Trong bối cảnh Mỹ và Australia có kế hoạch cùng nâng cấp căn cứ Lombrum và khả năng điều động thêm cả vũ khí tới khu vực này trong tương lai, nhiều nhà quan sát nhận định Washington và Canberra cần có những tính toán thận trọng nhằm tránh kích động Indonesia. Bởi Papua New Guinea và Indonesia có đường biên giới chung trên đất liền dài 820 km.
Căn cứ hải quân Lombrum ở Papua New Guinea được xem đang nắm giữ vị trí chiến lược trong chính sách của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giữa lúc Mỹ và Australia dự định nâng cấp căn cứ Lombrum, chưa có thông tin nào cho thấy chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, những lời bình luận của giới chức cấp cao Indonesia hồi tuần trước đã phần nào hé lộ mối quan ngại của chính quyền quốc đảo này.
Cụ thể, ông Abdul Kharis Almasyhari, Chủ tịch Ủy ban quốc hội về giám sát quốc phòng và an ninh của Indonesia nhận định các quốc gia nước ngoài “cần tránh tiến hành quân sự hóa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Thậm chí, ông Almasyhari còn hối thúc chính quyền của Tổng thống Widodo ngăn chặn những cuộc vận động hành lang đồng thuận với kế hoạch để nước ngoài xây dựng căn cứ hải quân ở Papua New Guinea. Ông Almasyhari cho rằng, hành động này sẽ chỉ làm “gia tăng căng thẳng chính trị trong khu vực”.
Trên thực tế, căn cứ hải quân Lombrum nằm trên đảo Manus của Papua New Guinea vốn đã được Australia nâng cấp trước thời điểm ngày 17/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington cũng tham gia vào hoạt động này.
Theo kế hoạch, căn cứ này sẽ là nơi để hải quân Mỹ tiếp nhiên liệu cũng như triển khai các hoạt động tuần tra hàng hải giữa lúc hải quân Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng khắp Thái Bình Dương.
Trong khi đó, mối quan hệ liên quân giữa Australia và Indonesia cũng đang ở trong giai đoạn sóng gió liên quan tới hàng loạt bất đồng như việc Canberra để quân đội Mỹ đóng quân ở Darwin.
“Những vấn đề liên quan tới Papua New Guinea đều rất nhạy cảm cũng giống như việc Mỹ đặt căn cứ thủy quân lục chiến ở Darwin cách đây vài năm”, ông Evan Laksmana, nhà nghiên cứu quân sự Indonesia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Jakarta chia sẻ.
Nâng cấp căn cứ Lombrum còn cả chặng đường dài
Căn cứ hải quân Lombrum được quân đội Mỹ xây dựng vào năm 1944 để mở hướng tấn công nhằm tái chiếm Thái Bình Dương khỏi quân Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai.
Ở căn cứ Lombrum, Mỹ xây một đường băng dài gần 3 km cùng nhiều kè để tàu chiến cập bến. Sau Thế chiến thứ Hai, căn cứ này được Mỹ dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh Nhật. Gần đây, Australia sử dụng căn cứ trên đảo Manus để giữ người xin tị nạn. Ngoài ra, căn cứ Lombrum hiện là nơi hoạt động của 200 lính hải quân Papua New Guinea làm nhiệm vụ giám sát hoạt động đánh bắt cá.
Thông tin Mỹ - Australia cùng chung tay nâng cấp căn cứ Lombrum được đưa ra sau vài tháng có thông tin cho rằng, Trung Quốc muốn xây một cảng biển ở đảo Manus song nhiều người nghi ngờ Bắc Kinh có ý định thành lập một căn cứ hải quân tại khu vực.
Trước đó, vào năm 2016, Công ty Kỹ thuật cảng biển Trung Quốc đã trúng thầu phát triển sân bay Momote trên đảo Manus nhưng cả chính quyền Bắc Kinh và Papua New Guinea đều không lên tiếng xác nhận về việc Trung Quốc muốn xây thêm một cảng biển ngay trên hòn đảo này.
Còn theo giới chuyên gia, việc tái lập căn cứ hải quân trên đảo Manus là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của Australia trước Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.
Nói cách khác, quyết định nâng cấp căn cứ Lombrum được xem là câu trả lời trực tiếp mà Australia muốn nhắn nhủ tới Trung Quốc, quốc gia đang đẩy mạnh quân sự hóa trái phép ở Biển Đông.
Theo ông Peter Jennings tại Viện Chính sách chiến lược Australia để đối phó với “chiến lược ở Biển Đông” mà Trung Quốc đang thi hành, căn cứ Lombrum cần sự bảo vệ của lực lượng không quân cũng như biến sân bay Momote trở thành khu vực phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.
“Một khi biến sân bay Momote làm nơi phục vụ hoạt động quân sự và dân sự, đảo Manus sẽ nắm thế xoay chuyển chiến lược từ phía bắc cho tới phía tây Thái Bình Dương và cả trên Biển Đông”, ông Jennings nhận định.
Song theo giới phân tích, điều quan trọng nhất mà Mỹ và Australia cần làm bây giờ là trấn an dư luận ở Papua New Guinea và Indonesia về căn cứ hải quân Lombrum. Bởi ngay cả thị trưởng đảo Manus là ông Charlie Benjamin cũng cho rằng, việc nâng cấp căn cứ Lombrum là không cần thiết.
“Nói thật, Papua New Guinea không phải đang trong tình trạng chiến tranh nên chúng tôi không cần sự hỗ trợ vào thời điểm hiện tại. Sự xuất hiện của quân đội Mỹ và Australia ở căn cứ Lombrum chỉ phục vụ lợi ích riêng của hai quốc gia này”, ông Benjamin chia sẻ sau tuyên bố của Phó Tổng thống Pence về việc Mỹ sẽ tham gia nâng cấp căn cứ quân sự ở đảo Manus cùng với Australia.
Còn theo ông Laksmana, các nước trong khu vực kể cả Indonesia không cần phải quá lo lắng về tuyên bố Mỹ - Australia cùng nâng cấp căn cứ Lombrum. Bởi hai quốc gia này sẽ còn rất nhiều việc phải làm mới cho thể biến Lombrum trở thành nơi neo đậu cho các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay.
“Căn cứ hải quân Lombrum chỉ là một trong những lựa chọn mà Mỹ đang tính sử dụng để đối phó với Trung Quốc”, ông Laksmana kết luận.