“Miếu thờ” và chuyện đánh chìm chiến hạm Mỹ của biệt động Ba Náo

Vũ Thanh Huyền - Bảo tàng Đặc công |

Ngày 2/5/1964, lực lượng đặc công biệt động bằng sự mưu trí và dũng cảm đã lập chiến công vang dội khi đánh chìm chiến hạm USNS Card của Mỹ ngay tại cảng Sài Gòn.

Ít ai biết rằng, những tài liệu và vũ khí phục vụ trong trận đánh ấy từng được cất giấu trong một hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Đặc công, đó là “miếu thờ” (số đăng ký 29-Đ-1) của chiến sĩ biệt động Lâm Sơn Náo (Ba Náo).

Đồng chí Lâm sơn Náo sinh năm 1936, quê ở huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh), là người con thứ 3 trong gia đình có 8 anh chị em nên thường được gọi là Ba Náo.

Năm 17 tuổi, Ba Náo theo cha vào làm công nhân tại cảng Sài Gòn, cửa ngõ giao thương đường biển tấp nập nhưng cũng là nơi có nhiều người lao động bị áp bức, bóc lột. “Có áp bức ắt có đấu tranh”, mơ ước được hoạt động trong tổ chức cách mạng của ông lớn dần theo năm tháng.

Ba Náo được cô ruột dẫn ra căn cứ gặp đồng chí Phạm Văn Hai, Đội trưởng Đội 65 Biệt động Sài Gòn. Sau khi được học tập, huấn luyện ở trong căn cứ, Ba Náo tiếp tục quay về làm việc trong cảng Sài Gòn.

Nhiệm vụ lúc bấy giờ là xây dựng cơ sở quần chúng có cảm tình với cách mạng, có thể che giấu vũ khí và chiến sĩ của ta. Đầu năm 1964, Ba Náo bắt đầu nghiên cứu cách đặt bom để đánh chìm các tàu chiến Mỹ.

“Miếu thờ” và chuyện đánh chìm chiến hạm Mỹ của biệt động Ba Náo - Ảnh 1.

Đặc công biệt động Lâm Sơn Náo (Ba Náo). Ảnh BTĐC.

Tàu chiến USNS Card (còn gọi là tàu Ca-đơ) là loại tàu sân bay hộ tống của hải quân Hoa Kỳ được đưa vào tham chiến năm 1942. Con tàu này được ca ngợi là ca ngợi đây là “Thiết giáp hạm”, đã liên tục lập nhiều chiến công, nhất là trong việc chống tàu ngầm Đức Quốc Xã trong Chiến tranh Thế giới 2 và như “Đơn vị tuyên dương Tổng thống”, “Ngôi sao chiến đấu”.

Năm 1959, USNS Card được hoán cải thành loại tàu chuyên chở máy bay chuyên dụng của hải quân Hoa Kỳ, vận tải hàng loạt phương tiện chiến tranh đến miền Nam Việt Nam phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược.

Tham gia làm công nhân từ sớm nên Ba Náo tìm cách tiếp cận cầu cảng và nhiều lần luyện tập việc di chuyển trong đường cống ngầm dưới sân cảng.

Rút kinh nghiệm từ lần đánh hụt tàu US Core hồi tháng 12 năm 1963, Ba Náo đã cải tạo 4 khối thuốc nổ thành 2 khối và yêu cầu chi viện thêm 4kg thuốc nổ C4, tăng cường thêm 10 cục pin dẹt (loại 4.5V/cục) hai chiếc đồng hồ tốt nhất và 2 nụ xòe (loại nụ khi giật là nổ ngay) nhằm đề phòng trục trặc.

Đây là quyết định táo bạo bởi trong lúc làm nhiệm vụ người thực hiện nhiệm vụ có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Để ngụy trang che mắt địch, các tài liệu chế tạo và vũ khí được Ba Náo cất giấu trong miếu thờ đặt tại nhà, ngay cả người thân cũng không biết.

Tàu USNS Card trước khi bị đánh chìm. Ảnh Tư liệu.
“Miếu thờ” và chuyện đánh chìm chiến hạm Mỹ của biệt động Ba Náo - Ảnh 2.

Tàu USNS Card trước khi bị đánh chìm. Ảnh Tư liệu.

Tối ngày 1/5/1964 được tin tàu Ca-đơ cập cảng Sài Gòn, Ba Náo cùng đồng đội là Nguyễn Phú Hùng (Hai Hùng) bàn kế hoạch đánh tàu. Khi chiếc tàu to lớn từ từ tiến vào cảng, lúc ấy nhiều binh lính Mỹ đi kiểm tra quanh sàn tàu, thỉnh thoảng chúng lại ném những quả lựu đạn ra xung quanh đề phòng người nhái xâm nhập.

Trên bờ, đoạn dẫn ra cầu cảng cách chiến hạm 200m được bao quanh bởi hàng rào kẽm gai, ở đó có 1 trung đội quân cảnh Mỹ canh gác cẩn trọng.

Ba Náo cùng Hai Hùng dùng xuồng câu cá chở thuốc nổ, trang bị mang theo gồm một súng ngắn, hai trái lựu đạn (vũ khí lấy từ thời đảo chính Diệm được giấu trong miếu thờ) và hai trái thuốc nổ đánh tàu tiến về phía cảng Sài Gòn thì bị binh lính địch phát hiện, hai đồng chí liền nói rằng mình là thương lái đang đi “ăn hàng” và hứa khi quay trở lại sẽ chia phần cho chúng, lúc đó địch mới cho qua.

Khi xuồng len vào gầm cảng một cách dễ dàng, Ba Náo và Hai Hùng liền cởi hết quần áo ngoài (để lúc quay về quần áo nguyên vẹn không bị ướt khiến địch nghi ngờ) rồi tiến hành đặt thuốc nổ, do nước cạn, nhiều sình lầy nên cả hai phải vác thuốc nổ ra thân tàu để cài.

Hai đồng chí lặn ngụp dưới bùn vừa quan sát vừa tiến đến thân tàu rồi đặt một trái thuốc nổ ngay đầu máy, trái còn lại đặt ở khu chứa máy bay, vũ khí cách đó 10m. Đặt xong, hai người quay trở về.

Vợ đồng chí Ba Náo thờ cúng miếu nhưng không biết tài liệu và vũ khí bên trong. Ảnh Tư liệu.
“Miếu thờ” và chuyện đánh chìm chiến hạm Mỹ của biệt động Ba Náo - Ảnh 3.

Vợ đồng chí Ba Náo thờ cúng miếu nhưng không biết tài liệu và vũ khí bên trong. Ảnh Tư liệu.

Đúng 3 giờ sáng ngày 2/5/1964, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng cả Ba Náo và Hai Hùng đều giật mình khi nghe tiếng nổ lớn, chiếc tàu chiến dài hơn 150m, nặng, trên 16.000 tấn chở 39 phi cơ và vũ khí các loại đã bị đánh chìm ở độ sâu 6m, thành tàu bị phá bề ngang 2m, chiều dài 8m, nước tràn nhanh làm 2/3 thân tàu bị chìm hẳn dưới đáy, 5 tên địch trên tàu thiệt mạng và 55 tên khác bị thương, toàn bộ số máy bay, vũ khí trên tàu đều bị phá huỷ.

Trận đánh tàu Ca-đơ tại bến cảng Sài Gòn làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Trận đánh được chuẩn bị chu đáo, chỉ với hai chiến sĩ biệt động đã thắng lợi giòn giã mở ra kinh nghiệm đánh tàu ở bến cảng cho Đặc công và lực lượng vũ trang ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Miền đã gửi điện biểu dương các chiến sỹ khu Sài Gòn - Gia Định.

Đội Biệt động được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì, đồng chí Ba Náo được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba, đồng chí Nguyễn Phú Hùng và Sáu Cương, người vận chuyển thuốc nổ vào thành phố được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

“Miếu thờ” và chuyện đánh chìm chiến hạm Mỹ của biệt động Ba Náo - Ảnh 4.

“Miếu thờ” được trưng bày tại Bảo tàng Đặc công. Ảnh BTĐC.

Đặc biệt, biệt động Lâm Sơn Náo còn được chủ tịch Cuba Fidel Castro gửi tặng một khẩu súng hiệu Browning cho chiến công đánh tàu Mỹ. Hình ảnh tàu USS Card được in trên con tem của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với dòng chữ “Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đánh đắm bến cảng Sài Gòn”.

Như vậy, Lâm Sơn Náo là chiến sĩ Việt Nam duy nhất trên thế giới dùng vũ khí thông thường đánh chìm tàu sân bay của Mỹ.

Tháng 2/1967 do bị chỉ điểm, đồng chí Ba Náo bị địch bắt giải về Tổng Nha Cảnh sát ngụy. Địch tra tấn dã man hòng tìm ra căn cứ và mạng lưới của Biệt động Sài Gòn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, quyết không khai báo.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, Ba Náo cùng nhiều tù chính trị khác bị đưa ra Côn Đảo, giam ở khu “chuồng cọp” bị đoạ đầy cả về tinh thần lẫn thể xác. Mặc dù trải qua những năm tháng ở “địa ngục trần gian” nhưng đồng chí vẫn không từ bỏ con đường cách mạng.

“Miếu thờ” và chuyện đánh chìm chiến hạm Mỹ của biệt động Ba Náo - Ảnh 6.

Con tem có dòng chữ “Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đánh đắm bến cảng Sài Gòn”. Ảnh BTĐC.

Sau Hiệp định Pa-ri, Ba Náo cùng các tù nhân khác được trao trả. Chiếc miếu thờ cất giấu tài liệu, vũ khí cho đến lúc này cũng không bị lộ (ngay cả đến vợ con đồng chí Ba Náo đến sau này cũng không hề biết đến việc cất giấu vũ khí trong miếu thờ này) và sau khi phục hồi sức khoẻ, đồng chí lại tiếp tục hoạt động trong đơn vị Biệt động Sài Gòn với nhiệm vụ xây dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng hỗ trợ bộ đội, sẵn sàng lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng đội chiến đấu để làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Chiếc “miếu thờ” của đồng chí Lâm Sơn Náo đã góp phần làm nên chiến công đánh tàu USS Card của Mỹ.

Đến ngày 2/8/1978, đồng chí Ba Náo (công tác tại Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh) đã tặng lại cho Bảo tàng Đặc công làm hiện vật trưng bày nhằm tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại