thác hầm mỏ cũng như sản xuất đạn dược, bom mìn... trên quy mô công nghiệp.

Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 1.

Khánh thành tượng Nobel tại Trường đại học Alfred Nobel.

Năm 20 tuổi, Nobel bắt đầu nghiên cứu về thuốc nổ Nitroglycerin - loại thuốc nổ vốn được phát minh từ năm 1846 nhưng vì chưa thể khống chế và sử dụng nó một cách an toàn nên chưa có ứng dụng thực tế. Sau 3 năm nghiên cứu, ông đã tìm ra cách khống chế nó và cho ra đời loại thuốc nổ an toàn có tên là Dynamite.

Nobel cũng phát minh ra các loại thuốc nổ như Blasting gelatin, ballistite... Sáng chế này là tiền thân của nhiều vật liệu nổ không khói dùng trong quân đội, đặc biệt là bột chất nổ không khói của người Anh.

Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 2.

Sau đó, Nobel thành lập một công ty thuốc nổ. Các sản phẩm của ông phục vụ hữu ích cho đời sống (phá núi, đào kênh, khai mỏ…). Khi xảy ra chiến tranh, nhu cầu về thuốc nổ tăng vọt, công ty của Nobel phất lên như diều gặp gió.

Là một người có đầu óc kinh doanh ông đã mở xưởng tại nhiều nước, phát triển thị trường thuốc nổ và vũ khí rộng rãi. Nhờ vậy, Nobel đã trở thành một trong những triệu phú giàu có nhất thế giới thời bấy giờ.

Những bi kịch của một thiên tài và sự ra đời của một giải thưởng

Là một thiên tài nổi tiếng và giàu có song cuộc đời Nobel cũng gặp phải nhiều bi kịch.

Bi kịch đầu tiên đến với ông ngày 3.9.1864, nhà máy của Nobel phát nổ, làm 5 người thiệt mạng, trong đó có cả Emil, em trai ông. Sau lần tai nạn đó, thuốc nổ hầu như bị mọi người bác bỏ, nhưng Nobel quyết không từ bỏ ý định chế tạo thuốc nổ và quyết tâm làm cho nó an toàn hơn.

Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 3.

Alfred Nobel.

Nhưng bi kịch lớn nhất đến với ông là khi người anh Ludvig của ông qua đời năm 1888. Rất nhiều tờ báo do nhầm lẫn đã đăng cáo phó của ông với tựa đề "Nhà buôn cái chết đã chết".

Nặng nề hơn báo chí còn viết: "Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua."

Tin tức lan rộng nhanh chóng và Alfred Nobel đã nổi tiếng càng nổi tiếng hơn với danh hiệu không hay ho gì: "kẻ buôn bán tử thần". Có lẽ điều này đã khiến Nobel bất ngờ và làm ông lo ngại về việc ông sẽ được ghi nhớ ra sao sau khi ông chết.

Thực ra, những phát minh sáng chế của ông trước hết đều nhằm phục vụ cho con người như khai thác hầm mỏ, phá núi, đào kênh... Song khi chiến tranh nổ ra, nó cũng được con người sử dụng vào mục đích giết người ngoài ý muốn của ông.

Và có lẽ chính vì điều đó mà ông quyết định giành phần lớn tài sản của mình (94% tổng tài sản- khoảng 186 triệu USD hay 150 triệu € tính theo thời giá 2008) để tạo ra một loạt các giải thưởng cho những người trao "lợi ích lớn nhất cho nhân loại".

Sau khi ông mất (ngày 10.12.1896), Viện Hàn lâm Thụy Điển và Uỷ ban Giải thưởng của Quốc hội Na Uy đã lập ra giải thưởng Nobel theo di chúc của ông.

Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 4.

3 trong số các nhà khoa học được trao giải Nobel 2018.

Giải thưởng Nôben được trao tặng vào ngày 10.12 hằng năm, bắt đầu từ 1901, cho những người có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, chính trị xã hội, văn học. Lúc đầu, theo di chúc của Nobel, chỉ có 5 giải thưởng về vật lí, hoá học, sinh học và y học, văn học, hoà bình. Năm 1968, bổ sung thêm một giải về khoa học kinh tế.

Nhiều người thắc mắc tại sao không có giải thưởng về toán học. Có tin đồn sở dĩ Nobel không đặt ra giải thưởng này là bởi người phụ nữ ông yêu đã từ bỏ ông để đi theo nhà toán học nổi tiếng Gosta Mittag Leffler.

Tuy nhiên cho đến nay, không hề có bằng chứng nào ủng hộ điều này. Âu đó cũng là một bi kịch của ông?

Từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, đã có khoảng 750 người được nhận giải thưởng này. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 huy chương Nobel và một khoản tiền - theo thời giá hiện nay là trên 1 triệu USD. Giải thưởng không những là một vinh dự cho cá nhân được giải mà còn mang lại vinh quang cho Tổ quốc của người đó.

Không chỉ vậy, Nobel - nhà khoa học, nhà kinh doanh tài ba đã để lại cho nhân loại ngày nay một thông điệp về mục đích chân chính của khoa học: "phải phục vụ lợi ích con người".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại