Hai người đàn ông thực hiện công việc có ý nghĩa này là anh Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Trung tâm Ảnh Thông tấn xã Việt Nam và Vũ Ngọc Vượng, nghệ nhân ẩm thực danh tiếng của thủ đô.
Là nghệ sĩ nhiếp ảnh lâu năm, Nguyễn Hồng Kỳ đã vài lần ra Trường Sa. Anh đã chụp hàng vạn kiểu ảnh Trường Sa từ mọi góc độ, đủ làm sách và mấy cuộc triển lãm ảnh trong nam ngoài bắc.
Nghệ nhân Ngọc Vượng trên đường ra Trường Sa
Cái thú nghề nghiệp của nhà báo như vậy đã được thoả mãn, nhưng cứ mỗi lần từ Trường Sa trở về, lòng anh lại thêm trĩu nặng: Có một món nợ vô hình nào đó mà anh mắc với Trường Sa.
Một lần ngồi ăn sáng với Vũ Ngọc Vượng, ông chủ chuỗi cửa hàng phở Ngọc Vượng danh tiếng, nghệ nhân ẩm thực được giải của UNESCO, nhà báo hào hứng kể về Trường Sa. Vượng thoáng buồn: "Tư nhân như em thì chắc chả bao giờ được đi Trường Sa!"
Nghệ nhân Ngọc Vượng chế biến món phở
Một ý nghĩ loé lên trong đầu nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ, phải rồi, mình sẽ đem phở Hà Nội đến Trường Sa. Anh lắc tay Vượng: "Chú ra Trường Sa nấu phở nhé?". Vượng mừng rỡ: "Có thật không anh?". Anh hồi hộp: "Không rõ, nhưng để anh hỏi xem thế nào!"
Nhà báo gọi điện thoại cho Phó Chính uỷ Quân chủng Hải quân. Đầu dây đằng kia cười khà khà: "Được, được! Nhưng ông phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Lính của tôi ăn bị làm sao thì tôi sẽ cho ông biết tay"!
Và thế là hai anh em hăm hở bắt tay vào thực hiện ý tưởng có phần điên rồ: Mang phở Hà Nội ra Trường Sa. Đó là chuyện từ tháng 5/2013. Họ bắt tay vào lên quy trình cấp đông bảo quản và rã đông nguyên liệu làm phở.
Năm đó, nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ và nghệ nhân Ngọc Vượng đã theo đoàn công tác số 12 của Hải quân mang 1000 suất phở Hà Nội tới lính đảo ở Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa lớn.
Và năm nay lần thứ hai, cặp đôi này lại đi Trường Sa với định suất tăng lên gấp đôi.
Hành trình ra Trường Sa lần này kéo dài đến 10 ngày. Nghệ nhân Ngọc Vượng phải chuẩn bị nước cốt phở sẵn từ ở nhà, sau đó cấp đông nước cốt phở, bánh phở, cùng thịt bò (cả tái và chín) đưa lên tàu.
Nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ làm phở trên đảo Đá Lát
Lần này, họ đi tàu HQ996, con tàu vận tải có thâm niên lâu nhất của Hải quân Việt Nam, nên tàu không có hệ thống hầm lạnh chứa thực phẩm.
Họ phải mua mấy cái tủ đông, cho nước cốt, thịt, bánh phở bỏ vào đó và khiêng toàn bộ chúng lên tàu, cột thật chặt vào tàu để nhỡ có dông bão gì, thì chúng cũng không bị rơi xuống biển và những thứ bên trong không bị ảnh hưởng.
Sau hơn hai ngày lênh đênh trên biển, tàu đến đảo Đá Lát. Mặc dù đây đã là chuyến đi thứ hai của họ, nhưng có thể thấy rõ sự hồi hộp của cả hai người đàn ông.
Chế biến phở ở Trường Sa
Họ dậy từ sớm lo rã đông các nguyên liệu, sau đó cùng các chiến sĩ Hải quân chất các thứ lên chuyến xuồng đầu tiên.
Vào đảo, trong khi mọi người gặp gỡ lính đảo, hàn huyên, chụp ảnh, hát hò, tặng quà thì hai người nổi lửa, chế biến nước cốt thành nước dùng, thái thịt, thái hành, rửa rau thơm, chần bánh... Mồ hôi túa ra đầm đìa. Nhưng mắt họ thì lấp lánh.
Khi mọi công đoạn nấu phở đã xong, Ngọc Vượng làm cho mình một bát nhỏ. Vượng ăn trước, như một thủ tục kiểm tra chất lượng. Nhà báo Hồng Kỳ nhìn Vượng ăn, kéo chiếc khăn rằn quàng trên cổ lau mồ hôi trán rồi hỏi: "OK chứ?". Vượng gật đầu.
Nghệ nhân Ngọc Vượng ăn một bát nhỏ để kiểm tra chất lượng
Đầu thế là xuôi.
6 lần sau, mỗi lần lại có vài diễn biến khác nho nhỏ. Lúc thì trời giông rất to, sóng lớn ào lên tưởng chừng như không thể xuống xuồng và xuồng không thể cập đảo.
Nhưng ít phút sau thì biển cũng lặng, hai người đàn ông đội mưa lên xuồng vào đảo. Có những đảo chỉ một số ít khách trên tàu được vào, tất nhiên họ vẫn là ưu tiên số 1.
Có những ngày trong hành trình, đoàn lên hai đảo. Họ lại phải chuẩn bị kỹ hơn, lo phân chia sức để kham cả hai đảo. Những ngày ấy, vất vả với họ tăng gấp đôi.
Ở Đá Lát, Trường Sa lớn, Đá Tây, Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang, Tốc Tan A, nhà giàn DK1/2 phở được các cán bộ, chiến sĩ hải quân cũng như những cư dân khác đón nhận nồng nhiệt.
Nhiều cậu lính trẻ lần đầu tiên biết đến vị phở Hà Nội và không ngờ nó lại ngon đến như thế.
Giữa trùng khơi, cách đất liền của tổ quốc vài trăm hải lý, họ được xuýt xoa với phở nóng hổi, ớt cay cháy lưỡi và cắn ngon lành những miếng gầu, miếng nạm được chế biến cực khéo.
Một chàng lính ăn xong rụt rè hỏi: "Cháu muốn ăn thêm một bát có được không?".
Nguyễn Hồng Kỳ trào nước mắt khi một cậu lính khác cảm ơn hai anh bằng lời nói thế này: "Mẹ cháu cũng nấu phở, phở mẹ cháu không ngon bằng phở của các chú, nhưng ăn phở này, cháu nhớ tới mẹ cháu"!
Nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ biết anh đang trả được món nợ của mình với Trường Sa.
Gần 2000 suất phở đã được nấu trong 10 ngày lênh đênh trên biển, tất cả đều ngon và hợp vệ sinh, không một ai bị đau bụng. Đó là niềm vui tự trị của hai người đàn ông mang phở Hà Nội ra Trường Sa.
Hạnh phúc đó ít ai có được.