Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi "bá vương hạt nhân" với Mỹ

Trang Li |

Chỉ trong 40 năm, Liên Xô đã cho thử nghiệm 473 vụ nổ hạt nhân. Ô nhiễm phóng xạ là hậu quả nghiệt ngã mà con người phải đối mặt.

Ngay từ những năm tháng diễn ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 ác liệt, Mỹ đã âm thầm triển khai dự án phát triển vũ khí hủy diệt sử dụng năng lượng cực mạnh từ hạt nhân. 

Trước khi Nhật và Đức lần lượt đầu hàng trong cuộc chiến khiến hàng chục triệu người thiệt mạng, Mỹ đã chế tạo và cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại - quả bom mang mật danh "Trinity" - thuộc Dự án Manhattan tiêu tốn nhiều tỷ USD của nước này.

Thế chiến II kết thúc cũng là thời điểm cuộc chiến không đổ máu mới giữa Mỹ và Liên Xô (Chiến tranh Lạnh) bắt đầu. Trong cuộc đua giữa "kẻ tám lạng, người nửa cân" đó, vũ khí và công nghệ chế tạo ra nó chính là "con át chủ bài" mà cả người Mỹ và người Liên Xô nỗ lực không ngừng để giành thế thượng phong.

Ngày 16/7/1945, với việc nổ thử quả bom nguyên tử "Trinity", người Mỹ tạo nên cái gọi là "bình minh của kỷ nguyên nguyên tử". Thành công ngoài sức tưởng tượng này khiến Liên Xô sốt sắng!

Liên Xô nhanh chóng tìm ra một trong những nguyên liệu để tạo nên thứ vũ khí có sức hủy diệt chưa từng có trong lịch sử loài người khi đó - chính là Uranium. May mắn cho Liên Xô thay, thị trấn Mailuu-Suu ở miền nam Kyrgyzstan chính là "vựa Uranium" khổng lồ (đọc chi tiết, tại đây). 

Từ năm 1946 đến năm 1968, Liên Xô đã khai thác được gần 10.000 tấn quặng Uranium, phục vụ cho cuộc đua vũ khí hủy diệt với người Mỹ. 

Sau khi chế tạo vũ khí hạt nhân trong bí mật, Liên Xô tất yếu cần cho nổ thử nghiệm. Và vùng đất mà nước này lựa chọn cho các cuộc thử nghiệm vũ khí hủy diệt ấy chính là Semipalatinsk Test Site (Bãi thử Semipalatinsk) ở vùng thảo nguyên rộng lớn phía đông bắc Kazakhstan.

Kỳ 13 trong series Những Khu Vực Nguy Hiểm Nhất Hành Tinh chính là nói về Semipalatinsk - bãi thử hạt nhân trọng yếu của Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 1.

Nằm cách thị trấn Semipalatinsk 150km về phía Tây, bãi thử Semipalatinsk, mật danh là "The Polygon - Đa giác", được thành lập vào ngày 21/8/1947 theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. 

Trước những yêu cầu cấp bách từ giới lãnh đạo, Semipalatinsk nhanh chóng được triển khai. Dân cư xung quanh vùng được sơ tán đến nơi ở mới. Giới quân đội nhanh chóng thiết lập một "vùng thử chiến lược" rộng 18.500 km2, phục vụ cho các cuộc thử nghiệm những quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử Liên Xô.

Để việc thử nghiệm tại Semipalatinsk diễn ra suôn sẻ, Liên Xô trang bị một "hàng rào kiên cố" gồm các công trình bê tông cốt thép, tháp pháo và hầm trú ẩn được xây dựng bao quanh. Các thiết bị quân sự, pháo binh, xe tăng, máy bay, xe chuyên dụng và xe bọc thép được thiết lập ở những khoảng cách khác nhau từ tâm bãi thử nghiệm.

Ngày 29/8/1949, 2 năm sau khi bãi thử được thành lập, Liên Xô cho nổ thử quả bom hạt nhân đầu tiên. Sau cuộc thử nghiệm, nhiều khu vực và làng mạc xung quanh bị bụi phóng xạ hạt nhân "tấn công".

Tuy nhiên, đó mới chỉ là mở đầu của một câu chuyện bi kịch dài phía sau. Gói gọn trong 40 năm diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cho thử 473 vụ nổ hạt nhân tại Semipalatinsk, trong đó có 90 vụ nổ trên không trung, 26 vụ nổ trên mặt đất và 354 vụ nổ dưới lòng đất.

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 2.

Bóng "mây nấm tử thần" ám ảnh người dân quanh vùng thử nghiệm Semipalatinsk. Ảnh minh họa: International Conference

Đỉnh điểm của các vụ thử diễn ra vào đầu những năm 1960, thời kỳ chạy đua căng thẳng nhất của Liên Xô và Mỹ, Liên Xô đã liên tục cho thử nghiệm các vụ nổ lớn. Cụ thể, tử năm 1961 đến 1962, 68 vụ nổ hạt nhân đã diễn ra. 

Ngoài các thí nghiệm hạt nhân, Liên Xô còn cho thử 175 vụ nổ hóa chất (44 vụ nổ trong số đó có khối lượng trên 10 tấn hóa chất).

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tổng sức mạnh của tất cả các vụ thử hạt nhân tại Semipalatinsk đã vượt quá 50 megaton (1 megaton = 1 triệu tấn). Hiểu rõ hơn, tổng năng lượng của các vụ nổ tại Semipalatinsk gấp hơn 2.500 lần năng lượng của quả bom "The Little Boy" mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) ngày 6/8/1945.

Hệ quả tất yếu khó tránh khỏi chính là bụi phóng xạ khuếch tán trên một vùng đất rộng 304.000km2, nơi có khoảng 1,7 triệu người dân cư trú, và biến Semipalatinsk trở thành một vùng thảm họa sinh thái chết chóc bậc nhất của Liên Xô.

Khoan nói đến những hậu quả khôn lường về môi sinh và sức khỏe con người từ gần 500 vụ thử hạt nhân của Liên Xô.... 

Lịch sử phải công nhận một thực tế rằng, tuy người Liên Xô đi sau Mỹ trong cuộc đua về vũ khí hủy diệt, nhưng thứ mà Liên Xô làm được về sau khiến chính nước Mỹ bàng hoàng: Ngày 30/10/1961, Liên Xô chế tạo và cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử mạnh nhất từng được thí nghiệm trong lịch sử nhân loại - Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba).

Với sức công phá mạnh tương đương 100 triệu tấn thuốc nổ TNT, bom Sa Hoàng được mệnh danh là "Bom Vua". "Bom Vua" nâng vị thế của Liên Xô trở thành nước "siêu cường hạt nhân".

Phải nói rằng, nếu như Mỹ mở ra cái gọi là "bình minh của kỷ nguyên nguyên tử" thì Liên Xô nhanh chóng vùi dập "ánh bình minh" ấy, nhanh chóng làm tiêu tan luôn giấc mộng "Bá vương hạt nhân" của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vậy, đằng sau ánh hào quang mà Liên Xô tạo dựng được trước người Mỹ và thế giới là gì?

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 3.

Gần 30 năm sau khi bãi thử hạt nhân Semipalatinsk bị đóng cửa (1989) trước sức ép của dư luận, cư dân sống xung quanh khu vực thử vẫn sống dưới "bóng mây nấm tử thần" khổng lồ.

Mặt trái của hào quang mà Liên Xô có được trong suốt 40 năm thử nghiệm các vụ nổ hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đánh đổi bằng tấn bi kịch day dứt đến tận ngày nay. Báo cáo cho hay, một vùng đất rộng lớn có diện tích hơn 18.000km2 bị ô nhiễm nặng nề bới các chất phóng xạ. Chưa hết, hơn 1 triệu người được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe.

Những tác động khủng khiếp của phơi nhiễm phóng xạ khôn lường là thế nhưng chính phủ Liên Xô lại bí mật giấu kín trong hàng chục năm trời.

Bệnh tật, đau đớn và cuộc sống như ở địa ngục của người dân được ghi chép đầy đủ trong các tài liệu mật ngay cả trước khi bãi thử Semipalatinsk chính thức đóng cửa ngày 29/8/1991.

Tài liệu mật về sau cho thấy, khoảng 200.000 người dân đã trở thành "vật thí nghiệm" cho các nhà khoa học trong việc khám phá những tiềm năng và nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Theo đó, người dân được yêu cầu bước ra khỏi nhà khi Semipalatinsk thực hiện các vụ nổ thử nghiệm, để giới khoa học lấy đó làm cơ sở nghiên cứu tác động của bức xạ.

Và, chính họ đã phải trả một cái giá khủng khiếp!

Toàn bộ đất, nước và không khí tại vùng thử bị nhiễm phóng xạ nặng nề. Theo các nhà khoa học, mức độ phóng xạ tại khu vực thử và vùng lân cận cao gâp 10 lần so với bình thường. Các hố nước sinh ra từ các vụ nổ đều trở thành các "hồ chết" bởi không có bất cứ sinh vật nào có thể sống sót tại đó.

Tồi tệ hơn, cứ 20 trẻ em trong khu vực lại có 1 trẻ bị dị dạng nghiêm trọng. Rất nhiều người dân phải đối mặt với các căn bệnh ung thư khác nhau. Hơn một nửa dân số tại vùng đều chết trước 60 tuổi.

Mãi cho đến những năm 1980, các nhà dân quyền tại Kazakhstan tạo áp lực lên giới lãnh đạo nhằm giải thích rõ ràng những vụ nổ có hình đám mây nấm khổng lồ kia là gì và hiểm họa âm thầm mà nó gây ra có tác động khủng khiếp thể nào đến môi sinh và con người thì giới lãnh đạo mới rục rịch thực hiện. 

Thí nghiệm hạt nhân cuối cùng được thực hiện vào năm 1989. Hai năm sau, bãi thử Semipalatinsk chính thức đóng cửa. Nhưng... những đau khổ, bệnh tật, chết chóc của người dân lại không dừng khi Semipalatinsk kết thúc.

Người ta kinh hoàng chứng kiến những sản phụ ở Semey (tên gọi mới của Semipalatinsk) sinh con ra với những dị tật bẩm sinh không thể đau đớn hơn: Có những em bé sinh ra không có tay, có những em sinh ra mặt bị biến dạng hoặc đầu quá lớn so với cơ thể...

29 năm sau khi bãi thử Semipalatinsk dừng hoạt động, môi sinh và sức khỏe của con người nơi đây bị tàn phá nghiêm trọng. Vì phơi nhiễm phóng xạ vẫn còn ẩn sâu trong đất, nước và những thế hệ tương lai của người dân nơi đây, nên Semipalatinsk trở thành "vùng đất chết", đồng thời cũng là một trong những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh.

Chùm ảnh cuối bài

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 5.

Quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô có mật danh "First Lightning", do Yulii Borisovich Khariton chế tạo. Nguồn: Gizmodo

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 6.

Đám mây nấm từ quả bom "First Lightning". Nguồn: Gizmodo

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 7.

Hố nước tạo ra từ các vụ nổ không hề có sinh vật sống. Hố rộng nhất có đường kính 500m, sâu 80m. Nguồn: Gizmodo

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 8.

Con sông Chagan ô nhiễm chất phóng xạ nặng nề. Nguồn: Gizmodo

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 9.

"Không khí bốc lên mùi như tóc cháy...", một người dân trong vùng cho biết. Nguồn: Gizmodo

Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi bá vương hạt nhân với Mỹ - Ảnh 10.

Trẻ em sinh ra bị mắc dị tật bẩm sinh. Nguồn: Gizmodo

Bài viết sử dụng nguồn: Gizmodo, Atlasobscura, Thebulletin

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại