Không còn có thể lùi
Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) thì việc phía Mỹ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như đã áp dụng trước khi có JCPOA chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong chính sách của mình đối với Iran và quan hệ của Mỹ với Iran, ông Trump đã đi xa tới mức không còn có thể lùi. Nỗ lực vớt vát duy nhất là việc ngỏ ý sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran "vào bất kỳ thời điểm nào" và "không đi cùng bất kỳ điều kiện chính trị nào" đã không được phía Iran đáp ứng.
Phía Iran không như Triều Tiên và Nga vừa rồi đối với Mỹ. Sách lược đã giúp ông Trump có được thành công nhất định với hai cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Triều Tiên và Nga xem ra hiện chưa phát huy tác dụng gì với Iran.
Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi JCPOA. Ảnh: Reuters
Ông Trump muốn xử lý lại toàn bộ tất tần tật mọi chuyện trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran bằng cách xoá sổ JCPOA để có thoả thuận mới với Iran.
Theo mong muốn của ông Trump thì thoả thuận mới này bao gồm giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân của Iran, giải pháp cho vấn đề chương trình phát triển tên lửa của Iran và buộc Iran phải thay đổi chính sách đối với khu vực.
Ông Trump không chỉ coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran là mối đe doạ an ninh đối với Mỹ mà còn muốn ngăn cản Iran trở thành cường quốc chính trị và quân sự ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, có vị thế, vai trò và ảnh hưởng quyết định ở khu vực này và vì thế đe doạ lợi ích của Mỹ, cũng như của các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực.
Có thể thấy là ông Trump chủ ý dùng việc xử lý lại mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, hay mượn danh nghĩa ấy để tập hợp lực lượng ở khu vực, tạo kẻ thù và đối thủ để liên minh, liên thủ các nước trong khu vực xung quanh Mỹ.
Triển vọng đàm phán
Sách lược của ông Trump là vừa gia tăng áp lực tối đa, vừa ngỏ ý sẵn sàng đối đàm phán với Iran. Cứ cho là ông Trump đã khá thành công khi sử dụng sách lược này với Triều Tiên và Nga thì cũng không có nghĩa là sẽ như vậy với Iran.
Trong chuyện này, Iran khác hai nước kia ở chỗ ông Trump lật ngược và đơn phương huỷ hoại thoả thuận cũ của Mỹ để mưu cầu thoả thuận mới. Như thế thì thử hỏi làm sao phía Iran có thể tin được Mỹ, làm sao phía Iran không thể không nghi ngại và đề phòng Mỹ.
Trong chuyện này còn có các đối tác khác liên quan trực tiếp là EU, Nga và Trung Quốc. Biện pháp chính sách mới này của Mỹ đã ảnh hưởng và tổn hại trực tiếp đến lợi ích của EU trong quan hệ với Iran đến mức EU đã phải có biện pháp đối phó Mỹ. Tức là Iran có EU, Nga và Trung Quốc ở phe mình chừng nào Iran tiếp tục thực hiện JCPOA.
Thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) là thỏa thuận giữa Iran và P5+1. Ảnh: AP
Như thế, phía Mỹ không thể có được "tác dụng của áp lực tối đa" như phía Mỹ hiện đang theo đuổi. Mấu chốt ở đây là việc Mỹ đòi đàm phán lại về giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Về tất cả những vấn đề khác trong quan hệ song phương với Mỹ, Iran có thể (có thể thôi chứ không hẳn đã chắc chắn) sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng đàm phán lại về vấn đề hạt nhân thì chắc chắn là không, chí ít thì cũng ở thời điểm hiện tại và trong bối cảnh tình hình hiện tại.
Từ đó có thể thấy là triển vọng hai bên đi vào đàm phán để xử lý chuyện bất hoà hiện tại rất mong manh và mờ mịt. Chiều hướng diễn biến khả dĩ nhất là căng thẳng và đối địch gia tăng, không tin nhau và phòng ngừa nhau là trạng thái chủ đạo.
Iran sẽ chưa khởi động lại ngay chương trình hạt nhân ở mức độ trước khi có JCPOA mà sẽ tiếp tục thực thi JCPOA để cô lập Mỹ trên thế giới và để phân hoá Mỹ với EU, Nga và Trung Quốc, cũng như để làm phép thử xem EU đối phó Mỹ hiệu quả thiết thực như thế nào.
Chỉ cần EU thực hiện được cam kết là bảo vệ được lợi ích chính đáng của Iran thì Iran chẳng cần phải vội vàng gì với việc đáp trả Mỹ trên thực tế ngoài tiếp tục cuộc khẩu chiến trên dư luận.
Nhưng ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh hiện đã xuất hiện tình huống mới. Các mối quan hệ trong khu vực này sẽ trở nên phức tạp và gay cấn hơn.
Việc giải quyết các cuộc chiến tranh và xung đột hiện tại như giữa Israel và Palestin, ở Lebanon và Iraq, ở Syria và Yemen sẽ trở nên nan giải hơn. Mối quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ với Iran sẽ trở nên căng thẳng và thù địch hơn. Ông Trump đã chẳng khác nào mở "hộp Pandora" ở khu vực bởi hậu quả và hệ luỵ tai hại thật không thể lường hết được.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại