Geisha là một nét đẹp văn hóa, nghệ thuật giải trí truyền thống ở Nhật Bản. Được đào tạo bài bản với “công, dung, ngôn, hạnh, cầm, kỳ, thi, họa”, bản thân Nghệ giả cũng không muốn mình trở thành phận gái long đong.
Tuy nhiên, những lời đồn thổi, thêu dệt về Geisha lan truyền rộng rãi cùng quan điểm Á Đông nặng nề khiến cuộc đời của các Geisha thường đơn chiếc khi về già.
Xưa kia, các Samurai thường tìm đến Gion để đối ẩm cùng Geisha. Nghệ giả sẽ ngâm một bài thơ nổi tiếng bằng giọng oanh vàng, thỏ thẻ một điển tích xưa thật hay với nhiều triết lý sâu xa, diễn một điệu múa truyền thống phối hợp tất cả các động tác biểu cảm trên cơ thể.
Không những vậy, họ còn có thể lướt nhẹ đôi tay trên các loại nhạc cụ để tấu nên một khúc nhạc rồi cùng hòa giọng, chơi một ván cờ với những nước đi thông minh, phác họa một tấm thiệp nghệ thuật nhưng cũng đầy tính sáng tạo, hay thêu một bức tranh khéo léo từng đường kim mũi chỉ,...
Samurai là tầng lớp vốn đề cao luân lý - đạo ức - hoàn mỹ nên giá trị nghệ thuật do Geisha mang lại luôn phù hợp với tâm hồn của họ. Nhu cầu giải trí tao nhã giữa Samurai - Geisha là sự lành mạnh về văn hóa, không lẫn chút dung tục nào.
Geisha dường như là "người tình không bao giờ cưới" của Sumurai. Ảnh minh họa
Dường như Nghệ giả là “người tình không bao giờ cưới” đúng nghĩa của các Samurai, nên thơ trong suy nghĩ, đẹp trong giấc mộng, dịu dàng đến lý tưởng ở ngoài đời.
Họ hơn hẳn vợ hoặc thê thiếp của các Samurai bởi tầng lớp này chỉ kết hôn thông qua mai mối với các cô gái cùng đẳng cấp quý tộc với mình nhưng những nữ nhân ấy xuất thân nhà võ nên không thể có được các giá trị tinh thần như Geisha.
Quan điểm về sự khác biệt giữa “người tình” và “người vợ” của cổ nhân khiến tôi thấm thía hơn qua hình ảnh đơn độc của Geisha khi bóng ngả về chiều lúc lang thang qua phòng trưng bày dụng cụ trang điểm mà một Geisha cần có để tạo dựng hình ảnh khi hành nghề.
Geisha và Maiko từng có giai đoạn thịnh vượng
Một vài bút tích của những ký giả đi trước gửi lại cho bảo tàng nhỏ trong Trung tâm Nghệ thuật Gion để những ai ghé thăm hiểu được về Maiko và Geisha từng có giai đoạn thịnh vượng như thế nào trong thế kỷ 18 - 19. Xưa kia, có hơn 80.000 Nghệ giả hoạt động trên xứ Phù Tang thì ngày nay chỉ còn lại khoảng 1.000 người.
Quận Gion ngày nay mang tính giai thoại về Geisha qua những câu chuyện đời hơn là sự đại trà cho du khách tham quan bởi Hanamachi chỉ còn sót lại một vài Okiya và rất nhiều quán ăn cổ kính sang trọng hay những quầy hàng bán quà lưu niệm.
Hình ảnh cặp chủ tớ Geisha - Maiko song hành bên nhau biến mất dần dần rồi tàn lụi theo thời gian đến mức người Kyoto ngày nay có câu nói: “Nếu ai nhìn thấy Maiko hoặc Geisha thong thả bước chân qua phố, người đó sẽ may mắn và thực hiện được tất cả mơ ước trong năm”.
“Nét xưa giữa hồn phố mới” nhiều đến mức lần đầu đặt chân đến xứ Phù Tang, nhiều du khách phương Tây phải nhao nhao đặt câu hỏi trên diễn đàn du lịch quốc tế: “Làm thế nào để phân biệt được đâu là Geisha - Maiko thật?”.
Thuở xưa, các ký giả từng đặt chân đến Kyoto vào thế kỷ 19 đã mắt thấy tai nghe không khí nhộn nhịp, đa sắc ở khu phố hoa Hanamachi vào ngày Omisedashi.
Vũ hội đường phố Dansen lung linh bởi những cánh quạt giấy được đôi tay điêu luyện các Geisha và những Maiko lâu năm xoay đều trong điệu múa truyền thống “so odori” để chúc mừng và chào đón những Maiko non tơ vừa mới xuất hiện. Giữa tháng hai, khi những cơn gió mùa đông đã bớt lạnh lẽo, khu phố hoa Hanamachi sẽ tưng bừng lễ hội đường phố Uchiwa.
Với ý nghĩa “mùa xuân bắt đầu một cuộc sống mới hay khởi đầu một vòng đời mới”, nên lễ hội Uchiwa được đồng diễn bởi các Maiko vừa mới ra lò. Tháng Tư là tháng lễ hội “Hoa anh đào”, và mỗi ngày trong tháng này là một hình ảnh khác biệt, không trùng lặp ý tưởng được các Geisha và Maiko thực hiện.
Trong những ngày tháng đông vui ấy, người đời mới nhìn thấy được “kỹ năng nghệ thuật” tuyệt vời của các Geisha - Maiko sau những tháng ngày khổ luyện.
Các Nghệ giả cùng các Maiko sẽ nhẹ nhàng lướt trên đàn ba dây Shamisen cổ truyền để khải tấu khúc nhạc xuân trần gian, thổi sáo trúc vi vu trầm bổng, nhẹ nhàng gõ bộ chũm chọe (Cymbal) để đâm “kim” xập xình vang lên nhưng không quá chát chúa mà lấn át đi tiếng trống trầm ấm oai hùng Kotsuzumi chào mừng nàng xuân trở lại xứ Phù Tang.
Mọi âm thanh đều hòa quyện một cách nhịp nhàng trong từng bước chân để hình ảnh các Geisha và Maiko trong điệu múa quạt “so odori” trở nên tiêu diêu. Màu sắc của chiếc quạt giấy và bộ Kimono tương phản một cách tinh tế.
Cụ thể, bộ Kimono màu xanh lá tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc của vạn vật trong mùa xuân, còn chiếc quạt giấy màu hồng vừa có nghĩa là mùa xuân nhưng cũng là mùa thương trong tình yêu đôi lứa.
Thời gian chờ đợi rồi cũng đến khi sân khấu trung tâm mở cánh màn nhung đỏ. Tôi mải mê chụp ảnh nên 5 phút diễn của cặp Maiko - Geisha trôi qua nhanh như một cái chớp mắt.
Anh bạn người Hà Lan cao to ngồi bên cạnh chăm chăm nhìn vào chiếc máy ảnh chuyên nghiệp ngơ ngác quay sang hỏi tôi: “Họ đã diễn những điệu múa gì trên sân khấu ấy, phải chăng là một chiếc gương to soi rọi hai nửa cuộc đời của một Geisha?”.
Tôi tiếc ngẩn ngơ và ước gì có thêm một suất tiếp tục diễn ra ngay lúc ấy, chắc sẽ bỏ tiền để mua vé xem lại và nhất định sẽ nhét chiếc camera vào ba lô mà không cần suy nghĩ.
Tôi cố xua đi những hình ảnh còn đọng lại qua buổi diễn “chớp mắt” vừa rồi để tập trung thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon của những miếng đậu phụ trắng nức tiếng Kinh Đô Thị, nhưng vẫn không thể. Tôi quá ấn tượng trước biểu cảm trên khuôn mặt hay từng động tác hình thể của Maiko và Geisha để làm bật lên những nét văn hóa truyền thống.
Một vòng ánh sáng tròn vàng vừa đủ soi rọi bộ đôi diễn viên Geisha - Maiko đang trong tư thế ngồi tựa bên song đào vào lúc nửa đêm để diễn đạt cách thức người Phù Tang xưa chờ đón giao thừa. Nụ hoa anh đào thường bung cánh đầu tiên vào lúc gần nửa đêm và khi nhìn thấy loài hoa mỏng tang ấy, họ biết rằng thời khắc giao thoa giữa năm cũ và mới đang lướt qua nhau.
Người Phù Tang xưa sẽ uống cốc rượu Sake rồi khấn vái những điều mình mong ước vào giờ khắc thiêng liêng ấy. Điệu bộ hờn dỗi qua ánh mắt, khuôn mặt nũng nịu trách móc nàng xuân sao không xuống dạo chơi nhân thế sớm hơn để xua đi mùa đông lạnh lẽo quá dài được hai diễn viên khai thác rất tuyệt vời.
Với hai mâm hoa anh đào trên tay đi cùng đôi chân như biết nhảy múa, hai diễn viên mang lại không khí rộn rã nhưng không kém phần nồng ấm trên nền Năng nhạc chầm chậm dìu dặt.
Phần hai của chương trình dường như tái diễn không khí sôi động của một khu phố hoa Hanamachi xưa với lễ hội đường phố “Miyako odori wa yo iyasha” rộn ràng. Cả Maiko - Geisha như thôi miên ánh mắt khán giả với điệu múa quạt truyền thống “so odori”.
Từ cách thức quỳ xuống hay đứng lên đều diễn tả được một Maiko hay Geisha biết cách mềm mại, cung phụng, chiều chuộng khách hàng của mình như thế nào để các thương gia giàu có hay những chiến binh Samurai oai hùng phải nhớ nhớ quên quên trong giấc điệp.
Bức bình phong trên sân khấu lại vàng óng những tia nắng mặt trời và bên dưới ánh hào quang soi rọi là hình ảnh cặp “hoa - liễu” đang cúi rạp người chào khán giả sau 5 phút diễn ngắn ngủi.
Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách "Bốn mùa trên xứ Phù Tang" của tác Nguyễn Chí Linh. Cuốn sách là tập du ký kể về những trải nghiệm dung dị và chân thực của chính tác giả về một đất nước Nhật Bản vừa gần gũi nhưng cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị, bí ẩn.
"Bốn mùa trên xứ Phù Tang" là cuốn sách do First News thực hiện, NXB Tổng hợp Tp.HCM ấn hành.