Đại tá Trung Quốc: Chặn đầu, đâm chìm chiến hạm Mỹ nếu lại đến tuần tra biển Đông!

Hải Võ |

Ý kiến được ông Đới Húc nêu ra trong hội thảo thường niên của Thời báo Hoàn Cầu, tổ chức hôm 8/12 với chủ đề "Đối đầu Mỹ-Trung và biến đổi cục diện thế giới 2019".

Thảo luận đề tài "Sóng gió sẽ lại nổi lên ở biển Đông và biển Đài Loan?", Viện trưởng viện nghiên cứu hợp tác và an ninh biển, đại tá không quân Trung Quốc Đới Húc kêu gọi quân đội nước này đối đầu mạnh tay với chiến hạm Mỹ tuần tra trong khu vực.

Theo ông Đới, tình hình biển Đông và biển Đài Loan trong năm tới có xu hướng gia tăng căng thẳng, nhưng điều này đồng thời mang tới cơ hội cho Bắc Kinh. Trong khi vấn đề phát triển kinh tế là định hướng lớn cần bảo đảm của Trung Quốc, diễn biến căng thẳng ở biển Đài Loan có thể là "khúc dạo đầu" cho cuộc chiến của Quân giải phóng nhân dân (PLA) nhằm đẩy nhanh lộ trình thống nhất Đài Loan.

Đại tá Trung Quốc: Chặn đầu, đâm chìm chiến hạm Mỹ nếu lại đến tuần tra biển Đông! - Ảnh 1.

Ông Đới Húc (Ảnh: Huanqiu)

"Chúng ta không có gì phải sợ, chỉ cần làm tốt công tác chuẩn bị và bình tĩnh quan sát tình hình, khi thời cơ chiến lược xuất hiện thì chúng ta sẽ chủ động thu hồi [Đài Loan]," ông Đới phát biểu tại hội thảo.

Trong vấn đề biển Đông, đại tá Trung Quốc gọi các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ là hành động thách thức Bắc Kinh và cho rằng nước này "không cho phép chiến hạm Mỹ hoành hành".

"Khi chiến hạm Trung Quốc chặn các tàu chiến Mỹ thì có rất nhiều người lo sợ, tôi không hiểu là sợ điều gì?..." - ông Đới nói. "Tôi nói với họ rằng, nếu tàu Mỹ còn đến nơi này (biển Đông, biển Đài Loan) thì kiến nghị điều hai tàu, trong đó 1 tàu chặn đầu và 1 tàu đâm chìm nó".

Hôm 22/10, hai tàu chiến USS Curtis Wilbur và USS Antietam của hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan trong chiến dịch mà Lầu Năm Góc xác nhận là "di chuyển định kỳ qua eo biển Đài Loan phù hợp với luật pháp quốc tế". Hồi tháng 7, hai tàu khu trục Mỹ USS Mustin và USS Benfold cũng di chuyển qua vùng biển này.

Ngày 26/11, hải quân Mỹ cũng điều động tàu tuần dương mang tên lửa đạn đạo USS Chancellorsville tiến hành tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh tại đây.

Vụ "đụng độ" căng thẳng nhất trên biển Đông giữa hai nước diễn ra hôm 30/9, khi hải quân Trung Quốc bị Mỹ tố đã huy động một tàu khu trục áp sát "nguy hiểm" - đến mức gần như xảy ra va chạm - khi tàu khu trục USS Decatur (Mỹ) thực thi quyền tự do hàng hải ở phạm vi 12 hải lý của đá Gaven và đá Gạc Ma - những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép.

Ngày 22/11/2018, trả lời về thông tin Trung Quốc lắp đặt cấu trúc mới trên đá Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nêu rõ:

"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN – Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại