Pantsir-S1 vãi đạn chặn mục tiêu lạ, cần tiếp tế khẩn cấp: Máy bay quân sự Nga tới Syria?

N. Tuấn Sơn |

Một chiếc máy bay thuộc đội bay đặc biệt của Nga đã bay xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ tới các căn cứ ở Syria.

Al-Masdar News dẫn nguồn tin từ Yoruk Isik, thành viên thuộc Nhóm quan sát eo biển Bosphorous (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết chiều qua, một chiếc máy bay vận tải thuộc Đội bay đặc biệt của Nga đã có hành trình xuyên qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ tới căn cứ sân bay Khmeimim - Đầu não của Không quân Nga ở Syria.

Theo Isik, chiếc máy bay vận tải An-148-100E thuộc Đội bay đặc biệt của Nga đã cất cánh từ sân bay quốc tế Vnukovo ở Moscow tới sân bay quốc tế Damascus, Syria thông qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi đáp xuống Damascus, chiếc máy bay vận tải đặc biệt này lại cất cánh bay tới căn cứ sân bay Khmeimim - đầu não của Không quân Nga tại Syria ở Tây Nam tỉnh Latakia.

Pantsir-S1 vãi đạn chặn mục tiêu lạ, cần tiếp tế khẩn cấp: Máy bay quân sự Nga tới Syria? - Ảnh 1.

Máy bay vận tải An-148-100E thuộc Đội bay đặc biệt của Nga

Pantsir-S1 vãi đạn chặn mục tiêu lạ, cần tiếp tế khẩn cấp: Máy bay quân sự Nga tới Syria? - Ảnh 2.

Đường bay của chiếc An-148-100E thể hiện trên trang thông tin hàng không Flight Radar 24.

Dường như chiếc máy bay này chở khá nhiều hàng tới bàn giao cho các lực lượng Nga ở căn cứ Khmeimim. Chuyến bay được thực hiện chỉ vài giờ sau khi phiến quân thánh chiến tiến hành đòn tập kích căn cứ đầu não của Không quân Nga tại Syria bằng máy bay không người lái vũ trang.

Một số nguồn tin cho rằng, sau các trận đánh chặn máy bay không người lái vũ trang của phiến quân Syria, các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga đang thiếu đạn, cần được bổ sung khẩn cấp để tiếp tục duy trì cơ số đạn dự trữ cho các trận đánh tiếp theo.

Tuy nhiên, dường như giả thiết này không thực tế bởi lẽ chiếc An-148-100E thuộc Đội bay đặc biệt của Chính phủ Nga thường được sử dụng để đưa đón các quan chức cấp cao của Quân đội hoặc Lực lượng an ninh Liên bang Nga (FSB) chứ hầu như nó không bao giờ chở hàng hóa.

Đồng thời, các tổ hợp tên lửa phòng không Nga ở Syria (bao gồm cả Pantsir-S1) đều có cơ số đạn dữ trữ rất lớn để sẵn sàng đánh bại bất cứ đòn tập kích ồ ạt nào vào các mục tiêu được giao, do vậy, chỉ vài trận đánh đơn lẻ dù Pantsir-S1 có bắn vãi đạn đi chăng nữa thì vẫn còn thừa đạn cho nhiều trận tiếp theo.

Và nếu cần tiếp tế, có lẽ các chuyến tàu vận tải quân sự đi bằng đường biển sẽ chở được nhiều hơn và rẻ hơn so với lập cầu hàng không.

Hơn nữa, trong tải của dòng An-148 (nói chung) chỉ có 9 tấn, không bõ bèn gì so với nhu cầu hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn đạn của các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 - sát thủ của UAV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại