Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc tiến cung cho hoàng đế, còn Geisha tiêu khiển cho ai?

Nguyễn Hằng |

Xinh đẹp, tài hoa, nhưng "số phận" của một Geisha thực khác lạ so với tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc.

Geisha được biết đến như một loại hình giải trí cao cấp, cung cấp nhiều dịch vụ bao gồm âm nhạc, thơ ca, múa,... Xuất hiện với khuôn mặt trắng sứ đặc trưng, đôi môi đỏ và kiểu tóc trau chuốt là hình ảnh mà mọi người thường thấy ở các "nàng thơ" Geisha ở Nhật Bản.

Sở hữu nét quyến rũ mang đậm vẻ đẹp nữ tính, Geisha trở thành một bí ẩn đối với hầu hết người nước ngoài.

Khác với tứ đại mỹ nhân vốn của Trung Quốc vốn được cho là "nhân vật huyền thoại", Geisha thực sự là những mỹ nhân giữa đời thường. Họ sở hữu vẻ đẹp hiếm có cùng nhiều tài nghệ dù cuộc đời có nhiều biến cố thăng trầm.

Đi tìm “Hồi ức một Geisha”

Cơn mưa nặng hạt lại đến khi tôi xuôi chuyến xe buýt từ Kiyomizu dera đến phố cổ Gion. Mười năm trước, Gion là phố cổ rong rêu màu gỗ liêu xiêu trong ánh nắng tà thì hôm nay, tôi lại chứng kiến một vẻ đẹp khác lạ.

Mưa nhẹ nhàng rơi xuống dòng kênh Shirakawa đang róc rách xuôi dòng qua những ngôi nhà gỗ đen tuyền buông hững hờ mành sáo. Con đường trung tâm Hanamikoji vẫn nhộn nhịp như thuở xưa và chỉ trong phút chốc, nó đã trở thành con đường hoa với những bộ Kimono và chiếc ô đầy màu sắc.

Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc tiến cung cho hoàng đế, còn Geisha tiêu khiển cho ai? - Ảnh 1.

Ảnh: FN

Những con đường nhỏ chông chênh xen lẫn với các dãy nhà cổ vẫn còn đó, nhưng ánh sáng màu vàng từ những chiếc đèn lồng màu đen treo cao cao trước mái hiên nhà đã được thắp lên khiến Gion càng thêm cổ kính trong mưa.

Hình ảnh bóng dù cô tịch xa xa trên con đường hẹp không một dấu chân lướt qua lại tô điểm thêm nét quyến rũ của một Kỳ Viên thuở xưa. “Gion” có nghĩa là “Kỳ Viên”- là chốn dành cho mọi người đến thưởng thức các món ăn ngon nhất đất Thần Kinh, trà đạo tâm giao cùng bằng hữu, nghe Geisha kể những câu chuyện cổ bằng giọng thỏ thẻ oanh vàng,...

Nhắc đến Gion, một trong những quận cổ xưa nhất của Kinh Đô Thị, người Kyoto sẽ nghĩ ngay đến cụm từ “Hanamachi” có nghĩa là “Khu phố hoa” bởi đó là chốn sinh hoạt riêng tư của các “Nghệ giả - con người của nghệ thuật” thường được gọi là “Geisha”.

Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc tiến cung cho hoàng đế, còn Geisha tiêu khiển cho ai? - Ảnh 2.

Người đời thường có nhiều cái nhìn về Geisha. Ảnh minh họa

Dù người đời có nhìn Geisha bằng nhiều ánh mắt khác nhau, nhưng với người Phù Tang, Nghệ giả là biểu tượng văn hóa truyền thống đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật “Karyukai” (Hoa Liễu Giới) mà trong thế giới ấy, chỉ có hoa và liễu làm đẹp cho đời.

Maiko (Geisha tập sự) đẹp nền nã, non tơ đến trong trẻo như một nụ hoa anh đào vừa hé nhụy và Geisha như cây liễu quý phái, thướt tha rủ bóng tiên nga bên hồ như câu nói của người xưa: “Liễu yếu ào tơ”.

Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc tiến cung cho hoàng đế, còn Geisha tiêu khiển cho ai? - Ảnh 3.

Maiko có vẻ đẹp trong trẻo như một nụ hoa anh đào vừa hé nhụy. Ảnh minh họa

Người Kyoto có câu: “Mùa xuân là mùa của các nàng Nghệ giả để gọi chiến binh Samurai thức giấc khi hè sang” với hàm ý rằng nghề Geisha đang dần thất truyền và chỉ khi hoa anh đào bung cánh người đời mới nhìn thấy các nàng Nghệ giả xuất hiện trên phố. Đồng thời hình ảnh Nghệ giả luôn gắn liền với Samurai oai hùng.

Đi nép dưới những mái hiên treo đèn lồng đỏ để tránh mưa, tôi tìm đến Trung tâm Nghệ thuật quận Gion để xem suất diễn cuối cùng của Geisha vào lúc 16 giờ. Giá 10 USD để xem 5 phút diễn, cộng với 6 USD cho một tiệc trà nhỏ và 5 USD cho một bức hình chụp chung với Geisha.

Trước show diễn, tôi được nhấm nháp chén trà thơm xanh màu nước biếc, lang thang trong bảo tàng nhỏ để hiểu hơn về các nàng Nghệ giả - một biểu tượng văn hóa mà chính phủ Nhật Bản hiện đang tìm cách khôi phục lại.

Hình ảnh Nghệ giả đang dần dần mờ nhạt theo thời gian bởi chi phí để được một Nghệ Giả phục vụ quá đắt đỏ, trong khi khách hàng chưa thật sự thấu hiểu tận cùng về “Hoa liễu giới”. Với số tiền bỏ ra khi thuê Nghệ giả phục vụ, khách hàng có thể có được nhiều “cuộc vui thâu đêm tới bến” với hàng tá vũ nữ bốc lửa hừng hực khác.

Chưa kể, cuốn tiểu thuyết Hồi ức một Geisha của tác giả Arthur Golden xuất bản vào năm 1997 đã ảnh hưởng khá nhiều đến hình ảnh Nghệ giả trong mắt phương Tây và người Phù Tang, còn trong Thế chiến thứ hai, một vài kỹ nữ nhận vơ mình là một “Geisha chính hiệu” để “mua vui” cùng các lính Mỹ cũng đã làm xấu đi hình ảnh Geisha chân chính đến ngày nay.

Tiểu thuyết là một câu chuyện dài nằm trong trí tưởng tượng phong phú của người viết, nhưng những dữ liệu mà Arthur Golden khai thác trong cuốn sách cũng có cơ sở khá vững chắc bởi ông dựa vào đặc tính truyền thống của nghề Nghệ giả.

Nghệ giả được hiểu theo nhiều cách khác nhau: có thể là một cô ả đào lả lơi chuốc rượu mua vui trong mắt người Việt, hoặc là ca kỹ hay kỹ nữ mua hương bán phấn sau khi cánh màn nhung khép lại của người Trung Hoa, hay là gái điếm trong suy nghĩ của người Phù Tang; một vũ nữ thân gầy sẵn sàng qua đêm với giá ngất ngưởng trong suy nghĩ của phương Tây, và cũng có thể là dạng “kiều nữ và đại gia” trong xã hội hiện tại.

Câu nói “xướng ca vô loài” của người xưa để lại với ý nghĩa: “Giới ca vũ kỹ không được xếp vào bất cứ tầng lớp nào bởi sự nhơ nhuốc từ tâm hồn đến thể xác của họ” khiến tôi có suy nghĩ khá “bảo thủ và cổ hủ” về Nghệ giả trước khi lang thang đọc tư liệu trong bảo tàng nhỏ.

Và trong buổi chiều mưa nặng hạt ở Trung tâm Nghệ thuật Gion, tôi đã hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống xứ Phù Tang.

Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc tiến cung cho hoàng đế, còn Geisha tiêu khiển cho ai? - Ảnh 5.

Tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa. Ảnh minh họa

Đẹp, tài hoa, Geisha là mỹ nhân giữa đời thường

Vẫn bị ảnh hưởng văn hóa của người Trung Hoa về giới kỹ nữ, nhưng cái hay của người Nhật là đảo lộn khái niệm cũ để cho ra đời một quan điểm mới của riêng mình.

Họ cho rằng “tứ đại mỹ nhân” của người Trung Hoa gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi đạt tám chữ vàng “công, dung, ngôn, hạnh, cầm, kỳ, thi, họa” chỉ là những nhân vật huyền thoại, và chỉ có các nàng Geisha mới là mỹ nhân giữa hiện thực đời thường.

Nếu các mỹ nhân sắc nước hương trời của Trung Hoa được tiến cung để nâng khăn sửa túi cho Hoàng đế, thì các Nghệ giả sẽ phục vụ cho tầng lớp Samurai được xem là chiến binh vĩ đại của đất nước Mặt trời mọc. Các Mạc phủ cho ra đời hình ảnh Nghệ giả gắn liền cùng với Samurai vào thế kỷ 17.

Có nguồn gốc từ thành Edo với tên gọi là Geiko, nhưng khi đến Kyoto nổi tiếng về sự thanh lịch và tinh tế, Geiko được đổi tên thành Geisha. Hình ảnh Geisha được cố đô Kyoto xây dựng hoàn chỉnh đến mức người Phù Tang chẳng còn nhớ nơi chốn ra đời của nó và thống nhất tên gọi chung là Geisha.

Nghệ giả được phép nâng ly để chuốc rượu Sake cho các Samurai say lúy túy như một cô ả đào, được quyền lúng liếng cặp mắt để hữu ý trao tình như một ca kỹ nữ, được lả lơi lời nói đường mật không kém chi một vũ nữ,... nên miệng lưỡi người đời được quyền phán xét họ lẳng lơ, ong bướm đưa tình.

bon

Nhưng họ lại chẳng biết được rằng, Geisha không được phép rời khỏi nơi ăn chốn ở của mình là Okiya và người “mẹ” khó tính là Okami quản thúc thì làm sao có thể đi buôn hương bán phấn bên ngoài.

Theo quan điểm Thần đạo, “Kami” có nghĩa là “Thần linh” và bà mẹ quản gia Okami chính là vị thần giữ cho linh hồn của Geisha luôn trong trắng, không sa ngã trước mãnh lực của đồng tiền.

Tác giả Arthur Golden được quyền nghi ngờ Geisha là một gái điếm cao cấp không hơn không kém bởi để trở thành một Geisha đúng nghĩa, các cô gái xinh đẹp nhà nghèo phải cần đến nhà bảo trợ như một loài cây chùm gửi.

Theo quy định truyền thống của nghề, Nghệ giả chỉ được phép đi gặp nhà bảo trợ để thảo luận chi phí hỗ trợ chứ không được phép gặp bất kỳ khách hàng nào khác. Sự nghi ngờ của tác giả Hồi ức một Geisha là hợp lý bởi sau khi bỏ nghề, các Nghệ giả thường gá nghĩa châu trần với người đã bảo trợ cho mình!

Để trở thành một Geisha thực thụ, những người phụ nữ phải trải qua quá trình đào tạo huấn luyện dài và dành nhiều thời gian khổ luyện. Trên thực tế, để trở thành mỹ nhân giữa đời thường như Geisha thật không hề dễ dàng.

Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách "Bốn mùa trên xứ Phù Tang" của tác Nguyễn Chí Linh. Cuốn sách là tập du ký kể về những trải nghiệm dung dị và chân thực của chính tác giả về một đất nước Nhật Bản vừa gần gũi nhưng cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị, bí ẩn.

"Bốn mùa trên xứ Phù Tang" là cuốn sách do First News thực hiện, NXB Tổng hợp Tp.HCM ấn hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại