Đại biểu Dương Trung Quốc: Để cán bộ không dám tham nhũng, phải có chế tài mạnh

Hoàng Đan |

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, trong công tác phòng, chống tham nhũng cần đi đến nguyên lý phải làm sao để cán bộ không dám, không thể và không muốn tham nhũng.

Lò cháy ngùn ngụt nhưng "mong ngày nào đó, lò phải vào bảo tàng"

Chiều nay (31/5), Quốc hội thảo luận tại tổ để cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phát biểu góp ý, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá Luật Phòng, chống tham nhũng đang đáp ứng yêu cầu rất lớn, có hiệu ứng xã hội, người dân kỳ vọng rất nhiều.

Ông cho rằng trong điều kiện hiện nay, khi cơ quan kiểm tra còn mỏng thì không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Theo ông Quốc, mở rộng đối tượng trong lúc này là không cần thiết, không khả thi.

"Những người không có quyền lực sẽ không bao giờ lấy tài sản của Nhà nước được và người không phải cán bộ Nhà nước muốn lấy tài sản Nhà nước chỉ có thể trộm cắp, việc này đã có Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Còn lợi dụng quyền lực để chiếm của công vì mục đích tư lợi mới là tham nhũng", ông nêu.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Để cán bộ không dám tham nhũng, phải có chế tài mạnh - Ảnh 1.

Ông Dương Trung Quốc. Ảnh: Quốc hội.

Vị đại biểu dân cử tỉnh Đồng Nai chia sẻ, mọi người trong xã hội đang rất hào hứng với hình tượng "lò cháy ngùn ngụt".

"Nhưng chúng ta cũng phải mong muốn ngày nào đó lò phải vào bảo tàng. Bởi lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa", ông Quốc bày tỏ. 

Ông nói thêm, trong công tác phòng chống tham nhũng cần đi đến nguyên lý lâu nay nhiều người vẫn nói, cụ thể, phải làm sao để cán bộ không dám tham nhũng, nghĩa là có chế tài mạnh mẽ.

Không thể tham nhũng nghĩa là có sự quản lý chặt chẽ; không muốn tham nhũng nghĩa là cán bộ có đời sống đảm bảo.

Hai phương án thu thuế 45% chưa đáp ứng yêu cầu

Đề cập đến vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý với tài sản tăng thêm, đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, trong kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình 2 phương án (1 phương án thu thuế 45%, gọi là thuế thu nhập cá nhân với số tài sản chênh lệch. Phương án 2 là xử phạt hành chính 45%).

Theo ông Tùng, phải xử lý rất nghiêm đối với các tài sản do tham nhũng mà có, phải thể hiện quan điểm một cách rõ ràng.

Song, theo ông Tùng không thể xử lý một cách đơn giản để quy tất cả tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được hợp lý, để quy thành tài sản như tài sản tham nhũng hay tài sản do phạm tội mà có, để áp dụng các biện pháp theo kiểu dễ dàng như dự thảo Luật.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Để cán bộ không dám tham nhũng, phải có chế tài mạnh - Ảnh 3.

Ông Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: N.T.

Cách tiếp cận này, theo ông Tùng sẽ hơi dễ cho Nhà nước và chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân - một quyền được Hiến định.

Ông dẫn thêm, truyền thống văn hóa, lịch sử của ông cha ta, tài sản thường để lại cho con cháu. Tài sản đó có thể là rất hợp pháp nhưng vì việc quản lý tài sản của Nhà nước chưa chặt chẽ, nên trong một số trường hợp khó giải trình được một cách hợp lý để tự chứng minh tài sản là hợp pháp.

Ông nhấn mạnh, trong việc xử lý đối với tài sản này phải đáp ứng, giải quyết được một cách hài hòa 2 mối quan hệ.

Một mặt phải xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Mặt khác phải thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với quyền sở hữu tài sản của công dân.

"Hai phương án mà Chính phủ trình theo tôi đều chưa đáp ứng được yêu cầu ấy. Chưa kể, nếu chúng ta tiếp cận theo cách thức này vô tình chung, nếu tài sản đó đúng do tham nhũng hoặc phạm tội mà có chỉ thu được 45%, 55% còn lại sẽ được hợp pháp hóa thông qua hình thức thu thuế.

Rồi thế nào là tài sản không giải trình được một cách hợp lý, cơ quan nào là trọng tài xem xét hợp lý hay không hợp lý…", ông Tùng nêu.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, đề xuất phương án thu thuế này khả thi trong điều kiện nền kinh tế và quản lý tài sản, thu nhập, kiểm soát chi tiêu của toàn xã hội hiện nay không qua ngân hàng.

"Vì sao chọn 45%? Theo tính toán có tham khảo của Bộ Tài chính, mức thuế suất này cũng tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, dao động từ 5% đến 35%) và tiền phạt từ 1 đến 3 lần (được lấy trung bình là 2 lần) số tiền thuế trốn theo quy định", ông Khái giải thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại