Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh

TS Trần Bắc Hải |

Chuyến đi lần này chỉ có 9 ngày, nhưng là cột mốc của hải trình 10 năm của tôi tới Hoàng Sa và Trường Sa, kể từ ngày ca khúc "Vòng Tròn Bất Tử" (2008) ra đời.

Chiếc xuồng máy màu đỏ cam của tàu Kiểm Ngư 290 lướt trên làn nước xanh trong nhìn thấu đáy rạn san hô, cập vào bến Đá Lớn A. Tôi bước lên mạn xuồng chòng chành, nắm lấy tay người lính trẻ da sạm nắng, chào em rồi vội bước lên thềm đá để nhường chỗ cho người khách tiếp theo. 

Trên thềm đá, đáp lại người sĩ quan đang giơ tay chào theo đúng điều lệnh, tôi bất giác ôm chầm lấy anh như thể ôm người thân chờ đón tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất mỗi chuyến về thăm quê. Thấy lòng rung như khẽ nhắc rằng vậy là sau nhiều hò hẹn, cuối cùng tôi cũng tới được điểm gặp sớm nhất của bình minh mỗi ngày ở Việt Nam: quần đảo Trường Sa. 

Chuyến đi lần này chỉ có 9 ngày, nhưng là cột mốc của hải trình 10 năm của tôi tới Hoàng Sa và Trường Sa, kể từ ngày ca khúc "Vòng Tròn Bất Tử" (2008) ra đời, sau khi được nghe kể lại câu chuyện bi tráng của 64 người anh hùng trên đảo chìm Gạc Ma.

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 1.

Hạ xuồng chuẩn bị vào đảo

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 2.

Đảo Đá Lớn đón chào

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 3.

Các chậu nước ngọt để khách rửa tay. Bên trái: nhà nghiên cứu Võ Anh Tuấn

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 4.

Tạm biệt Đá Lớn

Hải trình 10 năm ấy có cả vui và buồn, nhưng tôi nghĩ đó là một hải trình may mắn đã đưa tôi tìm ra những giá trị chẳng mua được bằng tiền bạc, đến được những điểm hẹn đẹp mê hồn của Tổ quốc tôi, gặp được những người bạn mới làm cho mình như như thấy giàu có hơn. 

Những người thông minh, những người can trường và dĩ nhiên là cả những người xinh đẹp nữa. Những con người tên họ khác nhau, nhưng tôi thấy họ dường như đều mang chung căn cước YÊU BIỂN VIỆT NAM.

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 5.

Trung tâm Y tế Trường Sa được xây dựng bằng quỹ đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Từ trái sang: Trần Bắc Hải, Trần Văn Dương, nghệ sỹ Đỗ Thế Ban (Nhà hát Múa rối Hải Phòng), Trần Long Biên

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 6.

Nhà giàn Phúc Nguyên (DK1/15). Bìa trái và bìa phải: Các nghệ sỹ Hồng Phượng và Kim Tiến (Nhà hát Múa rối Hải Phòng) chụp ảnh chung với nhạc sỹ Phan Thanh Bình và tác giả.

Các câu chuyện của hải trình 10 năm ấy, tôi đã kể lại trong khoảng gần 20 ca khúc, và chọn ra được 13 bài để đưa vào album nhạc ‘BIỂN SAY SÓNG" với sự tham gia của nhiều giọng hát được mến mộ như Y Jang Tuyn, Trang Nhung, Dương Quốc Hưng, Uyên Thy, Phúc Lâm… 

Trên tàu KN290 có hẳn một đội văn nghệ với các ca sỹ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, ai cũng muốn đưa những bài hát của mình đến lính đảo Trường Sa. 

Chẳng dám làm phiền, mà thời gian cũng chẳng thể kịp cho họ tập các bài hát mới, việc duy nhất tôi có thể làm là nhờ chú em Dũng nhiệt tình ở Viện 175 in bản nhạc ra giấy đóng thành quyển mỏng đưa lên từng đảo. Hy vọng mong manh có chàng lính nào đọc được bản nhạc. 

Có đôi khi 3 anh em tôi ngồi bên với chỉ một chàng lính đảo, tôi bỗng thấy mình muốn hát. Trên đảo Trường Sa Đông, binh nhất Đinh Văn Chức là một trong những khán giả như vậy, em xin địa chỉ liên lạc để sau này vào đất liền nghe lại bài hát "Quả bàng vuông" mà em thích. Cảm ơn em đã làm ấm lòng tôi.

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 7.

Ca sỹ Cẩm Thơ (Viện 175) và lính đảo Sinh Tồn Đông

Bình minh ở Trường Sa tới sớm, chưa tới 5 giờ sáng là chúng tôi đã lục đục thức dậy leo lên boong tàu chờ mặt trời mọc. Chuyến đi cực kỳ may mắn vì biển lặng, có những lúc tưởng như con tàu đang lướt trên mặt hồ rộng mênh mông. Nhưng tôi hiểu với những người lính biển thì biển chỉ lặng trên bề mặt. 

Trên đường vào đảo đá Len Đao, giữa trưa nắng nóng, tàu KN290 thả neo gần đảo, toàn đoàn lên sàn đỗ trực thăng làm lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma-Len Đao. Những con hạc giấy cùng những nhành hoa cúc trắng và vàng thả trôi bồng bềnh trên nước biển xanh. 

Đặt chân lên đảo đá Len Đao chỉ là 2 tòa nhà nhỏ bé được xây trên nền đảo chìm bằng vật liệu chở từ đất liền ra, tôi nhớ lại câu nói 7 năm trước đây của Đại tá Nguyễn Viết Nhất, thay mặt Trung đoàn Công binh Hải quân 131 trong chiến dịch Góp đá xây Trường Sa do báo Tuổi Trẻ phát động: "Nén chặt trong mỗi viên đá này là tình cảm của hàng triệu người dân trên mọi miền Tổ quốc dành cho các chiến sỹ Trường Sa". 

Càng thấm thía rằng ở nơi đây, người lính đảo của chúng ta đang thay mặt cho cả nước, lấy chính thân mình làm những cột mốc chủ quyền kiên cường.

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 9.

Bình minh trên biển Trường Sa

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 10.

Nhà giàn Phúc Nguyên (DK1/15)

Nhiều đảo của chúng ta ngoài Trường Sa được phủ bằng tàn lá của những cây bàng, bàng vuông và phong ba. Ngoài giờ trực chiến, lính đảo có chỗ ăn chỗ ngủ và học tập, giải trí đàng hoàng. Không còn phải quá vất vả gian lao như thế hệ lính đảo đầu tiên.  

Hầu như đến mỗi đảo đá hay nhà giàn, 3 anh em chúng tôi đều tìm đến thăm vườn rau của lính đảo. Mùng tơi, rau muống, rau dền… xanh ngắt, thân quen như trên quê nhà. Trên tầng cao của nhà giàn Phúc Nguyên (DK1/15) được xây mới rất hiện đại bên cạnh nhà giàn cũ, chúng tôi bất chợt gặp một giàn mướp và mướp đắng. 

Ai trong các bạn, dù là người thành phố, chả ít nhất có một vài lần nhìn thấy hoa mướp và mướp đắng, thấy chúng chỉ là những nhành hoa vàng giản dị. Đó là trên đất liền, nhưng ra đến đây, trên nền biển xanh, nắng gắt và gió thì luôn ào ạt, bạn sẽ thẫn thờ nhận thấy một vẻ đẹp vừa mong manh, vừa kiêu sa của những nhành hoa mướp. 

Ấm nước nụ vối được lính nhà giàn đem ra mời khách thấy thơm ngon khác thường. Khách ngẩn ngơ, lang thang mãi rồi cũng đến phút chia tay. 

Tàu KN290 nhổ neo rồi lướt đi hơi vòng qua nhà giàn, tôi nhìn thấy từ xa những cánh tay vẫy, những dáng người chạy theo hành lang về hướng tàu đi. Đứng cạnh tôi trên boong tàu là một cô gái đang lách người lên và hỏi mượn một chiếc mũ, để "vẫy lên cho các anh ấy nhìn thấy cho rõ".  

Gần đó có cặp thuyền câu, những người ngư dân cũng khua tay vẫy mãi. Chúng tôi hú lên, mặc dù không chắc lắm rằng ở khoảng cách xa như thế, họ có nghe thấy tiếng chúng tôi trong tiếng máy tàu hay không. Nhưng tôi muốn tin là giữa biển khơi, người ta có thể nghe thấy nhau không chỉ bằng tai, bằng mắt, mà bằng cả trái tim hướng về nhau.

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 12.

Một góc vườn rau trên Đảo Phan Vinh

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 13.

Hoa mướp và tàu KN290

Hải trình 10 năm tới Trường Sa: Hoa vàng trên biển xanh - Ảnh 14.

Cây bàng vuông được lính đảo ươm từ hạt để gửi tặng đất liền

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại