Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ đang giành thắng lợi trong cuộc chiến thương mại tồi tệ với Trung Quốc và nhận định luật thuế áp đặt lên các mặt hàng nhập khẩu của ông đang góp phần giảm nợ công cho chính phủ Hoa Kỳ, tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh đe dọa áp đặt mức thuế trừng phạt lên 60 tỉ USD mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
"Luật thuế quan đang hoạt đông có hiệu quả," ngài Trump đăng lên Twitter hôm Chủ nhật vừa rồi. Chỉ một ngày trước khi ông tuyên bố Trung Quốc đang "vùng vẫy để chống lại chúng ta" và luật thuế quan đang "thực sự tàn phá nền kinh tế của họ".
Ngài Tổng thống cũng so sánh sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc với sự tăng trưởng mạnh mẽ gần đây của Mỹ, cho biết luật thuế thương mại của chính phủ đã giúp các nhà máy thép hoạt động trở lại trên khắp nước Mỹ.
Thứ Sáu vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên tụt khỏi vị trí thứ hai thế giới sau khi soán ngôi Nhật Bản suốt bốn năm qua. Giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc sụt giảm 27% trong tám tháng qua. Sự lao dốc phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư trước cuộc chiến thương mại, cũng như khoản nợ đang tăng cao của Trung Quốc và sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Trump, việc áp đặt thuế cho phép Hoa Kỳ bắt đầu giải quyết khoản nợ công "khổng lồ" của họ. Vào Chủ nhật, ông cho đăng lên Twitter "nhờ chính sách thuế quan, chúng ta sẽ có thể bắt tay vào giải quyết khoản nợ khổng lồ".
Sự thực ra sao?
Tuy nhiên, khoản nợ công của chính phủ Hoa Kỳ do Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) kiểm soát được dự đoán sẽ tăng từ 76,5% mức GDP năm ngoái lên 96,2% năm 2028, do mức thâm hụt tăng cao bởi những chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và tăng chi tiêu công của Đảng Cộng hòa.
Trong khi đó thuế hải quan chỉ chiếm một phần rất nhỏ nguồn thu của chính phủ Hoa Kỳ năm ngoái, chỉ tăng 35 tỉ USD, hoặc 0,2% GDP, theo báo cáo của CBO. Những ước tính này không bao gồm mức thuế mới được áp đặt, như lên thép và nhôm.
Diane Swonk, Giám đốc Grant Thornton, cho biết doanh thu từ thuế quan khá thấp và bất kì tín hiệu tích cực nào về doanh thu đều bị ảnh hưởng tiêu cực do những thiệt hại do thuế quan gây ra với sự tăng trưởng kinh tế. Bà Swonk bổ sung thêm: "Mức thuế quan này cũng góp phần đẩy mạnh sự trả đũa khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp nhiều thiệt hại."
Những lo ngại về sự tăng trưởng ngắn hạn đã buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ. quý II, kinh tế Trung Quốc ở mức tăng trưởng chậm nhất kể từ 2016, và nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán sự sụt giảm này sẽ còn diễn ra mạnh hơn.
Vào thứ Sáu, Trung Quốc đã đe dọa áp đặt mức thuế mới lên 60 tỉ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, cáo buộc Washington đã đẩy Trung Quốc vào "tình thế nguy cấp" thông qua đề xuất tăng mức thuế quan lên 200 tỉ USD giá trị xuất khẩu của Trung Quốc, từ 10% lên 25%.
Chính sách thuế của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo vào thứ Sáu rằng "việc thực thi và hiệu lực của những chính sách thuế của nước này sẽ được quyết định dựa trên các hành động của Mỹ".
Không hề có dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ từ hai phía, do vậy hoàn toàn có khả năng bùng nổ một cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác cảnh báo điều này có thể gây hại cho sự tăng trưởng trên toàn cầu.
Trung Quốc đe dọa áp đặt mức thuế 25% lên khí ga tự nhiên hóa lỏng, mức thuế có thể gây thiệt hại lớn cho các công ty LNG của Hoa Kỳ, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba thế giới của họ.
Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nước, Trung Quốc hướng mục tiêu đến các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Hoa Kỳ mà ông Trump đã hứa hẹn với các cử tri. Để đáp trả, Tổng thống Mỹ cam kết hỗ trợ 12 tỉ USD cho người nông dân bị ảnh hưởng bởi những chính sách thuế trừng phạt của Trung Quốc. Tuần trước, các công ty nông nghiệp đã chỉ trích ngài Tổng thống về việc áp đặt mức thuế quan nặng hơn.
Danh mục thuế quan của Trung Quốc cũng bao gồm máy bay, sản phẩm nông nghiệp, hóa học và y tế.
Cả hai bên đã áp đặt mức thuế lên 34 tỉ USD giá trị xuất khẩu của đối phương. Thông cáo vào thứ Sáu của Bắc Kinh đã đẩy giá trị thương mại bị đe dọa bởi các chính sách thuế quan của Trung Quốc lên 110 tỉ, so với 130 tỉ USD giá trị các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào năm ngoái. Hoa Kỳ đặt mục tiêu trừng phạt 250 tỉ USD giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc trên tổng số 505 tỉ USD năm 2017.
Do mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ có thêm quyền áp đặt chính sách thuế lên các sản phẩm nhập khẩu khác từ Trung Quốc.
Chỉ vài giờ sau thông cáo về việc đe dọa áp mức thuế quan mới của Trung Quốc hôm thứ Sáu vừa qua, Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã có cuộc gặp với Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ở Singapore bên thềm cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Vương Nghị phát biểu trên sóng truyền thông quốc gia: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chung theo hướng mở rộng. Với điều kiện tiên quyết là đối xử bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán với Hoa Kỳ."