Vì sao Israel và Pháp lại phối hợp pháo kích Latakia của Syria?
Mặc dù Paris bác bỏ thông tin về việc Pháp tham gia cùng với Israel tấn công bằng tên lửa đêm 17/9/2018 vào Latakia của Syria, nhưng Bộ Quốc phòng Nga khẳng định có đầy đủ bằng chứng các tên lửa được phóng đi từ chiến hạm Auvergne của hải quân Pháp đỗ ngoài khơi Địa Trung Hải trong khi 4 chiến đấu cơ F-16 tiến hành tấn công một số mục tiêu ở khu vực này.
Cuộc tấn công này được tiến hành sau khi không quân Israel tấn công một khu vực gần sân bay quốc tế của thủ đô Damascus ngày 14/9/2018 và không kích một số mục tiêu ở tỉnh Hama và Tartus.
Mục tiêu của các đợt tấn công này là các kho đạn dược và các nhà máy sản xuất vũ khí, đặc biệt là các tổ hợp chế tạo và lắp ráp tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa của Syria dưới sự giám sát của các chuyên gia quân sự Iran và các vị trí của Hezbollah.
Các loại tên lửa này đang góp phần làm tăng thêm sức mạnh quân sự của Syria, có khả năng đe dọa an ninh của Israel, các hạm đội hải quân của Mỹ và phương Tây ở vùng biển Địa Trung Hải. Năm 2006, các lực lượng Hezbollah đã dùng tên lửa tấn công vào một tàu chiến của Israel.
Cùng với Israel, hải quân Pháp cũng đã bắn phá các nhà máy và các kho vũ khí ở Latakia.
Latakia bị tấn công đêm 17/9. Ảnh: Kevork Almassian / Twitter
Việc Syria sở hữu các tên lửa hiện đại có tầm bắn khác nhau, đặc biệt là các tên lửa đạn đạo không chỉ đặt Israel mà còn cả một số khu vực ở châu Âu, trước hết là Pháp trong tầm bắn. Các nước phương Tây, đặc biệt là Israel và Pháp không muốn Syria có các loại vũ khí hiện đại này nên tìm mọi cách để phá hủy.
Từ trước tới nay, Pháp là nước châu Âu hăng hái nhất trong việc đánh Syria. Năm 2013, ông Francois Hollande là Tổng thống duy nhất của châu Âu đã ủng hộ Mỹ tấn công Syria.
Còn Israel thì theo các nguồn tin quân sự cho biết, trong vòng 18 tháng trở lại đây đã tiến hành hơn 200 vụ oanh kích vào các vị trí bên trong lãnh thổ Syria, phần lớn là nhằm vào các mục tiêu của Iran. Israel đã nhiều lần tuyên bố không cho phép Iran duy trì sự có mặt quân sự của mình ở Syria.
Vì sao máy bay trinh thám IL-20 của Nga lại bị bắn hạ?
Ngày 17/9/2018 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp nhau tại Sochi và đạt được thỏa thuận quan trọng về ngừng chiến dịch quân sự và giải quyết hoà bình vấn đề Idlib.
Trước đó, ngày 7/9/2018 Hội nghị thượng đình Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran đã ra Tuyên bố chung với nội dung tích cực nhằm giải quyết tình hình Idlib và thỏa thuận về các nguyên tắc giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin và Erdogan đã quyết định không tiến hành chiến dịch quân sự mà sẽ thiết lập một khu phi quân sự ở Idlib dọc theo đường biên hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập.
Theo thỏa thuận này, đến 10/10/2018, các nhóm đối lập phải rút tất cả các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực, các lực lượng quân cảnh của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các cuộc tuần tra chung kiểm soát khu vực này.
Thỏa thuận Putin - Erdogan là một bước đi tích cực, ngăn chặn được một vụ đổ máu và tránh được một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra do các hành động quân sự quy mô lớn ở Tây-Bắc Syria.
Như vậy, Nga và Syria sẽ không phải tham chiến. Đồng thời, thỏa thuận này đã làm cho Mỹ và phương Tây không còn có thể kiếm cớ để tấn công Syria nữa, lực lượng quân sự của 2 nước này sẽ được bảo toàn.
Mặt khác, thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở ra triển vọng giải quyết vấn đề Idlib và cuộc xung đột Syria bằng biện pháp hoà bình theo diễn đàn Astana với sự tham gia tích cực của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Việc Israel và Pháp phối hợp tấn công Syria và việc máy bay trinh thám IL-20 của Nga bị bắn hạ ngay sau kết thúc cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan ngày 17/9/2018 tại Sochi công bố các thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng tại Idlib rõ ràng là một hành động có tính toán nhằm phản ứng lại thỏa thuận này.
Mỹ, phương Tây và các đồng minh của họ ở Trung Đông lo ngại rằng, tuyên bố của cuộc họp thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran 7/9/2018 và thỏa thuận Putin-Erdogan tại Sochi 17/9/2018 có nghĩa là cuộc chơi sẽ kết thúc không theo ý đồ của họ. Các lực lượng nước ngoài có mặt trên lãnh thổ Syria không được sự đồng ý của chính quyền Damascus sẽ phải rút.
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, việc chiếc IL-20 của Nga bị bắn hạ không phải là do lỗi kỹ thuật mà là sự khiêu khích có chủ ý, vi phạm cơ chế phối hợp cảnh báo giữa Nga và Israel.
Israel thông báo cho phía Nga chỉ 1 phút trước khi tấn công Syria và trong khi chiếc máy bay IL-20 đang giảm độ cao để hạ cánh xuống căn cứ Humeimim thì không thể có bất cứ khả năng nào kịp đưa được chiếc máy bay này ra vùng an toàn.
Hơn thế nữa, các máy bay F-16 của Israel đã núp sau chiếc IL-20 một khoảng cách rất ngắn để đánh lừa các lực lượng phòng không Syria. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đây là hành động được tính toán kỹ nhằm phá hoại các cố gắng của Nga trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria.
Mặc dù tình hình hết sức phức tạp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn sẽ quyết tâm thực hiện các thỏa thuận Tehran và Sochi
Nếu việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay Su-24 của Nga 24/11/2015 đã biến quan hệ giữa hai nước từ thù địch sang liên minh, thì việc chiếc máy bay IL-20 của Nga bị bắn hạ đang làm căng thẳng quan hệ giữa Nga và Israel.
Mặc dù tình hình hết sức phức tạp, nhưng các thỏa thuận giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về giải pháp Syria nói chung và Idlib nói riêng sẽ không thể thay đổi.
Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với hành động này của Israel. Trong các biện pháp này, phía Nga tuyên bố có thể sẽ ngừng cơ chế phối hợp giữa Nga và Israel tại Syria, xem xét sớm cung cấp cho Syria các hệ thống phòng không hiện đại S-300 và S-400 có thể bắn hạ các máy bay của Israel trong tương lai.
Tình hình này sẽ góp phần tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Syria và thay đổi cán cân so sánh lực lượng không những trên chiến trường Syria mà còn cả khu vực Trung Đông.