Sợ "tự bắn vào chân mình", Mỹ vội xóa mặt hàng chiến lược khỏi danh sách áp thuế hàng TQ

Thi Anh |

Theo Bloomberg, bản thân việc đất hiếm có mặt trong danh sách áp thuế sơ bộ của Mỹ đã là một điều kỳ lạ.

Có vẻ như Mỹ đã hoãn kế hoạch đánh thuế đối với một nhóm khoáng sản then chốt, được dùng để sản xuất gần như mọi thứ, từ xe hybrid (loại xe sử dụng hai nguồn động lực: Động cơ đốt trong và động cơ điện) cho tới các thiết bị điện tử và vũ khí quân sự.

Các loại đất hiếm bao gồm scandium và yttrium không có mặt trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu mới nhất mà chính quyền ông Trump dự tính sẽ áp thuế từ tuần sau đối với Trung Quốc. Đất hiếm cũng nằm trong số các mặt hàng được loại bỏ trong danh sách mục tiêu sơ bộ công bố hồi tháng 7, cùng với ghế ngồi ô tô và các thiết bị Bluetooth.

Theo Bloomberg, bản thân việc đất hiếm có mặt trong bản danh sách sơ bộ đã là một điều kỳ lạ. Trung Quốc sản xuất hơn 80% kim loại và hợp chất đất hiếm trong năm 2017 (số liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ). Nước này có khoảng 37% trữ lượng toàn cầu và chiếm 78% lượng nhập khẩu của Mỹ - nguồn cung lớn nhất của Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Một số vật liệu có phần "kén chọn" nhưng quan trọng khác cũng vắng mặt trong danh sách sửa đổi như tinh than chì (graphite flake), và một số dạng silicon, ma-giê.

Dường như không chỉ có chính quyền Trump phải suy nghĩ lại về những quyết định khiến các mặt hàng nhập khẩu quan trọng mang tính chiến lược trở nên đắt đỏ hơn.

Bắc Kinh cũng đã hủy bỏ kế hoạch áp thuế lên dầu thô nhập khẩu từ Mỹ, một nguồn cung ngày càng quan trọng đối với quốc gia châu Á này.

Việc Trung Quốc nắm giữ nguồn cung đất hiếm khiến Mỹ phải bắt tay với các nước khác gây sức ép trước Tổ chức Thương mại Thế giới để buộc Bắc Kinh xuất khẩu thêm các vật liệu này, chứ không phải giảm bớt, sau khi giá đất hiếm tăng vọt giữa cơn khan hiếm toàn cầu.

WTO đã ra phán quyết có lợi cho Mỹ, mặc dù giá đất hiếm cuối cùng đã giảm bớt khi các nhà sản xuất tìm các phương án thay thế khác.

Washington nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của kim loại đất hiếm. Chuyên gia phân tích Dylan Kelly của tổ chức tài chính CLSA (Australia) cho biết, điều đó được thể hiện rõ trong điều luật Mỹ vừa thông qua tháng trước: Cấm mua nam châm đất hiếm từ Trung Quốc để phục vụ cho quân đội trong năm tài chính 2019.

Luật này "chỉ rõ Mỹ sẽ ở trong tình thế nguy hiểm như thế nào nếu chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị gián đoạn", Kelly nhận định và cho rằng các chính trị gia Mỹ "nên nhận thức được tình thế mà họ tự dồn mình vào".

Chưa rõ Trung Quốc có trả đũa và sử dụng đất hiếm là "quân bài mặc cả" hay "đòn bẩy chiến lược" trong các cuộc đàm phán với Mỹ trong tương lai hay không nhưng rõ ràng "đó là nơi mà nhiều nhà đầu tư tập trung chú ý", chuyên gia của CLSA nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại