Vụ án "cắt đầu kẻ thù" và bí mật đen tối sau danh tiếng lẫy lừng của đặc nhiệm SEAL Mỹ

QS |

Không chỉ gây tranh cãi vì phán đoán sai lầm, khiến đồng đội phải đơn độc chiến đấu giữa vòng vây al-Qaeda, Slabinski còn bị nghi ngờ ra lệnh cho cấp dưới cắt đầu tay súng Taliban.

Hôm 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao tặng Thượng sĩ Hải quân về hưu Britt K. Slabinski Huân chương danh dự - Huân chương cao quý nhất của Mỹ dành cho tinh thần dũng cảm trong chiến đấu – vì những gì ông đã làm trên đỉnh núi Takur Ghar 16 năm về trước.

Theo thông báo chính thức, cựu đặc nhiệm Navy SEAL đã can đảm đương đầu với hỏa lực của các phần tử Taliban và al-Qaeda trong lớp tuyết ngập đến thắt lưng, dẫn đầu đội tác chiến mang mật danh "Mako 30" tìm kiếm hạ sĩ nhất Neil C. Roberts.

Tuy nhiên, tuyên bố truy tặng này đang gây tranh cãi lớn sau những gì được tiết lộ trong trận giao tranh kéo dài 14 giờ đồng hồ trên đỉnh Takur Ghar, nhất là những quyết định mà ông Slabinski, với cương vị chỉ huy, đã đưa ra.

Nghi vấn bỏ mặc đồng đội

Trong chiến dịch Anaconda năm 2002, nhằm bao vây và tiêu diệt các phần tử al-Qaeda tại thung lũng Shah-i-Kot, miền đông Afghanistan, nhóm trinh sát thuộc đội đặc nhiệm SEAL Team 6 do trung sĩ Britt K. Slabinski chỉ huy nhận được lệnh thiết lập một trạm quan sát trên đỉnh Takur Ghar cao hơn 3.000m.

Kế hoạch của Slabinski là đổ bộ bằng trực thăng gần chân núi lúc nửa đêm rồi bí mật leo lên đỉnh. Tuy nhiên, một loạt trục trặc xảy ra với chiếc máy bay đã khiến họ không còn thời gian để làm điều đó trước lúc bình minh. Dưới áp lực của cấp trên, Slabinski cho biết ông đã miễn cưỡng cho trực thăng đáp xuống đỉnh núi vào lúc 3h sáng.

Nhóm trinh sát SEAL không ngờ rằng quân al-Qaeda đã phục kích sẵn ở đó, chúng tấn công chiếc trực thăng với hỏa lực dữ dội.

Một thành viên trong nhóm của Slabinski - Hạ sĩ nhất Neil C. Roberts, đã bị ngã ra ngoài khi trực thăng đang lơ lửng trên mặt đất khoảng 3m, nhưng phi công không thể cứu anh ngay mà phải hạ cánh khẩn cấp xuống vị trí cách đó vài km.

Vụ án cắt đầu kẻ thù và bí mật đen tối sau danh tiếng lẫy lừng của đặc nhiệm SEAL Mỹ - Ảnh 1.

Trung sĩ John A. Chapman khi còn sống.

Gần 5h sáng, 5 thành viên còn lại của nhóm SEAL và trung sĩ John Chapman - người đảm nhiệm vai trò truyền tin, đã quay trở lại đỉnh núi bằng một chiếc trực thăng khác nhằm giải cứu Roberts. Họ không hề hay biết rằng đồng đội của mình đã bị quân khủng bố giết hại.

Những người lính SEAL một lần nữa vấp phải hỏa lực xối xả của đối phương. Băng qua lớp tuyết dày đến bắp đùi, trung sĩ Chapman (đi phía trước) và chỉ huy Slabinski đã tiêu diệt được 2 tay súng trong một boong-ke - chính xác là một cái hố dưới gốc cây - trước khi Chapman trúng đạn, nằm trên tuyết.

Ở cách đó gần 2m, bằng kính nhìn đêm, Slabinski nhìn thấy tia laser ngắm bắn từ khẩu súng trường của Chapman đang dao động lên xuống theo nhịp thở của anh - một dấu hiệu cho thấy Chapman còn sống.

Một thành viên khác trong nhóm trinh sát cũng bị thương trước hỏa lực điên cuồng bằng lựu đạn và súng máy của quân khủng bố. Lúc này, Slabinski nhận ra rằng nhóm của ông phải rút khỏi đỉnh núi ngay lập tức.

Ngoái đầu lại nhìn Chapman, Slabinski không còn thấy tia laser chuyển động nữa. Ông bò đến sát bên Chapman để kiểm tra tình trạng của đồng đội nhưng không thấy bất kỳ phản ứng nào. Slabinski quyết định trườn xuống núi và tập hợp với các thành viên còn lại trong nhóm.

Khi đã tìm được chỗ ẩn náu tạm thời, một người hỏi "Chapman đâu?", Slabinski trả lời rằng "Anh ấy đã chết".

Thế nhưng, hơn 14 năm sau cuộc giao tranh ác liệt (tức năm 2016), Không quân Mỹ cho biết Slabinski đã mắc sai lầm. Chapman không chỉ còn sống, mà còn chiến đấu một mình hơn 1 tiếng đồng hồ sau khi nhóm trinh sát rút lui.

Đoạn video quay từ máy bay không người lái Predator đã ghi lại những gì xảy ra trong khoảng 50 phút từ khi nhóm trinh sát SEAL rút khỏi đỉnh Takur Ghar. Những hình ảnh không rõ nét cho thấy có ai đó trong hầm ngầm đang tìm cách tự vệ trước 2 kẻ tấn công, và đã hạ gục 1 tên bằng súng trường. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Đó là ai?

Máy bay không người lái Predator ghi lại cảnh giao tranh giữa lính đặc nhiệm lục quân Rangers và các tay súng al-Qaeda tại đỉnh núi Takur Ghar 16 năm về trước

Báo cáo từ các quan chức thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Không quân (AFSOC) bác bỏ giả thuyết cho rằng các tay súng phiến quân lúng túng nên bắn nhầm vào nhau.

Thay vào đó, báo cáo khẳng định "có bằng chứng đầy đủ" cho thấy sau khi nhóm trinh sát SEAL rút đi, Chapman vẫn còn sống và tiếp tục chiến đấu.

Kết luận này được đưa ra nhờ ứng dụng công nghệ nâng cao độ phân giải hình ảnh để phân tích đoạn video do máy bay Predator ghi lại, kết hợp với đoạn băng quay từ cường kích AC-130.

Vụ án cắt đầu kẻ thù và bí mật đen tối sau danh tiếng lẫy lừng của đặc nhiệm SEAL Mỹ - Ảnh 3.

Đỉnh núi Takur Ghar, nơi Chapman một mình chiến đấu với quân thù.

Công nghệ mới cho phép Không quân Mỹ xác định hình ảnh trung sĩ Chapman dưới dạng những ký hiệu ảnh điểm dựa trên kích cỡ cơ thể, quần áo và vũ khí mang theo.

Bằng cách nhận diện hình ảnh trung sĩ Chapman ngay sau khi anh rời khỏi trực thăng cùng với các thành viên khác của nhóm SEAL, các chuyên gia có thể theo dõi toàn bộ bước di chuyển của Chapman trên đỉnh núi, và vẫn nhận ra anh ngay cả khi Chapman bị cây cối hay các vật cản khác che khuất một phần.

Vụ án cắt đầu kẻ thù và bí mật đen tối sau danh tiếng lẫy lừng của đặc nhiệm SEAL Mỹ - Ảnh 4.

Trực thăng Chinook của đặc nhiệm lục quân Mỹ bị trúng đạn sau khi hạ cánh trên đỉnh Takur Ghar. Không quân Mỹ cho biết Chapman đã hy sinh sau khi cố gắng yểm trợ cho chiếc máy bay này.

Dựa vào kết quả phân tích, Không quân Mỹ tin rằng trung sĩ Chapman thực chất đang bất tỉnh khi Slabinski tưởng rằng anh đã chết. Sau khi hồi tỉnh, anh đã chiến đấu chống lại kẻ địch từ 3 hướng.

Báo cáo cho biết, Chapman có vẻ đã bò vào một boong-ke trong vòng 13 phút kể từ khi nhóm SEAL rời đi, tức là vào khoảng 5h25'. Đến 6h, ngay sau khi phiến quân dùng súng phóng lựu tấn công vào nơi anh ẩn nấp, Chapman đã bắn chết 1 tay súng đang lao về phía mình.

Vài phút sau đó, một tay súng khác mon men đến boong-ke và Chapman đã hạ gục tên này trong một cuộc đấu tay đôi.

Vụ án cắt đầu kẻ thù và bí mật đen tối sau danh tiếng lẫy lừng của đặc nhiệm SEAL Mỹ - Ảnh 5.

Một boong-ke ở Takur Ghar. Bằng chứng mới cho thấy sau khi tỉnh lại, Trung sĩ Chapman đã chiến đấu trong 1 tiếng đồng hồ từ boong-ke này hoặc một boong-ke khác gần đó, giết chết 2 tay súng al-Qaeda trước khi hy sinh.

Khi trực thăng Chinook chở đặc nhiệm lục quân đến tiếp viện, Chapman đã nhổm dậy từ boong-ke và tìm một góc tốt hơn để yểm trợ.

Anh phải đương đầu với làn đạn từ súng máy của kẻ thù trong lúc cố tìm cách giải tỏa áp lực cho các đặc nhiệm lục quân Ranger, sau khi trực thăng của họ bị trúng đạn từ súng phóng lựu.

Đúng lúc sắp được giải cứu, Chapman bất ngờ bị 2 phát đạn súng máy trúng vào ngực phải, giết chết anh ngay lập tức. Song, Không quân Mỹ cho biết, máy quay đã không thể ghi lại giây phút anh hy sinh.

Lực lượng Mỹ thu hồi thi thể của Chapman vào cuối ngày hôm đó.

Tổng cộng trên cơ thể anh có 9 vết thương do đạn bắn, 5 phát đạn ở dưới eo và 4 phát đạn phía trên. Trình tự các vết thương không được xác định rõ nhưng có 2 viên đạn găm vào người anh từ một góc độ không thể tồn tại trên thực tế nếu dựa vào tường trình của các đặc nhiệm SEAL về nơi mà Chapman đã ngã xuống.

Không quân Mỹ còn đưa ra một bản phân tích mới sau khi khám nghiệm tử thi của Chapman. Kết quả cho thấy vết bầm trên trán anh chỉ có thể xảy ra khi anh còn sống, càng củng cố thêm giả thuyết cho rằng Chapman đã bị bất tỉnh trong một khoảng thời gian ngắn.

Sau này, Slabinski thừa nhận rằng, trong tình thế chiến đấu căng thẳng, bản thân ông có thể đã phạm sai lầm khi cho rằng trung sĩ Chapman đã chết.

Theo lời kể của Slabinski, ông đã lên kế hoạch ẩn nấp, đợi máy bay cường kích đang bay vòng phía trên trút hỏa lực chế áp vào các tay súng al-Qaeda rồi tìm cách tiến lên chiếm đỉnh núi và thu hồi thi thể Chapman.

Tuy nhiên, hỏa lực từ lựu đạn và súng cối của đối phương đã đẩy các đặc nhiệm SEAL tụt sâu xuống phía dưới núi, khiến họ không thể quay lại. Ba lính biệt kích lục quân Ranger, một thành viên tổ lái trực thăng và một đặc nhiệm không quân cũng thiệt mạng vào sáng hôm đó sau khi đến tiếp viện cho các đặc nhiệm SEAL.

Nghi vấn cắt đầu xác chết của kẻ thù

Theo The Intercept, năm 2007 (tức 5 năm sau chiến dịch Anaconda), Slabinski được điều trở lại Afghanistan, giữ cương vị chỉ huy phi đội Blue.

Đợt điều chuyển kéo dài 2 năm của Slabinski tại Blue diễn ra trong bối cảnh ban lãnh đạo của SEAL Team 6 bắt đầu nhận được các báo cáo cho rằng một số nhóm nhỏ trong lực lượng SEAL đang phạm phải những hành vi được xem là tội ác chiến tranh, như chặt đầu, xẻo thịt, hành hạ những kẻ địch bị bắt giữ bằng dao và rìu tự chế.

Vụ án cắt đầu kẻ thù và bí mật đen tối sau danh tiếng lẫy lừng của đặc nhiệm SEAL Mỹ - Ảnh 6.

Ông Slabinski được trao tặng huân chương danh dự nhưng lại vướng phải nhiều tranh cãi.

Ngoài ra, một số thành viên SEAL Team 6 bị cáo buộc bắn súng ở cự ly gần vào hộp sọ của những đối tượng đã chết hoặc đang hấp hối.

Cuối năm 2007, các thành viên của Phi đội Blue đã bị Cơ quan điều tra tội phạm Hải quân và Bộ Chỉ huy đặc nhiệm liên quân (JSOC) thẩm tra 2 lần.

Cuộc điều tra đầu tiên được tiến hành sau khi có các cáo buộc cho rằng một lính SEAL đã tìm cách cắt đầu một tay súng Taliban tại miền nam Afghanistan sau khi nhận được lệnh của Slabinski.

Không lâu sau đó, nhóm của Slabinski tiếp tục bị cáo buộc giết hại một người đàn ông không mang vũ khí trong quá trình làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, 2 cuộc điều tra đã khép lại với kết luận rằng không có bằng chứng xác thực về việc các thành viên vi phạm tội ác chiến tranh. Nhưng theo lời một số cựu thành viên của SEAL 6, đây thực sự là điều đã xảy ra.

3 năm sau đó (tức năm 2010), Slabinski được xem xét thăng chức. SEAL 6 đã tổ chức 2 buổi điều trần nội bộ để đưa ra quyết định. Gần như ngay lập tức, mũi dùi hướng vào vụ việc cắt đầu chiến binh hồi tháng 12.2007.

Slabinski giải thích với các đồng đội và cấp trên rằng lời nói của ông về việc muốn "có một cái đầu" là chỉ mang tính trừu tượng chứ không phải về mặt ngữ nghĩa.

Thế nhưng, thực tế là Slabinski đã nói ra ý muốn và thuộc cấp của ông ta đã thực hiện việc đó vì cho rằng đó là mệnh lệnh của cấp trên.

10 sĩ quan và chỉ huy cao cấp đã bỏ phiếu không tán thành việc Slabinski quay trở lại SEAL 6.

Cùng lúc, trong phiên điều trần thứ 2, một bằng chứng khác được đưa ra là Slabinski đã hạ lệnh cho các thành viên bắn tất cả những chiến binh mà họ chạm mặt trong một cuộc đột kích, dù có vũ trang hay không.

Đó là lý do Afganistan thường xuyên cáo buộc binh sĩ Mỹ giết hại dân thường, nhưng mọi cuộc điều tra sau đó đều cho kết luận rằng những người bị giết là chiến binh có vũ trang hoặc được xác định là mối đe dọa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại