Chiến dịch "tinh thần phấn đấu ái quốc"
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn được phát động trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang liên tiếp, và nhiều quan điểm trái chiều với nhà chức trách xuất hiện trong giới học giả uy tín của Trung Quốc.
Từ thứ Ba tuần trước (31/7), trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động phong trào mới với tên gọi "Khuếch trương tinh thần phấn đấu ái quốc, xây dựng sự nghiệp trong thời đại mới", đặc biệt nhằm vào nhóm trí thức trẻ và những nhà nghiên cứu học thuật trung niên ở các trường đại học, viện nghiên cứu, một số doanh nghiệp cũng như các tổ chức công.
Khía cạnh đặc thù của chiến dịch là tăng cường "hướng dẫn chính trị" đối với giới trí thức Trung Quốc và đưa "nhận thức về tư tưởng-chính trị" của họ nhất quán với các mục tiêu của đảng cùng đất nước - truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời một quan chức (chưa rõ danh tính) lãnh đạo chiến dịch này.
Ông Hoàng Khôn Minh, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương ĐCSTQ - một trong hai cơ quan lãnh đạo chiến dịch "tinh thần phấn đấu ái quốc" (Ảnh: VCG)
Thông điệp được thể hiện rõ trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Trang nhất báo giấy số ra ngày 2/8 đăng bài xã luận tiêu đề "Chính trị dẫn dắt hội tụ lòng người - Đi sâu triển khai hoạt động 'Khuếch trương tinh thần phấn đấu ái quốc, xây dựng sự nghiệp trong thời đại mới' trong giới trí thức rộng lớn".
Bài viết nhấn mạnh nhiệm vụ then chốt của chiến dịch là "hội tụ trái tim của toàn giới trí thức, nuôi dưỡng tình cảm với nước với nhà, thúc đẩy trách nhiệm về sứ mệnh, làm cho quảng đại phần tử trí thức thêm tự giác yêu đảng yêu nước, kiên định đi theo đảng, cống hiến trí tuệ và sức mạnh để thực hiện mục tiêu phấn đấu 'hai 100 năm' cùng giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại..."
Thông điệp từ Bắc Đới Hà
Trong tuần này, Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã cùng hàng loạt cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch trên. Cụm từ "tinh thần phấn đấu ái quốc" cũng trở thành một từ khóa phổ biến hàng đầu hiện nay.
Ở diễn biến mới nhất, Tân Hoa Xã ngày 8/8 ra thông báo, 62 chuyên gia, nhân tài ưu tú trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất trên toàn quốc đã tới nghỉ dưỡng tại Bắc Đới Hà theo lời mời của trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện Trung Quốc từ 3-8/8.
"Phong cảnh tươi đẹp, lịch trình chu đáo, sự quan tâm thân thiết đã khiến các chuyên gia cảm thấy phấn khởi và ấm áp. Tình cảm phấn đấu ái quốc và hùng tâm tráng trí xây dựng sự nghiệp cuồn cuộn..." - bản tin có đoạn.
Cụm từ "phấn đấu ái quốc" xuất hiện ở Bắc Đới Hà là một trong những thông điệp mạnh nhất của nhà nước Trung Quốc về chiến dịch tuyên truyền tăng cường lòng yêu nước, bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự kỳ nghỉ đều được đánh giá là những gương mặt có đóng góp hàng đầu trong mọi lĩnh vực phát triển của đất nước.
Đặc biệt, bên cạnh hoạt động chính thức thường niên là tiếp đãi, vinh danh các chuyên gia, kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà còn hội tụ đầy đủ ban lãnh đạo đương nhiệm và các thế hệ lãnh đạo đã về hưu của Trung Quốc.
Cuộc hội ngộ của các thế hệ lãnh đạo thường niên được đánh giá một trong những "hội nghị" bí ẩn nhất của Trung Quốc, nơi nhiều quyết sách về đường hướng của đất nước được đưa ra bàn thảo.
Cùng với thông điệp của Tân Hoa Xã, "hội nghị Bắc Đới Hà" năm nay được cho là đã khép lại vào ngày 8/8, khi thủ tướng Lý Khắc Cường lộ diện trong sự kiện hội kiến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 bà Maria Fernanda Espinosa, diễn ra ngay tại khu nghỉ dưỡng này.
Quan điểm đa chiều "nở rộ" trong giới trí thức Trung Quốc
Công tác tuyên truyền và giáo dục về tư tưởng được nhà chức trách Trung Quốc hết sức chú trọng từ sau khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, nhưng dường như chưa thu được kết quả như kỳ vọng, thậm chí đang có những bước lùi.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Su Wei - giáo sư Trường đảng thành ủy Trùng Khánh, đánh giá "giáo dục tinh thần yêu nước ở Trung Quốc đã bị mờ nhạt trong vài năm gần đây, hệ quả là nhiều hiện tượng [xã hội] bất thường đã phát sinh".
Cả ông Su lẫn Hoàn Cầu không lý giải cụ thể về "hiện tượng bất thường", nhưng cụm từ được cho là đề cập những quan điểm không nhất quán với những quyết sách, định hướng của ban lãnh đạo trung ương, đặc biệt trong tình hình chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.
Giáo sư Gu Su, chuyên ngành triết học và luật tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, cho hay nhiều luồng quan điểm trong giới trí thức Trung Quốc đang trở nên sôi nổi trong 2 tháng qua.
"Nhiều ý kiến không công khai trước đây thì nay đã được đăng tải. Nhiều quan ngại về chính sách và hướng đi của đất nước được đưa ra," ông Gu nói với SCMP.
Giáo sư Hứa Chương Nhuận - tác giả bài luận gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc và quốc tế thời gian qua (Ảnh: Sohu)
Một trong những chỉ trích gay gắt nhất đến từ ông Hứa Chương Nhuận - giáo sư luật và luật hiến pháp tại Đại học Thanh Hoa danh giá bậc nhất Trung Quốc.
"Người dân cả nước, bao gồm giới tinh hoa, một lần nữa cảm thấy bất an về đường hướng của đất nước và an ninh của cá nhân. Nỗi bất an đã lan tỏa thành một mức độ hoang mang khắp xã hội," ông Hứa viết trong bài luận "Nỗi sợ và hy vọng của chúng ta ngay lúc này" đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc.
Học giả Trung Quốc liệt kê 8 tác nhân chủ yếu mà ông cho là căn nguyên của không khí lo âu, bao gồm các vấn đề về quyền tài sản, quản lý về tư tưởng, phân hóa tầng lớp, viện trợ nước ngoài quá nhiều, chạy đua vũ trang...
Vị giáo sư luật thậm chí còn đặt nghi vấn với chủ đề nhạy cảm nhất trong chính trường Trung Quốc: Việc sửa đổi hiến pháp bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ với chức chủ tịch nước. Ông gọi đây là sự kiện "gây sốc thế giới".
Bài luận của ông Hứa Chương Nhuận được chia sẻ rộng khắp. Giáo sư Chen Daoyin từ Đại học chính pháp Thượng Hải nhận xét "chiến dịch [tuyên truyền] mới nhất giống như một cách phản ứng chung từ nhà chức trách trước những chỉ trích từ giới trí thức như ông Hứa".
Tuy vậy, ông Steve Tsang, giám đốc của Viện SOAS Trung Quốc ở London, tin rằng chiến dịch giáo dục lòng yêu nước là một chương trình được Bắc Kinh trù bị từ lâu, và ít có khả năng được triển khai chỉ vì một bài viết nào đó dù nó có nhạy cảm đến đâu.
Chiến dịch của Bắc Kinh khó thành công?
Chiến dịch "tinh thần ái quốc" được tung ra chưa đầy 1 năm sau khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ hai, và Trung Quốc gặp khó khăn trước những đòn tấn công thương mại từ chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong động thái mới nhất, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 23/8 tới. Danh sách 279 mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế mới được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố hôm 7/8.
Bên cạnh sức nóng Trade war, vụ bê bối hàng trăm nghìn liều vaccine chất lượng kém lọt cửa kiểm duyệt của nhà chức trách để đưa vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cũng đang gây căng thẳng trong dư luận Trung Quốc.
Theo thông báo vào ngày 31/7 của Ban tổ chức trung ương và Ban tuyên giáo trung ương ĐCSTQ, các trường đại học và viện nghiên cứu của nước này được yêu cầu tổ chức các buổi hội thảo và diễn đàn để giới trí thức học tập, trao đổi về lòng yêu nước.
Chiến dịch "tinh thần phấn đấu ái quốc" cũng phải thành một phần quan trọng trong công tác nghiên cứu hay chuyên ngành. Các nhà trí thức sẽ được thăm những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hay các căn cứ cách mạng cũ để "thực hiện nghiên cứu xã hội và cung cấp dịch vụ tư vấn".
Thông báo trên cũng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các địa phương coi chiến dịch là "một nhiệm vụ chính trị quan trọng".
Nhưng theo giáo sư Gu Su, chiến dịch này có thể không thu về nhiều kết quả.
"Đã có quá nhiều chiến dịch tuyên truyền tương tự trong quá khứ, và giới trí thức đã quen với điều đó. Phần lớn mọi người chỉ đợi và nhìn nó trôi qua," ông nói với SCMP.