Viễn cảnh khiến Washington lạnh gáy: Máy bay ném bom Nga thình lình xuất hiện khắp châu Mỹ

Vy Lam |

Chuyên gia Lamrani dự đoán rằng máy bay ném bom Nga không chỉ tới Venezuela, mà còn có thể sẽ ghé thăm cả những quốc gia khác ở châu Mỹ trong tương lai.

Moscow gần đây đã triển khai 2 máy bay ném bom hạt nhân Tu-160 tới Venezuela, làm dấy lên suy đoán rằng nước này đã sẵn sàng đối mặt với bất cứ thách thức quân sự nào từ Mỹ.

Thông qua việc triển khai các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Tu-160 tới Venezuela – quốc gia Mỹ Latinh với lập trường chống Mỹ, Nga đã khơi mào một cuộc tranh cãi mới giữa các chuyên gia chính sách nước ngoài về việc liệu Washington và Moscow có đang tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không.

Động thái này gợi nhớ lại thời điểm Liên Xô – tiền thân của nước Nga bây giờ - triển khai các cơ sở tên lửa đạn đạo chiến lược tới Cuba vào năm 1962, đe dọa Mỹ từ cự ly gần và đối trọng với lợi thế quân sự của liên minh NATO do Mỹ đứng đầu.

Viễn cảnh khiến Washington lạnh gáy: Máy bay ném bom Nga thình lình xuất hiện khắp châu Mỹ - Ảnh 1.

Máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-160 của Nga sau khi hạ cánh xuống Maiquetia, Venezuela ngày 10/12/2018 (Ảnh: Reuters)

"Thời Chiến tranh Lạnh, Nga thường sử dụng máy bay ném bom, chúng không nhất thiết phải đáp xuống đâu đó, mà thường bay vòng quanh nước Mỹ. Chúng bay vào biển Caribe, băng qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương rồi tới gần Alaska" – ông Omar Lamrani, chuyên gia phân tích quân sự cấp cao tại tổ chức tư vấn Stratfor của Mỹ, cho hay.

Hoạt động trên nhằm ở rộng phạm vi tác chiến của quân đội Nga chống lại Mỹ. "Những máy bay ném bom đó có khả năng mang vũ khí hạt nhân, vì thế trong trường hợp xảy ra xung đột, chúng sẽ được giao nhiệm vụ bay tới gần và phóng tên lửa nhằm vào nước Mỹ" – ông Lamrani nói.

Các máy bay ném bom Tu-160 có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ khoảng cách 5.500km. Trong chiến dịch quân sự tại Syria, Moscow đã lần đầu tiên triển khai các máy bay ném bom này để phóng tên lửa hành trình Kh-101 mang đầu đạn thông thường.

Ông Lamrani cho biết, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã huấn luyện các phi công bay tới gần căn cứ không quân của Mỹ để gửi tới Wahsington thông điệp rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu.

Viễn cảnh khiến Washington lạnh gáy: Máy bay ném bom Nga thình lình xuất hiện khắp châu Mỹ - Ảnh 2.

Các phi công trên máy bay ném bom Tu-160 được chào đón sau khi hạ cánh xuống Maiquetia, Venezuela ngày 10/12/2018. (Ảnh: Reuters)

"Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do không còn chiến tranh và thiếu ngân sách nên loại hình nhiệm vụ này không được tiến hành thường xuyên như trước đây" – ông Lamrani nói.

Song, kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm 2014, căng thẳng giữa Nga và khối phương Tây – do Mỹ dẫn đầu – hiếm có lúc nào dịu xuống. Mặt khác, tại Syria, Nga đã chứng tỏ với cả thế giới rằng họ có thể thực hiện được những nhiệm vụ quân sự xa bờ kéo dài hàng năm.

Đây không phải lần đầu tiên Moscow điều máy bay ném bom tới Venezuela – quốc gia thân Nga. Động thái tương tự đã diễn ra vào năm 2008 và 2013. Trong khi đó, đối với Washington, Venezuela là một nhân tố gây đau đầu.

Đợt triển khai Tu-160 mới đây của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro có chuyến thăm tới Moscow vào tuần trước. Tại đây, ông Maduro đã đề cập tới những khó khăn tài chính của Venezuela và tìm kiếm sự hỗ trợ về chính trị, cũng như kinh tế từ Moscow.

Viễn cảnh khiến Washington lạnh gáy: Máy bay ném bom Nga thình lình xuất hiện khắp châu Mỹ - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ người đồng cấp Nicolas Maduro hôm 5/12/2018. (Ảnh: Reuters)

"Nga muốn củng cố mối quan hệ của họ với Venezuela và các quốc gia khác trong khu vực này" – ông Lamrani nói, đồng thời đánh giá rằng Moscow muốn làm nổi bật sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.

Mối đe dọa lớn với Mỹ?

Phản ứng trước việc Moscow đưa Tu-160 tới Venezuela, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích Nga và Venezuela là "hai chính phủ tham nhũng phung phí công quỹ và chà đạp tự do trong khi người dân đang phải chịu đựng".

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio thẳng thừng cảnh báo Mỹ nên đón chờ một kịch bản máy bay Nga "có thể xâm phạm vào vùng nhận dạng phòng không" của nước này.

Ông Rubio tuyên bố sự xuất hiện của hai oanh tạc cơ Nga tại Venezuela là "đáng báo động" và các cuộc tập trận không khác gì một "mối đe dọa tới sự ổn định trong khu vực và an ninh quốc gia Mỹ".

Còn chuyên gia Lamrani thì dự đoán rằng máy bay ném bom Nga có thể sẽ ghé thăm cả những quốc gia khác ở châu Mỹ, tương tự như vào năm 2013, các máy bay Tu-160 không chỉ tới Venezuela mà còn đáp xuống Nicaragua – một quốc gia châu Mỹ Latinh khác có quan hệ thân thiện với Nga.

Cần lưu ý rằng, bên cạnh việc hai máy bay thực hiện chuyến bay dài 10 giờ đồng hồ trên vùng biển Caribe và phối hợp hoạt động với Su-30, F-16 của Venezuela, Bộ Quốc phòng Nga không nhắc gì tới Mỹ.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây đã làm dấy lên sự lo ngại khi đưa thông tin này lên trang chủ các báo lớn nhỏ trong nước. Hơn một nửa trong số các bài viết nhấn mạnh vào chi tiết Nga sở hữu "máy bay ném bom siêu thanh, tầm xa, có khả năng mang bom hạt nhân…"

Khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Chuyên gia Omar Lamrani tin rằng quân đội Nga đang tìm cách phát triển các khả năng mới nhằm đảm bảo họ có đủ năng lực cạnh tranh với Mỹ ở cả sức mạnh hạt nhân và hậu cần trên bộ.

Theo vị chuyên gia, Nga đang "tái xây dựng" hạm đội của mình ở Đại Tây Dương bằng cách gia tăng số lượng tàu ngầm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã phát đi tín hiệu rằng Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân năm 1987, trong đó cấm hai phía triển khai các tên lửa hạt nhân trên bộ có tầm bắn từ 500 – 5.500km.

Viễn cảnh khiến Washington lạnh gáy: Máy bay ném bom Nga thình lình xuất hiện khắp châu Mỹ - Ảnh 4.

Tổng thống Donald Trump đe dọa rút khỏi hiệp ước hạt nhân do cựu Tổng thống Ronald Reagan (bên phải) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987 (Ảnh: AP)

Đối với nhiều chuyên gia, tuyên bố của ông Trump cho thấy một chặng mới trong cuộc chạy đua vũ trang giữa Washington và Moscow đã bắt đầu.

Tuy nhiên, với màn "phô diễn" mới nhất ở Venezuela, Nga dường như không quan tâm liệu Mỹ có tuân thủ hiệp ước hạt nhân 1987 hay sẽ từ bỏ.

"Tổng thống Putin đã trưng ra những siêu vũ khí công nghệ cao, chúng thực sự đang khiến hầu hết các khoản đầu tư hiện nay và tương lai của Mỹ trong lĩnh vực chiến lược này mất hết giá trị" – ông Sergei Karaganov, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Kremlin, nêu quan điểm trong cuộc phỏng vấn độc quyền với TRT World hồi đầu tháng 10.

Ông Karaganov đồng thời chỉ ra rằng Moscow đã chế tạo được một hệ thống có đủ sức mạnh để đối phó Mỹ, hoặc bước vào một cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng.

"Chúng tôi đang chỉ cho người Mỹ thấy rằng dù có đầu tư vào thứ gì đi nữa thì họ cũng đang lãng phí tiền bạc của mình" – ông Karaganov nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại