Thân tín của ông Tập từng bẽ mặt với Mỹ nhận chức vụ "khủng": Tín hiệu mạnh từ Bắc Đới Hà?

Hải Võ |

Phó thủ tướng, nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc, ông Lưu Hạc, vừa được trao thêm vai trò mang nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ của nước này.

Thân tín của ông Tập nhận chức vụ mới

Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 8/8 cho biết, chính phủ Trung Quốc quyết định điều chỉnh Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ và giáo dục quốc gia thành Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia, trong đó chức vụ tổ trưởng do thủ tướng Lý Khắc Cường đảm nhận, tổ phó do phó thủ tướng Lưu Hạc nắm giữ.

Vai trò của Tiểu tổ mới được xác định là "nghiên cứu, thẩm định các chiến lược phát triển, quy hoạch và chính sách trọng đại về khoa học công nghệ quốc gia; thảo luận, thẩm định nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn và dự án lớn của quốc gia; phối hợp giữa các ban ngành Quốc vụ viện và địa phương trong các hạng mục công nghệ quan trọng".

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, vai trò mới của ông Lưu Hạc thể hiện lòng tin vững chắc của ban lãnh đạo đối với vị cố vấn thân cận hàng đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, bất chấp ông Lưu bị cho là thất bại "ê chề" trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 5, khi không thể ngăn cản chính quyền tổng thống Donald Trump mở màn chiến tranh thương mại và áp thuế quan lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Các cổ phiếu công nghệ ở Đại lục và Hồng Kông có phiên tăng trưởng tốt hôm 9/8, với hy vọng cuộc cải tổ Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ sẽ mang đến nhiều hỗ trợ hơn từ chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ.

Ông Lưu Hạc hiện còn nắm giữ ít nhất 3 chức vụ quan trọng khác trong lĩnh vực quản lý kinh tế của chính phủ, gồm chức Chủ nhiệm Ủy ban phát triển và ổn định tài chính Quốc vụ viện, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đàm phán thương mại với Mỹ, cũng như dẫn dắt lộ trình cải tổ cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Vai trò mới ở Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia sẽ gia tăng ảnh hưởng của ông Lưu trong chính phủ Trung Quốc, trao cho ông thêm nhiều đòn bẩy trong các cuộc đối thoại tương lai với chính quyền Trump.

Việc Mỹ leo thang các biện pháp cấm vận nhằm vào khu vực công nghệ cao được xác định là đòn tấn công nhằm vào kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc, mà Washington cáo buộc là giúp doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi bất công nhờ trợ cấp và các hỗ trợ phi tài chính của chính phủ.

Hiện chưa rõ chức vụ mới của ông Lưu Hạc sẽ tác động thế nào đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ.

"Một mặt, ông Lưu - một nhà kỹ trị - vẫn luôn tham dự vào quá trình hoạch định chính sách công nghiệp nhằm ủng hộ phát triển công nghiệp. Ông sẽ không hy sinh điều này để đạt thỏa thuận với Mỹ," Ether Yin - đối tác từ hãng nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh, Trung Quốc - đánh giá.

"Mặt khác, ngay cả khi ông ấy muốn nhượng bộ với tư cách người được Trung Quốc trao trách nhiệm về thương mại, thì ông cũng không hoàn toàn có thể tự quyết và cũng khó có được sự ủng hộ từ cấp trên."

Thân tín của ông Tập từng bẽ mặt với Mỹ nhận chức vụ khủng: Tín hiệu mạnh từ Bắc Đới Hà? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng hồi tháng 5/2018 (Ảnh: Twitter)

Tín hiệu từ hội nghị bí ẩn Bắc Đới Hà?

SCMP cho hay, chức vụ mới của phó thủ tướng Lưu Hạc đã được nhiều nhà quan sát dự đoán từ trước.

Ngày 13/4, ông Lưu có chuyến thăm và khảo sát Bộ khoa học công nghệ Trung Quốc, nghe báo cáo từ các nhà khoa học, kỹ sư cấp cao. Ông nhắc nhở các nhà khoa học Trung Quốc về "tầm quan trọng vô cùng" của khoa học công nghệ trong kế hoạch chiến lược dài hạn của nước này.

Trong hai thập kỷ qua, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc bị cho là không được nhận giá trị và sự quan tâm tương xứng từ các nhà quyết sách. Việc bổ nhiệm cố vấn thân cận hàng đầu của ông Tập vào Tiểu tổ lãnh đạo kể trên chính là "sự nâng cấp" bước ngoặt trong nghị trình của ban lãnh đạo trung ương.

Thông cáo của Quốc vụ viện về việc điều chỉnh cơ cấu-nhiệm vụ và thành lập Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia đã được thành văn từ ngày 28/7, nhưng chỉ được công bố vào ngày 8/8 - thời điểm được cho là khép lại "hội nghị Bắc Đới Hà" với sự kiện thủ tướng Lý Khắc Cường hội kiến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 bà Maria Fernanda Espinosa tại khu nghỉ dưỡng này.

Kỳ nghỉ thường niên vào khoảng đầu tháng 8 ở Bắc Đới Hà là sự kiện ban lãnh đạo Trung Quốc tri ân các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Về ý nghĩa phi chính thức, kỳ nghỉ này hội tụ đầy đủ ban lãnh đạo đương nhiệm và các thế hệ lãnh đạo đã về hưu của Trung Quốc, và thường được giới quan sát nhận biết khi các lãnh đạo "biến mất" trên truyền thông nhà nước.

Cuộc hội ngộ này được đánh giá một trong những "hội nghị" bí ẩn nhất của Trung Quốc, nơi nhiều quyết sách về đường hướng của đất nước được đưa ra bàn thảo, quyết định.

Thân tín của ông Tập từng bẽ mặt với Mỹ nhận chức vụ khủng: Tín hiệu mạnh từ Bắc Đới Hà? - Ảnh 3.

Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hôm 8/8 về điều chỉnh Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia (Ảnh: gov.cn)

Chính sách của ông Tập mạnh mẽ trở lại

Chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ-Trung được cho là một trong những nghị trình quan trọng ở Bắc Đới Hà vừa qua, và thông tin về chức vụ mới của ông Lưu Hạc có thể là tín hiệu về những đồng thuận mà các lãnh đạo lão thành-đương nhiệm của đất nước đã đạt được, cũng như cho thấy các chính sách do ông Tập khởi xướng đã được củng cố trở lại.

Sau khi Mỹ bắt đầu áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nhiều luồng quan điểm từ các học giả uy tín trong nước chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đã nổi lên, trong đó nhiều ý kiến cho rằng chiến lược tuyên truyền thổi phồng quá đà về thành tựu công nghệ-quân sự của Trung Quốc đã biến nước này thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với Mỹ và phương Tây.

Trong bài xã luận mới nhất được đăng vào 4h33 sáng nay, 10/8, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - phản bác gay gắt quan điểm cho rằng Trung Quốc sai lầm khi sớm theo đuổi chính sách "xuất đầu lộ diện", một cách nói để chỉ trích việc Bắc Kinh xa rời đường hướng "giấu mình chờ thời" của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

"Từ sau chiến tranh Nha phiến, trải qua 100 năm nỗ lực, Trung Quốc đã trở lại trung tâm của vũ đài thế giới," Nhân dân Nhật báo viết. "Đây là sự thực mang tính nền tảng mà chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng từ quan sát xung đột thương mại Mỹ-Trung."

"Một khối lượng lớn như vậy, với sức nặng như thế, thì không phải chuyện 'giấu mình' là có thể ẩn đi được, giống như một con voi lớn không thể nấp sau cái cây nhỏ được."

Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học, công nghệ và giáo dục của Quốc vụ viện từng dẫn dắt quá trình phát triển chính sách ở ba lĩnh vực trên. Nhưng thông cáo hôm 8/8 đã loại bỏ giáo dục ra khỏi phạm vi phụ trách của cơ quan này.

"Tiểu tổ mới cho thấy Bắc Kinh đang chú trọng hơn đến khoa học và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc Mỹ áp nhiều biện pháp kìm hãm Trung Quốc phát triển công nghệ cao," giáo sư Hồ Tinh Đấu - nhà phân tích kinh tế ở Bắc Kinh - nhận xét.

"Giữa những tình hình như vậy, rất cần khu biệt nhóm lãnh đạo riêng biệt về khoa học và công nghệ, nhằm điều phối tốt hơn và thúc đẩy sáng tạo."

Trong khi Trade war leo thang, Trung Quốc đang tìm mọi cách rút ngắn cách biệt về công nghệ với Mỹ ở phạm vi công nghiệp.

Ông Hồ Tinh Đấu bình luận, "hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trung Quốc tồn tại hàng loạt vấn đề. Chỉ có tiến hành cải tổ từ cấp cao mới giúp Trung Quốc bảo đảm nắm được các công nghệ lõi, thay vì bị các quốc gia khác nắm được."

Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia được thành lập lần đầu vào năm 1982 dưới cuộc cải cách mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, nhằm thảo luận kế hoạch dài hạn để phát triển các chương trình khoa học kỹ thuật của đất nước. Chương trình về giáo dục được thêm vào từ năm 1998.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại