Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ

Thi Anh |

Quan điểm về thế giới và lập trường của nước Mỹ đã được Tổng thống Trump thể hiện rõ nét trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 25/9.

Thưa bà Chủ tịch, ngài Tổng thư ký, các nhà lãnh đạo thế giới, các đại sứ và các đại biểu:

Cách đây 1 năm, tôi đã lần đầu tiên đứng trước mặt các vị trong hội trường này. Tôi đã đề cập tới những mối đe dọa đối với thế giới của chúng ta và tôi đã trình bày tầm nhìn để vươn tới một tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại.

Ngày hôm nay, tôi đứng trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc để chia sẽ tiến triển phi thường mà chúng tôi đã đạt được.

Chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã gặt hái được nhiều hơn gần như bất cứ chính quyền nào trong lịch sử đất nước.

Nước Mỹ - Đúng như vậy. (Có tiếng cười dưới cử tọa)

Tôi không nghĩ là phản ứng sẽ như vậy nhưng không sao cả. (Có tiếng cười và tiếng vỗ tay)

Nền kinh tế Mỹ đang nở rộ hơn bao giờ hết. Kể từ khi tôi đắc cử, chúng tôi đã thu về thêm 10 nghìn tỉ USD.

Thị trường chứng khoán đang ở mức cao trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. Tỉ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Tây Ban Nha xuống tới mức thấp nhất từng ghi nhận. Chúng tôi đã tạo ra thêm hơn 4 triệu việc làm mới, trong đó nửa triệu việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất.

Chúng tôi đã thông qua các quyết định cải cách và cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng một bức tường biên giới lớn và chúng tôi đã củng cố an ninh biên giới một cách đáng kể.

Chúng tôi đã đảm bảo được ngân sách cho quân đội của mình - 700 tỉ USD cho năm nay và 716 tỉ USD cho năm tới. Quân đội của chúng tôi sẽ sớm trở nên uy lực hơn bao giờ hết.

Nói một cách khác, nước Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và giàu có hơn so với thời điểm tôi nhậm chức cách đây gần 2 năm.

Chúng tôi đang bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ. Và chúng tôi cũng đang bảo vệ thế giới.

Đây là một tin đáng mừng cho công dân của chúng tôi và cho những người yêu chuộng hòa bình khắp mọi nơi. Chúng tôi tin rằng khi các quốc gia tôn trọng quyền lợi của các nước láng giềng và bảo vệ lợi ích cho nhân dân của mình, thì họ có thể cùng nhau nỗ lực để đảm bảo sự an toàn, thịnh vượng và hòa bình.

Mỗi chúng ta ở đây ngày hôm nay đều là đặc phái viên của một nền văn hóa riêng biệt, một lịch sử phong phú và một dân tộc được gắn kết bằng ký ức, truyền thống, những giá trị - những điều khiến quê hương chúng ta không giống với bất cứ nơi nào khác trên Trái đất.

Đó là lý do vì sao nước Mỹ luôn chọn sự độc lập và hợp tác, hơn là sự thống trị, kiểm soát và dẫn dắt toàn cầu.

Tôi trân trọng quyền theo đuổi những tập quán, niềm tin, truyền thống riêng của tất cả mọi quốc gia trong căn phòng này. Nước Mỹ sẽ không yêu cầu các bạn phải sống, làm việc hay tôn thờ như thế nào.

Chúng tôi chỉ đề nghị các bạn tôn trọng chủ quyền của chúng tôi.

Tiến triển với Triều Tiên

Từ Warsaw cho tới Brussels, Tokyo, Singapore, việc đại diện cho nước Mỹ ở nước ngoài là vinh dự lớn lao nhất của tôi. Tôi đã vun đắp cho những mối quan hệ thân thiết, tình bằng hữu và quan hệ đối tác chặt chẽ với lãnh đạo của nhiều nước trong căn phòng này, và đường lối của chúng tôi đã mang lại sự thay đổi kỳ diệu.

Với sự ủng hộ từ nhiều quốc gia tại đây ngày hôm nay, chúng tôi đã tiếp xúc với Triều Tiên để xua đi bóng ma xung đột và thế chỗ bằng một lực đẩy mới, mạnh mẽ tiến tới hòa bình.

Hồi tháng 6, tôi đã tới Singapore để gặp lãnh đạo Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 1.

Lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau tại Singapore. Ảnh: Reuters

Chúng tôi đã có những cuộc gặp, những cuộc trao đổi hiệu quả, và chúng tôi nhất trí rằng: Theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm của cả hai đất nước. Kể từ cuộc gặp ấy, chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt phương sách đáng khích lệ mà ít ai có thể tưởng tượng nổi.

Tên lửa và rocket không còn được phóng nữa. Thử nghiệm hạt nhân cũng chấm dứt. Một số cơ sở quân sự còn đang được tháo dỡ. Con tin của chúng tôi đã được thả. Và như đã hứa, hài cốt binh lính của chúng tôi cũng đang được trao trả để đưa về an nghỉ trên đất Mỹ.

Tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Kim vì sự can đảm của ông ấy và những bước tiến mà ông ấy đã thực hiện, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm. Cấm vận sẽ vẫn được duy trì cho tới khi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra.

Nỗ lực ở điểm nóng Trung Đông

Tôi cũng muốn dành lời cảm ơn tới nhiều quốc gia thành viên, những nước đã giúp chúng tôi đi được tới thời điểm này - một thời điểm mà kỳ thực còn tuyệt vời hơn những gì người ta có thể hiểu được.

Tôi xin được gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Tổng thống Moon của Hàn Quốc, Thủ tướng Abe của Nhật Bản và Chủ tịch Tập của Trung Quốc.

Tại Trung Đông, hướng đi mới của chúng tôi đã đem lại nhiều bước tiến vĩ đại và khiến lịch sử đổi thay.

Sau chuyến công du tới Ả Rập Saudi của tôi hồi năm ngoái, các nước vùng Vịnh đã mở một trung tâm mới để xử lý tình trạng bảo trợ khủng bố.

Họ đang đưa ra các mức cấm vận mới, hợp tác cùng chúng tôi để xác định và theo dõi các mạng lưới khủng bố, đồng thời nhận nhiều trách nhiệm hơn trong nỗ lực chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trong khu vực của mình.

UAE, Ả Rập Saudi và Qatar đã cam kết chi hàng tỉ USD để hỗ trợ người dân Syria và Yemen. Họ cũng đang theo đuổi nhiều con đường để chấm dứt cuộc nội chiến kinh hoàng của Yemen.

Sau cùng thì chính các nước trong khu vực sẽ quyết định tương lai nào họ mong muốn cho bản thân mình và con cái mình.

Vì lý do đó, nước Mỹ đang hợp tác với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, Jordan và Ai Cập để thiết lập một quan hệ đồng minh chiến lược trong khu vực, để các nước Trung Đông có thể thúc đẩy sự thịnh vượng, ổn định và an ninh trên khắp khu vực của mình.

Tôi hài lòng khi tuyên bố rằng: Nhờ có quân đội Mỹ và quan hệ đối tác của chúng tôi với rất nhiều trong số các bạn, những tên sát nhân khát máu ISIS đã bị đẩy lùi khỏi vùng lãnh thổ mà chúng từng chiếm giữ ở Iraq và Syria.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng các bạn bè và đồng minh để những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan không thể nhận được nguồn tài trợ, hỗ trợ hoặc bất cứ phương tiện nào nhằm xâm nhập vào biên giới của chúng ta.

Thảm kịch đang diễn ra ở Syria thực sự đau lòng. Mục tiêu chung của chúng ta là tiết chế xung đột quân sự và tìm ra một giải pháp chính trị tôn trọng nguyện vọng của người dân Syria. Chúng tôi hối thúc thúc đẩy tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Dù vậy, chắc chắn Mỹ sẽ đáp trả nếu chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Tôi xin được khen ngợi người dân Jordan và các nước láng giềng khác vì đón nhận người tị nạn từ cuộc nội chiến khốc liệt này.

Như ta thấy ở Jordan, chính sách cảm động nhất là tạo điều kiện cho người tị nạn sống gần nhà mình nhất có thể để khiến đường về của họ, một phần trong tiến trình tái thiết, bớt gian lao. Chính sách này cũng giúp co kéo nguồn tài nguyên có hạn để giúp đỡ được nhiều người hơn, gia tăng sức ảnh hưởng của từng đồng tiền được chi ra.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 2.

Trại tị nạn cho người Syria ở Jordan. Ảnh: Reuters

Công kích Iran

Mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria đều bao gồm một chiến lược nhằm vào chế độ đã bảo trợ cho nó: Chính quyền mục nát ở Iran.

Các nhà lãnh đạo Iran đã gieo rắc sự hỗn loạn, chết chóc và phá hoại. Họ không tôn trọng láng giềng của mình, cũng như biên giới và quyền chủ quyền của các quốc gia. Thay vào đó, lãnh đạo Iran tham ô nguồn tài nguyên của đất nước để làm giàu cho chính mình, đồng thời khiến tình trạng lộn xộn lan rộng khắp Trung Đông và xa hơn nữa.

Nhân dân Iran rất bức xúc bởi lãnh đạo mình biển thủ hàng tỉ USD từ ngân khố, chiếm giữ những phần có giá trị của nền kinh tế và cướp bóc đồ thờ cúng tôn giáo, tất cả nhằm đút túi riêng và phát động chiến tranh. Không hề tốt!

Các nước láng giềng của Iran đã phải trả một cái giá đắt cho lập trường gây hấn và bành trướng của nước này trong khu vực. Đó là lý do vì sao rất nhiều quốc gia ở Trung Đông ủng hộ mạnh mẽ quyết định rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt cấm vận của Mỹ.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 3.

Lãnh đạo Iran và các nước thuộc nhóm P5+1 tuyên bố đạt được thỏa thuận hồi năm 2015. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận Iran là một may mắn ông trời ban phát cho lãnh đạo Iran. Trong những năm sau khi thỏa thuận đạt được, ngân sách quốc phòng của Iran tăng gần 40%. Chính quyền nước này đã sử dụng số tiền ấy để chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tăng cường đàn áp nội bộ, bảo trợ khủng bố và rót tiền cho cuộc tàn sát ở Syria, Yemen.

Mỹ đã khởi động chiến dịch gây sức ép kinh tế nhằm ngăn chính quyền Iran có được nguồn quỹ mà họ cần để thúc đẩy lập trường đẫm máu của mình.

Hồi tháng trước, chúng tôi đã bắt đầu tái áp đặt cấm vận hạt nhân, vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân. Các mức cấm vận bổ sung sẽ được áp đặt vào ngày 5/11 và sẽ còn tiếp. Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia nhập khẩu dầu thô của Iran để cắt đứt thỏa thuận mua bán giữa họ.

Chúng tôi không thể cho phép phe bảo trợ khủng bố hàng đầu thế giới có được thứ vũ khí nguy hiểm nhất hành tinh. Chúng tôi không thể cho phép một chế độ luôn hô vang "Chết chóc dành cho nước Mỹ" và đe dọa hủy diệt Israel sở hữu những phương tiện để đưa đầu đạn hạt nhân tới bất cứ thành phố nào trên Trái đất. Không thể làm như vậy.

Chúng tôi đề nghị tất cả các nước cô lập chính quyền Iran chừng nào họ còn tiếp tục gây hấn. Và chúng tôi đề nghị tất cả các nước ủng hộ nhân dân Iran khi họ nỗ lực giành lại số phận chính đáng của mình.

Năm nay, chúng tôi cũng tiến một bước rõ rệt ở Trung Đông. Để công nhận việc mọi quốc gia có chủ quyền đều được quyết định thủ đô của mình, tôi đã chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về Jerusalem.

Mỹ cam kết vào một tương lai hòa bình và ổn định trong khu vực, gồm cả hòa bình giữa người Israel và người Palestine. Bằng cách công nhận những thực tế hiển nhiên, mục đích đó được thúc đẩy, chứ không bị tổn hại.

Chính sách "thực tế có nguyên tắc" của nước Mỹ có nghĩa là chúng ta sẽ không còn là con tin của những giáo điều cũ kỹ, những tư tưởng không đáng tin cậy và những chuyên gia mà quan điểm của họ đã được chứng minh là sai suốt nhiều năm, hết lần này tới lần khác. Điều này là đúng, không chỉ với vấn đề hòa bình mà còn với sự thịnh vượng.

Chỉ trích Trung Quốc

Chúng tôi tin rằng thương mại phải công bằng và có lợi cho đôi bên. Mỹ sẽ không để bị lợi dụng thêm nữa.

Suốt nhiều thập kỷ, nước Mỹ đã mở cửa nền kinh tế của mình - tính tới giờ là lớn nhất trên Trái đất - với rất ít điều kiện. Chúng tôi cho phép hàng hóa nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đổ vào tự do qua biên giới.

Tuy nhiên, những quốc gia khác lại không cho chúng tôi được tiếp cận thị trường của họ một cách công bằng và có lợi cho đôi bên.

Thậm chí còn tệ hơn, một số nước còn lạm dụng sự cởi mở của chúng tôi để xả hàng giá rẻ, trợ giá sản phẩm của mình, tấn công ngành công nghiệp của chúng tôi và thao túng đồng tiền của mình để có lợi thế không tương xứng so với đất nước chúng tôi. Kết quả là thâm hụt thương mại của chúng tôi đã phình lên tới gần 800 tỉ USD/năm.

Vì lý do này, chúng tôi đang tái đàm phán những thỏa thuận thương mại tồi tệ một cách có hệ thống.

Tháng trước, chúng tôi đã công bố thỏa thuận thương mại đổi mới Mỹ - Mexico. Vừa mới hôm qua đây thôi, tôi còn đứng với Tổng thống Moon để tuyên bố hoàn thiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Hàn mới. Và đó chỉ mới là khởi đầu.

Nhiều nước có mặt trong hội trường này sẽ đồng ý rằng hệ thống thương mại thế giới cần phải thay đổi. Ví dụ, các nước gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã vi phạm mọi nguyên tắc mà tổ chức này lấy làm cơ sở.

Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác chơi theo luật thì những nước này sử dụng các doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch công nghiệp mà chính phủ điều hành để hướng hệ thống theo hướng có lợi cho mình. Họ tham gia vào các hoạt động bán hạ giá sản phẩm, chuyển đổi công nghệ một cách ép buộc và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Mỹ đã mất đi hơn 3 triệu việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất, gần 1/4 số lượng việc làm trong ngành thép và 60.000 nhà máy sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Và thâm hụt thương mại của chúng tôi đã lên tới 13 nghìn tỉ USD trong vòng hơn 2 thập kỷ qua.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 4.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng sự ngược đãi ấy nữa. Chúng tôi sẽ không để những công nhân của mình trở thành nạn nhân, những công ty của mình bị lừa gạt và của cải của mình bị tước đoạt. Nước Mỹ sẽ không bao giờ hối tiếc vì bảo vệ công dân của mình.

Mỹ vừa tuyên bố áp thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Tôi tôn trọng và quý mến người bạn của tôi, Chủ tịch Tập, nhưng tôi đã nói rõ rồi, sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Hành động bóp méo thị trường của Trung Quốc và cách họ xử lý không thể chấp nhận được.

Như chính quyền của tôi đã thể hiện, nước Mỹ sẽ luôn hành động dựa trên lợi ích quốc gia.

Mỹ từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu

Tôi đã phát biểu trước hội đồng vào năm ngoái và cảnh báo rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã trở thành một nỗi xấu hổ cho cơ quan này, che chắn cho những kẻ lạm dụng nhân quyền trong khi công kích Mỹ và nhiều bạn bè của Mỹ.

Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của chúng tôi, Nikki Haley, đã trình bày một lập trường rõ ràng hướng tới cải cách nhưng mặc dù đã cảnh báo nhiều lần vẫn không có hành động nào được thực hiện.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 5.

Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của Mỹ Nikki Haley. Ảnh: Reuters

Vì vậy, Mỹ chọn con đường hợp lý duy nhất: Chúng tôi rút khỏi Hội đồng Nhân quyền và chúng tôi sẽ không quay trở lại cho tới khi những cải cách thực sự được ban hành.

Vì những lý do tương tự, Mỹ sẽ không ủng hộ việc công nhận Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Theo như Mỹ được biết, ICC không có quyền tài phán, không hợp pháp và không có thẩm quyền. ICC ra phán quyết đối với công dân của mọi quốc gia, vi phạm tất cả những nguyên tắc về pháp lý, sự công bằng và thủ tục tố tụng. Chúng tôi sẽ không bao giờ trao chủ quyền của Mỹ cho một bộ máy quan liêu không có trách nhiệm pháp lý, không qua bầu cử như vậy.

Nước Mỹ do người Mỹ lãnh đạo. Chúng tôi loại bỏ tư tưởng toàn cầu hóa và theo đuổi học thuyết ái quốc.

Khắp thế giới, các quốc gia phải chống chọi với các mối đe dọa chủ quyền, không chỉ từ sự thống trị toàn cầu mà còn từ những hình thức áp bức và chi phối mới.

Câu chuyện năng lượng

Ở Mỹ, chúng tôi đặt niềm tin mạnh mẽ vào an ninh năng lượng cho chính mình và các đồng minh của mình. Chúng tôi đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất trên bề mặt Trái đất.

Mỹ sẵn sàng xuất khẩu nguồn cung dầu, than sạch và khí đốt tự nhiên phong phú với mức giá vừa phải của mình.

OPEC và các nước OPEC, như thường lệ, đang cướp đoạt đối với phần còn lại của thế giới và tôi không thích điều đó. Không ai thích cả. Chúng tôi đã bảo vệ nhiều nước trong số này mà chẳng được gì, thế rồi họ lại lợi dụng chúng tôi bằng cách đưa ra mức giá cao với chúng tôi. Không hề tốt.

Chúng tôi muốn họ ngừng tăng giá, chúng tôi muốn họ bắt đầu hạ thấp giá, và chúng tôi phải đóng góp vào bảo vệ quốc phòng từ giờ trở đi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng - mức giá kinh khủng ấy - thêm nữa.

Phụ thuộc vào nguồn cung duy nhất từ nước ngoài có thể khiến một quốc gia dễ bị công kích bởi những lời hăm dọa và sức ép.

Đó là lý do vì sao chúng tôi khen ngợi các nước châu Âu, như Ba Lan, vì dẫn đầu dự án xây dựng một đường ống dẫn khu vực Baltic, để các nước không còn phụ thuộc vào Nga hòng đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình nữa. Đức sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng Nga nếu họ không thay đổi lộ trình ngay lập tức.

Hãy làm cho đất nước của họ vĩ đại trở lại!

Tại đây, Tây Bán cầu, chúng tôi cam kết duy trì sự độc lập của mình trước sự xâm lấn của các cường quốc nước ngoài theo chủ nghĩa bành trướng.

Đây đã là chính sách của nước Mỹ từ thời Tổng thống Monroe, khi chúng tôi khước từ sự can thiệp của các quốc gia nước ngoài ở bán cầu này, và cả trong các công việc nội bộ của mình.

Nước Mỹ gần đây đã củng cố luật lệ của mình để sàng lọc một cách tốt hơn những nguồn đầu tư nước ngoài tại đất nước của chúng tôi, và chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác với các nước trong khu vực, cũng như khắp thế giới với cùng một mong muốn. Bạn cần phải làm điều đó để bảo vệ chính mình.

Mỹ cũng hợp tác với các đối tác ở châu Mỹ Latin để đương đầu với các mối đe dọa chủ quyền từ tình trạng di cư không kiểm soát. Dung thứ cho tình trạng buôn người và buôn lậu không hề nhân văn. Đó là một thứ khủng khiếp đang diễn ra, ở mức độ mà chưa ai từng thấy. Hành động này rất, rất tàn nhẫn.

Nhập cư bất hợp pháp rót tiền cho các mạng lưới tội phạm, những băng nhóm tàn bạo và lưu thông những loại thuốc chết người.

Nhập cư bất hợp pháp lợi dụng những người dân yếu đuối, làm tổn hại tới các công dân chăm chỉ và tạo ra một vòng tròn tội ác, bạo lực, nghèo đói. Chỉ có cách giữ gìn biên giới quốc gia, tiêu diệt các băng nhóm tội phạm, chúng ta mới có thể phá vỡ được vòng xoáy này và thiết lập một nền tảng thịnh vượng thực sự.

Chúng tôi công nhận quyền thiết lập một chính sách nhập cư cho riêng mình, phù hợp với lợi ích quốc gia, của mọi đất nước trong căn phòng này, cũng như chúng tôi đề nghị các nước khác tôn trọng quyền lợi tương tự của chúng tôi - những gì chúng tôi đang làm.

Đó là lý do nước Mỹ sẽ không tham gia vào Hiệp ước Toàn cầu về Di trú mới. Vấn đề di cư không thể được quản lý bằng một cơ quan quốc tế, không có trách nhiệm gì với công dân của chúng tôi.

Sau cùng, giải pháp dài hạn duy nhất cho cuộc khủng hoảng di cư là giúp người dân xây dựng một tương lai hứa hẹn hơn ở đất nước của chính họ. Hãy làm cho đất nước của họ vĩ đại trở lại.

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một thảm kịch nhân đạo ở Venezuela. Hơn 2 triệu người đã phải di tản. Cách đây không lâu, Venezuela còn là một trong những quốc gia giàu có nhất trên Trái đất. Hôm nay, chúng tôi tuyên bố cấm vận bổ sung nhằm vào chính quyền Venezuela, những nhân vật, cố vấn thân cận của ông Maduro.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 6.

Mỹ sẽ áp cấm vận nhằm vào các nhân vật thân cận với Tổng thống Maduro. Ảnh: Reuters

Mỹ cần được sẻ chia gánh nặng

Chúng tôi biết ơn tất cả những gì Liên Hợp Quốc làm trên thế giới để giúp người dân xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và gia đình họ.

Mỹ là đất nước trao đi nhiều nhất trên thế giới, tính đến thời điểm này, về viện trợ nước ngoài. Nhưng rất ít bên đáp lại.

Đó là lý do vì sao chúng tôi tiến hành xem xét kỹ lưỡng vấn đề hỗ trợ nước ngoài của Mỹ. Việc này sẽ do Ngoại trưởng Mike Pompeo đảm nhiệm. Chúng tôi sẽ kiểm tra xem cái gì hiệu quả, cái gì không và liệu những nước nhận tiền và sự bảo vệ của chúng tôi có quan tâm tới chúng tôi không.

Sau này, chúng tôi sẽ chỉ viện trợ nước ngoài cho những ai tôn trọng chúng tôi, và thành thực mà nói, là bạn bè của chúng tôi. Và chúng tôi kỳ vọng các nước khác sẽ chi trả sòng phẳng phần của mình trong chi phí quốc phòng.

Mỹ cam kết khiến Liên Hợp Quốc trở nên hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn. Tôi đã nói rất nhiều lần rằng Liên Hợp Quốc có tiềm năng vô hạn.

Như môt phần trong nỗ lực cải cách của chúng tôi, tôi đã nói với các nhà thương thuyết của mình rằng nước Mỹ sẽ không chi hơn 25% ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy các nước khác dấn thân, tham gia và chia sẻ gánh nặng lớn lao ấy.

Chỉ khi mỗi chúng ta làm phần việc của mình và đóng góp thì chúng ta mới có thể thực hiện được những khát vọng lớn lao nhất của Liên Hợp Quốc. Chúng ta phải theo đuổi hòa bình mà không sợ hãi, theo đuổi hy vọng mà không thất vọng và theo đuổi sự an toàn mà không phải biện bạch.

Bài phát biểu công kích Trung Quốc, dằn mặt Iran, Syria của TT Trump tại LHQ - Ảnh 7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Nhìn quanh hội trường này, nơi phần lớn lịch sử đã diễn ra, chúng ta nghĩ về rất nhiều người đã có mặt ở đây trước chúng ta để nói về những thách thức với đất nước của họ, thời đại của họ.

Và chúng ta cũng nghĩ về cùng một câu hỏi đã hiện diện trên tất cả các bài phát biểu của họ, qua những lời nói và những niềm hy vọng. Đó là câu hỏi: Chúng ta sẽ để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào, và con cháu mình sẽ kế thừa những đất nước như thế nào.

Những giấc mơ tràn ngập khán phòng ngày hôm nay cũng muôn hình vạn trạng như những nhân vật đứng tên bục phát biểu này và cũng đa dạng như những quốc gia có mặt tại đây. Đây thực sự là một điều gì đó. Đây thực sự là lịch sử vĩ đại.

Có Ấn Độ, một xã hội tự do với hơn 1 tỉ dân, đã đưa hàng triệu người thoát nghèo thành công và gia nhập tầng lớp trung lưu.

Có Ả Rập Saudi, nơi Quốc vương Salman và Thái tử theo đuổi những bước cải cách mới mẻ, mạnh mẽ.

Có Israel, tự hào kỷ niệm 70 năm trở thành một nền dân chủ thịnh vượng trên Vùng đất Thánh.

Ở Ba Lan, một dân tộc vĩ đại đang đứng lên vì sự độc lập, an ninh và chủ quyền của chính mình.

Nhiều quốc gia đang tìm kiếm tầm nhìn độc đáo của riêng mình, xây dựng tương lai hứa hẹn của riêng mình và theo đuổi những giấc mơ tuyệt vời của riêng mình về vận mệnh, về di sản, về một mái nhà.

Cả thế giới trở nên giàu có hơn, nhân loại trở nên tốt đẹp hơn là nhờ chòm sao đẹp đẽ gồm nhiều quốc gia, mỗi nước đều đặc biệt, đều độc đáo và đều tỏa sáng rạng rỡ ở khu vực của mình trên thế giới.

Ở mỗi nước, chúng ta thấy một triển vọng tuyệt vời khi một dân tộc sát cánh cùng nhau bởi một quá khứ chung và cùng nỗ lực tiến tới một tương lai chung.

Và với người Mỹ, chúng tôi biết tương lai mà mình muốn là như thế nào. Chúng tôi biết nước Mỹ phải là một đất nước như thế nào.

Tại Mỹ, chúng tôi tin vào sự uy nghiêm của tự do và phẩm giá của mỗi cá nhân. Chúng tôi tin vào quyền tự trị và hệ thống luật pháp. Và chúng tôi đánh giá cao nền văn hóa duy trì sự tự do của chúng tôi - một nền văn hóa được xây dựng trên nền tảng là những gia đình mạnh mẽ, lòng tin sâu sắc và sự độc lập.

Chúng tôi tán dương những anh hùng của mình, trân quý những giá trị của mình và trên hết, chúng tôi yêu mến đất nước mình.

Bên trong mỗi con người tại căn phòng này ngày hôm nay, và bên trong tất cả những ai đang lắng nghe trên trái đất, đều có một trái tim ái quốc với cùng một tình yêu mãnh liệt dành cho đất nước mình, cùng một lòng trung thành cho Tổ quốc mình.

Nhiệt huyết cháy trong trái tim của những con người yêu nước và linh hồn của các quốc gia đã thúc đẩy cải cách và cách mạng, sự hy sinh và lòng vị tha, những đột phá về khoa học và những công trình nghệ thuật tuyệt vời.

Nhiệm vụ của chúng ta không phải là xóa bỏ mà là nắm giữ lấy nó. Dựng xây với nó. Tận dụng trí tuệ cổ xưa của nó. Và tìm kiếm bên trong nó ý chí để khiến đất nước chúng ta vĩ đại hơn, khu vực của chúng ta an toàn hơn và thế giới tốt đẹp hơn.

Để giải phóng tiềm năng lớn lao ấy trong dân tộc mình, chúng ta phải bảo vệ những nền tảng khiến nó trở nên khả thi. Những quốc gia độc lập, có chủ quyền là phương tiện duy nhất, nơi tự do tồn tại, nền dân chủ kéo dài và hòa bình nở rộ.

Và vì vậy, hơn hết, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền của mình, cũng như nền độc lập dấu yêu của mình.

Khi làm như vậy, chúng ta sẽ tìm thấy những con đường hợp tác mới mở ra trước mắt. Chúng ta sẽ tìm thấy nhiệt huyết hòa giải mới nhen nhóm bên trong mình. Chúng ta sẽ tìm thấy mục đích mới, giải pháp mới và tinh thần mới xuất hiện xung quanh mình, khiến thế giới trở nên tươi đẹp hơn.

Vì vậy, cùng nhau, chúng ta hãy cùng chọn lấy một tương lai của chủ nghĩa ái quốc, của sự thịnh vượng và lòng tự hào. Chúng ta hãy cùng chọn lấy hòa bình và tự do, hơn là thống trị và thất bại. Và chúng ta hãy cùng tới đây, tới nơi này để đứng lên vì dân tộc của mình và đất nước của mình, mãi mãi mạnh mẽ, mãi mãi có chủ quyền và mãi mãi thuộc về chính nghĩa.

Xin cảm ơn các bạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại