Trận đánh bi hùng: Tên lửa Liên Xô truy sát máy bay sừng sỏ của Mỹ, MiG cũng dính đạn

Đại tá Phan Văn Từ (Nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, BQP) |

Không chắc quả đạn đầu tiên đã khiến U-2 tan xác, tiểu đoàn tên lửa S-75 khác được lệnh bắn bồi. Loạt đạn phóng lên truy đuổi chính 3 tiêm kích quân mình, 1 MiG bị hạ đau đớn.

Máy bay do thám sừng sỏ U-2 Mỹ bị bắn hạ

01/05/1960, một chiếc máy bay do thám U-2 chế tạo bởi hãng Lockheed Martin (Mỹ), điều khiển bởi phi công Francis Powers đã ngang nhiên vi phạm không phận của Liên Xô và bị bắn rơi gần thành phố Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg). Đây không phải là lần đầu tiên của máy bay do thám U-2 vi phạm bầu trời của Liên Xô.

Chiếc máy bay do thám sừng sỏ này có trần bay là 20-24 km, lý tưởng cho mục đích gián điệp, khi bay ở độ cao đó nó vượt ra khỏi tầm với của các máy bay chiến đấu và lực lượng phòng không Liên Xô có trong trang bị cho đến thời điểm bấy giờ.

Mặc dù hoạt động ở độ cao lớn, nhưng nhờ được trang bị những khí tài trinh sát tối tân, U-2 có thể chụp ảnh các đối tượng quan tâm với chất lượng rất cao, rõ nét thậm chí nhìn thấy các con số trên máy bay đỗ trên mặt đất.

Nhờ sự vượt trội về kỹ thuật của các máy bay gián điệp U-2 cho phép người Mỹ trong một vài năm không bị trừng phạt khi bay trinh sát qua các vùng quan trọng của Liên Xô do lực lượng phòng không không thể đánh chặn được chúng. Do vậy, ở Mỹ, U-2 được đặt tên là Dragon Lady (Cô nàng rồng).

Phi công tham gia vào các chuyến bay do thám, được ngụy trang như "dân thường" mà không cần bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, còn máy bay gửi đi "làm nhiệm vụ", không có dấu hiệu nhận biết địch ta.

Trận đánh bi hùng: Tên lửa Liên Xô truy sát máy bay sừng sỏ của Mỹ, MiG cũng dính đạn - Ảnh 1.

Nhà thiết kế Kelly Johnson và phi công Gary Powers đứng trước một máy bay do thám U-2.

Dù Liên Xô đã có nhiều cố gắng để đánh chặn máy bay do thám Mỹ trên độ cao lớn bằng máy bay MiG-19 nhưng sự vượt trội về trần bay của U-2 không cho phép MiG bắn hạ những kẻ xâm nhập.

Tình hình đã thay đổi vào ngày 01/05/1960. Sáng sớm ngày lễ này của nhân dân Liên Xô, máy bay do thám U-2 của không quân Mỹ do Francis Powers điều khiển cất cánh từ căn cứ Peshawar (Pakistan) bay qua biên giới Liên Xô với một nhiệm vụ tình báo – do thám, mục đích là chụp ảnh các cơ sở quân sự và công nghiệp và ghi tín hiệu của các trạm radar Liên Xô.

Đường bay đi qua bầu trời Afghanistan và một phần quan trọng của lãnh thổ Liên Xô - biển Aral, các thành phố Sverdlovsk, Kirov và Plesetsk - và kết thúc tại căn cứ không quân ở Na Uy.

Để không làm lộ mình, phi công bị nghiêm cấm duy trì liên lạc vô tuyến với sân bay ở Peshawar và với căn cứ Mỹ tại Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).

Khi Powers vượt qua biên giới Liên Xô vào hồi 5h36 theo giờ Moscow phía đông nam của thị trấn Pandja (từ 1963 - Kirovabad, Tajikistan) và từ thời điểm đó liên tục bị các trạm radar Quân chủng Phòng không (PVO) Liên Xô theo dõi.

Nhưng lần lượt các cố gắng để đánh chặn U-2 đều kết thúc trong thất bại.

Powers đã bay qua Tyuratam (sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan), dọc theo biển Aral, bỏ lại đằng sau Magnitogorsk và Chelyabinsk, gần như sắp đến Sverdlovsk và lực lượng phòng không không thể làm bất cứ điều gì - máy bay không đủ trần bay và trên mặt đất tên lửa phòng không hầu như chưa nơi nào máy bay Mỹ bay qua được bố trí.

Khi Powers tiếp cận Sverdlovsk thì từ sân bay Koltsovo nằm gần đó đã có một máy bay đánh chặn Su-9 cất cánh nhưng trần bay của nó chỉ đến 20 km. Nó thậm chí còn không có vũ khí vì đang trên đường chuyển từ ​​nhà máy đến nơi nhận nhiệm vụ và phi công không được cấp quần áo kháng áp phù hợp.

Do đó, phi công được lệnh tiêu diệt máy bay trinh sát của Mỹ bằng cách đánh cảm tử. Tuy nhiên, do lỗi của dẫn đường mặt đất và trục trặc của radar trên máy bay, việc đánh cảm tử đã không xảy ra.

Sau nỗ lực đánh cảm tử không thành công thì từ sân bay gần Sverdlovsk hai tiêm kích MiG-19 do Đại úy Boris Ayvazyan và thượng úy Sergey Safronov được lệnh cất cánh để đánh chặn.

Đến lúc này, chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ đã bay trong không phận của Liên Xô hơn ba tiếng đồng hồ, đi sâu vào 2,1 ngàn km tính từ biên giới.

Nó đã chụp ảnh thành phố "hạt nhân" bí mật Chelyabinsk. Ở khoảng cách 30 km về phía đông nam của Sverdlovsk, Powers đã thay đổi hướng bay, quay 90 độ. Mục tiêu tiếp theo của anh ta là Plesetsk.

Tại thời điểm này, U-2 đã bay vào vùng tác chiến của một lữ đoàn phòng không được trang bị S-75 (Việt Nam hay gọi là SAM-2) có khả năng tham gia đánh các mục tiêu ở độ cao tới 25 ​​km.

Vào lúc 8h53, quả đạn đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-75 được phóng lên tiếp cận U-2 từ phía sau, dù ngòi nổ vô tuyến hoạt động hơi sớm nhưng vụ nổ với sóng xung kích cực mạnh đã xé toạc đuôi của chiếc máy bay và nó đâm mũi xuống, bắt đầu rơi. Phi công Powers đã nhảy dù.

Trận đánh bi hùng: Tên lửa Liên Xô truy sát máy bay sừng sỏ của Mỹ, MiG cũng dính đạn - Ảnh 2.

Một phần xác chiếc máy bay do thám U-2 do Gary Powers bị tên lửa S-75 Liên Xô bắn hạ được trưng bày tại một bảo tàng ở Moscow, Nga.

Tên lửa phòng không LX truy sát tiêm kích MiG quân nhà

Sau khi chiếc U-2 tan xác trên bầu trời, những người điều khiển tên lửa tưởng rằng những mảnh rơi là những thiết bị làm nhiễu radar do kẻ địch phóng ra. Trong trận chiến cấp bách, không ai có thể hiểu được tên lửa trúng mục tiêu hay nó kích hoạt tự hủy, kẻ xâm nhập đã bị tiêu diệt hay không và có bao nhiêu mục tiêu trong không gian nói chung.

Vì thế, chỉ huy ra lệnh bắn tiếp U-2 và một tiểu đoàn liền kề của hệ thống phòng không S-75 đã phóng mấy loạt tên lửa vào mục tiêu.

Một trong những tên lửa của loạt thứ hai gần như sắp bắn trúng Su-9 của quân mình. Loạt tên lửa đó cũng truy đuổi hai máy bay tiêm kích MiG-19 đang chiến đấu với kẻ vi phạm. Máy bay của Thượng úy Sergey Safronov bị bắn hạ, phi công hy sinh và đồng đội của anh ta nhận thấy tên lửa đang truy đuổi nên đã thoát thân bằng cách đột ngột lao xuống.

Powers rơi xuống gần một làng thuộc dãy núi Ural bị người dân địa phương bắt được. Sau đó phi công được trực thăng đưa đến sân bay gần Sverdlovsk và được đưa đến Moscow.

Trận đánh bi hùng: Tên lửa Liên Xô truy sát máy bay sừng sỏ của Mỹ, MiG cũng dính đạn - Ảnh 3.

Phi công Powers trong bộ đồ bay đặc biệt để lái chiếc U-2 ở độ cao gần rìa khí quyển.

Các mảnh vỡ của U-2 nằm rải rác trên một diện tích rộng lớn, nhưng hầu hết được thu gom - bao gồm phần đầu tương đối nguyên vẹn, bộ phận trung tâm thân máy bay và thiết bị buồng lái, động cơ phản lực và phần đuôi của thân máy bay với cánh lái.

Hầu như trên tất cả các bộ phận và máy móc đều được dán nhãn các công ty Mỹ và thiết bị trinh sát, cơ cấu nổ và vũ khí cá nhân của phi công không thể phủ nhận hoàn toàn chứng cớ về nhiệm vụ quân sự của máy bay. Về sau đó, một triển lãm chiến lợi phẩm đã được tổ chức tại Công viên Văn hóa và Giải trí Gorky, Moscow.

Sau khi phổ biến thông tin về sự tiêu diệt U-2, người Mỹ nghĩ rằng không có bằng chứng nên phủ nhận thực tế là có sự cố ý vi phạm biên giới. Sau đó họ đã tuyên bố rằng phi công bị mất tích. Nhưng phía Liên Xô bác bỏ tuyên bố này, cung cấp bằng chứng dưới dạng các mảnh vỡ của chiếc máy bay và lời khai của phi công.

Chính quyền Hoa Kỳ buộc phải thừa nhận rằng máy bay trinh sát của họ bay trên bầu trời Liên Xô để theo dõi các mục tiêu quân sự (trước đây Washington từ chối điều này).

Kết quả là, hội nghị thượng đỉnh ở Paris (Pháp) được dự kiến ​​sẽ thảo luận về tình hình nước Đức, khả năng kiểm soát vũ khí, cấm thử hạt nhân và nới lỏng căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ bị hủy. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower dự kiến ​​tháng 6 năm 1960 tới Moscow cũng đã bị hủy bỏ.

Các quân nhân ưu tú trong chiến dịch tiêu diệt chiếc máy bay gián điệp đã được trao thưởng. 21 người đã nhận huân chương và huy chương, các huân chương cờ đỏ được trao cho thượng úy Sergei Safronov và chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Số phận bi thảm của viên phi công U-2 bị bắn rơi

Tòa án quân sự thuộc Tòa án Tối cao Liên Xô tháng 8 năm 1960 kết án Powers 10 năm tù, 3 năm đầu tiên bị giam theo điều khoản làm "gián điệp", nhưng phi công người Mỹ chỉ phải chịu có 108 ngày bị giam.

Vào tháng 2 năm 1962 tại Berlin, Powers đã được trao đổi bằng điệp viên tình báo Liên Xô Rudolf Abel (tên thật - William Fisher) - theo thỏa thuận đạt được của chính phủ Liên Xô và Mỹ.

Sau khi trở về Mỹ, phi công đã bị thẩm vấn toàn diện của ủy ban điều tra và kiểm tra trên máy dò nói dối. Ông đã được phục chức hoàn toàn. Vào tháng 10 năm 1962, Powers kết thúc sự nghiệp của mình tại Cơ quan Tình báo Trung ương và đi làm cho Lockheed, nơi ông thực hiện các bài kiểm tra bay U-2.

Trận đánh bi hùng: Tên lửa Liên Xô truy sát máy bay sừng sỏ của Mỹ, MiG cũng dính đạn - Ảnh 4.

Máy bay do thám siêu hiện đại U-2 của Mỹ

Năm 1970, sau khi ông đã viết cuốn sách hồi ký "Chiến dịch Overflight" thì nhận được sự không hài lòng của nhiều người đứng đầu tình báo Mỹ, phi công bị sa thải.

Sau đó ông bắt đầu lái máy bay trực thăng cho một số cơ quan như đài phát thanh và truyền hình ở Los Angeles.

Thật không may, vào tháng 8 năm 1977, Powers đã thiệt mạng khi chiếc trực thăng của ông bị nạn trên đường trở về sau vụ quay phim cứu hỏa ở Santa Barbara.

Năm 2011, Không quân Mỹ đã truy tặng Francis Powers huân chương "Sao bạc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại