Chính phủ Anh thông qua dự thảo Brexit, điều gì đang chờ đợi bà May?

Tuệ Minh |

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (14/11) đã giành được sự ủng hộ từ nội các của bà để thông qua thỏa thuận “chia tay” Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, bà May sẽ vẫn còn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn để đạt được sự đồng ý từ Quốc hội Anh.

Theo Reuters, trả lời các phóng viên trên phố Downing ngày 14/11, Thủ tướng Anh khẳng định đã giành được thắng lợi đầu tiên khi nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ đối với thỏa thuận Brexit. Bà May cho biết, các Bộ trưởng trong chính phủ của bà đã có một "quyết định tập thể", đồng thuận thông qua thỏa thuận Brexit sơ bộ mới đạt được ở Brussels.

Phát biểu sau 5 tiếng họp ở số 10 phố Downing, bà May cho rằng bản thảo dài 585 trang này là thỏa thuận tốt nhất để đàm phán.

“Khi công bố chi tiết chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng, thỏa thuận này sẽ đem kiểm soát được các quy định về tiền tệ, biên giới của nước Anh, chấm dứt những dòng chảy tự do, bảo vệ an ninh nghề nghiệp và liên minh của chúng ta. Hoặc là thỏa thuận này hoặc là không gì cả, hoặc là Brexit hoặc là không”, bà May nhấn mạnh.

Brexit sẽ đưa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới rơi vào con đường không rõ lối đi. Rất nhiều người lo sợ rằng Brexit sẽ chia rẽ phương Tây trong bối cảnh Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển còn Hoa Kỳ đang có những bước đi khó đoán định dưới thời ông Trump. Nhiệm vụ tiếp theo của bà là trình văn kiện này lên Quốc hội Anh phê chuẩn, trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng nhiều khả năng diễn ra vào đầu tháng tới.

Theo nhiều nhà quan sát, nhà lãnh đạo Anh chắc chắn sẽ gặp khó khăn không nhỏ tại Quốc hội, nơi mà dòng người phản đối xếp hàng dài để bác bỏ thỏa thuận, ngay cả khi họ chưa đọc nó.

Những người ủng hộ Brexit thừa nhận nền kinh tế 2,9 nghìn tỉ USD của Anh sẽ phải chịu thiệt trong ngắn hạn. Đáng chú ý, thỏa thuận này sẽ khiến các trung tâm tài chính lớn, nguồn hàng xuất khẩu và doanh thu thuế của Anh chỉ được tiếp cận EU ở mức cơ bản sau Brexit. Có nghĩa là, các công ty Anh sẽ tiếp cận với thị trường EU không khác gì các công ty của Mỹ hay Nhật Bản, sau một thời gian dài hoạt động theo các quy tắc tài chính của Liên minh.

Tuy nhiên, cũng có những người lập luận rằng, về lâu dài, Vương quốc Anh sẽ thịnh vượng hơn khi thoát ly khỏi EU, vốn đang tụt dốc do sự thống trị của Đức.

Thủ tướng Anh chưa đưa ra ngày bỏ phiếu cụ thể song bà sẽ cần phải nhận được 320/ 650 số phiếu của các nghị sĩ. Hiện vẫn chưa rõ bà May có thể vượt qua thử thách này hay không.

Một nhà lập pháp kỳ cựu của EU thì cho rằng quyết định của nội các Anh chỉ là một quyết định đa số, chứ không phải đồng nhất bởi ngay trong nội các của bà May đã có rất nhiều tiếng nói phản đối dự thảo thỏa thuận và đây là lí do khiến cuộc họp khẩn kéo dài thêm hơn 2 tiếng so với dự kiến ban đầu.

Theo giới phân tích, bà Theresa May sẽ phải rất vất vả để bản dự thảo này được thông qua tại Quốc hội Anh vốn đang bị chia rẽ sâu sắc. Bằng chứng là ngay trước thềm phiên họp, đã có không ít phản đối gay gắt bản dự thảo này và rất nhiều chính trị gia trong Hạ viện Anh cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ dự thảo.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người ủng hộ Brexit và đã rời khỏi Chính phủ của bà May hồi tháng 7 vừa qua do bất đồng quan điểm, cho biết ông sẽ chống lại dự thảo thỏa thuận mới. Cùng lúc, đảng Liên minh Dân chủ Ireland (DUP), bên giúp Thủ tướng May giành đa số ghế trong Quốc hội, cũng đe dọa sẽ bác bỏ một thỏa thuận khiến cho Anh gắn quá chặt với EU hậu Brexit.

Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn cũng ám chỉ rằng đảng của ông sẽ bác bỏ dự thảo thỏa thuận trên, và khẳng định “Đây có vẻ như không phải một thỏa thuận tốt cho đất nước”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại