Đưa S-300 cho Syria: Bước đi nguy hiểm, máy bay Nga vẫn có thể bị "ăn đạn nhầm" như IL-20

QS |

Theo chuyên gia Stephen Bryen, tổ hợp S-300 tại Syria sẽ không có hệ thống nhận diện địch-ta, điều đó có thể dẫn tới những sai sót nghiêm trọng của kíp vận hành thiếu kinh nghiệm.

Trong đoạn video do quân đội Nga công bố, khi cánh cửa phía sau đuôi của chiếc máy bay khổng lồ gần 200 tấn An-124 được hạ xuống mặt đất, 2 chiếc xe mang phóng tự hành -TEL (mỗi xe nặng 10 tấn) từ bên trong khoang lùi qua đoạn dốc rồi chính thức lăn bánh trên lãnh thổ Syria.

Đoạn video cho thấy chiếc xe TEL cùng với các ống phóng tên lửa, nhưng không thấy hệ thống radar và xe chỉ huy-kiểm soát - các thành phần khác của hệ thống S-300 ở đâu.

An-124 Ruslan vận chuyển S-300 tới Syria. Nguồn: Bộ QP Nga

Trong bài viết trên tờ Atimes, nhà phân tích Stephen Bryen cho rằng, việc S-300 được chuyển giao cho Syria là một bước tăng cường lớn, nhưng cũng đồng thời là một động thái gây leo thang của quân đội Nga nhằm trả đũa Israel.

S-300 là hệ thống phòng không tầm xa được thiết kế để triển khai tại chiến trường châu Âu và không thực sự phù hợp với không phận Syria, nơi tiếp giáp Iraq, Jordan và cả Israel.

Theo ông Bryen, chúng ta không biết liệu S-300 được chuyển giao cho Syria có phải là hệ thống mới hay không, rất có thể đó là một tổ hợp cũ được sơn mới.

Nga quyết định chuyển giao S-300 cho Syria là để đáp trả Israel sau khi tuyên bố rằng Tel Aviv phải chịu trách nhiệm cho vụ máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị phòng không Syria bắn nhầm hôm 17/9.

Tuy nhiên, ông Bryen nhận định, quyết định này có thể gây ra cho Nga nhiều vấn đề hơn họ muốn, trong đó có khả năng mất thêm nhiều máy bay nữa vì hỏa lực của đồng minh.

Được biết, Nga sẽ hướng dẫn quân đội Syria cách thức vận hành S-300 nhưng điều đó sẽ tốn thời gian. Hơn nữa, quá trình huấn luyện được Nga dẫn dắt trong năm 2007 dành cho Syria với các hệ thống phòng không hiện thời của họ đã cho thấy nó “chưa thấm vào đâu cả”.

Với mức độ tiêu hao sinh lực cao như của quân đội Syria thì khó có thể tin rằng có thành viên nào đó trong kíp vận hành được đào tạo ở trên vẫn còn tiếp tục phục vụ. Nếu có đi chăng nữa thì họ vẫn cần được đào tạo lại bởi những hướng dẫn mà họ tiếp nhận đã có từ 11 năm về trước.

Quân đội được đào tạo kém

Theo ông Bryen, quân đội Syria có vẻ kém tổ chức và quản lý. Bên cạnh đó, do tiêu hao sinh lực khổng lồ trong cuộc nội chiến ở Syria nên chất lượng tuyển quân của họ thậm chí còn sụt giảm hơn so với trước đây.

Quân đội và cảnh sát Syria đã thiệt hại ít nhất 99.868 binh sĩ, cùng với 64.041 chiến binh dân quân ủng hộ chính phủ.

Để dễ mường tượng quy mô thiệt hại của chính phủ Syria thì cần biết rằng, trong quá khứ Syria đã triển khai một đội quân gồm 304.000 binh sĩ, trong đó một nửa là quân dự bị. Các thống kê thiệt hại trong chiến đấu là kết quả tổng thể, nhưng không bao gồm các trường hợp tử vong không do chiến đấu và các trường hợp đào ngũ.

Đưa S-300 cho Syria: Bước đi nguy hiểm, máy bay Nga vẫn có thể bị ăn đạn nhầm như IL-20 - Ảnh 2.

Theo ông Bryen, quân đội Syria được đào tạo kém.

Theo nghiên cứu gần đây, “ước tính khoảng 100.000 binh lính và sĩ quan Syria đã rời bỏ vị trí của mình kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011. Trong khi phần đông đã đào ngũ để trốn chạy khỏi cuộc xung đột và tị nạn ở nước ngoài thì có một số ít binh lính đã đào ngũ sang phe đối lập.

Theo ông Bryen, tất cả những điều trên cho thấy việc tuyển quân và duy trì nhân tài trong quân đội Syria là một thách thức lớn. Đó là chưa kể nhiều tân binh vẫn còn non nớt, chưa có kinh nghiệm, và không có học thức đầy đủ.

Quy mô của quân đội Syria hậu 2015 không lớn hơn 100.000 người.

Nhà bình luận Mihail Khodarenok đã dịch và viết ra từ tiếng Nga như sau: “Trong khi dân quân, lính tình nguyện Iran, Hezbollah và PMC đang chiến đấu thay cho quân đội Syria, thì binh sĩ của ông Assad lại bận bịu với việc nhận hối lộ ở các trạm kiểm soát".

Vận hành hệ thống phòng không hiện đại là một thách thức. Cho tới nay, cách thức mà quân đội Syria vận hành các hệ thống phòng không đã cho thấy họ không hẳn biết mình đang làm gì và thường khai hỏa các hệ thống phòng không để tránh bị cấp trên chỉ trích, đó là lý do tại sao quân đội Syria vẫn “miệt mài” bắn phá mục tiêu, mặc dù mối đe dọa thì đã rời đi.

Giờ đây, ông Bryen nhận định, Nga có lẽ đã khiến mọi chuyện tệ hơn, bởi tầm bắn của S-300 xa hơn so với các hệ thống cũ mà Syria sử dụng. Theo thông tin được công khai, radar của S-300 có thể bao phủ cả không phận phía bắc Israel.

Liệu Syria có bắn tên lửa vào Israel hay không? Nếu có thì điều đó nhiều khả năng sẽ khai mào một cuộc chiến tổng lực.

Mục tiêu “thân thiện” và “không thân thiện”

Theo ông Bryen, các loại radar được cung cấp cùng với S-300 bao gồm “Tin Shield” ST-68U với tầm hoạt động 150km và 96L6 Cheesboard 3D radar (300km).

Phiên bản S-300 xuất khẩu sang Syria có lẽ là S-300PMU hoặc một phiên bản cũ của S-300 trong kho vũ khí Nga. Nó được trang bị các tên lửa đánh chặn 5V554 với tầm bắn 150km. Bên cạnh đó, nó cũng có thể mang được một số loại tên lửa đánh chặn khác.

Đưa S-300 cho Syria: Bước đi nguy hiểm, máy bay Nga vẫn có thể bị ăn đạn nhầm như IL-20 - Ảnh 3.

Nga sẽ hối hận vì đã chuyển giao S-300 cho Syria?

Vấn đề lớn nhất với Nga hiện nay mà S-300 không giải quyết được đó là sự vắng mặt của các hệ thống giúp phân biệt mục tiêu thân thiện và không thân thiện. Ngày nay, nó được gọi là IFF - hệ thống nhận diện địch-ta.

Ông Bryen cho biết, Nga từng gặp rắc rối với hệ thống IFF. Năm 2008, chính Nga đã bắn hạ 4/6 máy bay mà họ thiệt hại trong chiến tranh Gruzia.

Tướng Vladimir Shamanov từng nói: “Tại Nam Ossetia, hệ thống IFF đã không hoạt động, rất khó để các đơn vị của chúng ta nhận ra xem họ đang nhìn thấy máy bay của ai - của chúng ta hay Gruzia”?

Tương tự, theo ông Bryen, khi hệ thống tên lửa Buk (được cáo buộc là của Nga) bắn rơi máy bay MH17 ở đông Ukraine tháng 7/2014 thì có khả năng là do tên lửa Buk không có hệ thống IFF, hoặc do kíp vận hành không chú ý.

Hiện Syria có 8 tổ hợp BUK, phiên bản BUK-M2E, được chuyển giao năm 2011.

Nga có thể sẽ hối hận

Nga không cung cấp IFF cho phòng không hay máy bay Syria, điều đó có nghĩa Syria chỉ có thể đoán họ bắn đúng vào đâu trong trường hợp thuận lợi nhất.

Thiếu tướng Igor Konashenkov của Nga cho biết “Moscow chưa từng có tiền lệ chuyển giao hệ thống IFF cho quốc gia khác, bao gồm cả Syria”.

Do đó, theo ông Bryen, việc Nga cung cấp S-300 cho Syria là một quyết định nguy hiểm vì 3 lý do:

Thứ nhất, tầm bắn của nó có thể dẫn tới chiến tranh với Israel nếu tên lửa bay qua biên giới.

Thứ hai, do thiếu IFF, S-300 không thể phân biệt được lực lượng địch-ta. Điều đó có nghĩa luôn có mối đe dọa thường trực đối với các hoạt động của Nga tại Syria.

Thứ ba, nó còn có thể đe dọa giao thông dân sự quanh sân bay Damascus. Nếu nằm trong tay kíp vận hành thiếu kinh nghiệm thì theo ông Bryen, quyết định bán S-300 cho Syria là một quyết định khinh suất của quân đội Nga, họ có thể sẽ hối tiếc về cái ngày họ quyết định giao S-300 cho Syria.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Stephen Bryen

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại