Phó Chủ tịch MISA: Taxi truyền thống giờ mới đi làm ứng dụng gọi xe thì quá muộn rồi

Nguyên Đức |

Nhận thức chậm trong đổi mới công nghệ, nên khi đối thủ nước ngoài nhảy vào, doanh nghiệp nội dễ mất khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn như trên thị trường taxi, khi Uber, Grab nhảy vào chiếm lĩnh thị phần, các hãng trong nước mới lục đục đi làm ứng dụng gọi xe thì đã quá muộn.

Trao đổi tại hội thảo "Cơ hội và Thách thức của các Doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng CMCN 4.0" do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội phối hợp với FSI, MISA… tổ chức ngày 11/4, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT MISA nhận định đến thời điểm hiện nay cuộc CMCN 4.0 đang len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi lĩnh vực kinh tế.

Theo ông Hoàng, có 6 công nghệ chính trong cuộc CMCN 4.0 đó là trí tuệ nhân tạo và robot; Internet vạn vật (IoT); mạng xã hội, di động, Cloud, BigData; thực tại ảo; Blockchain; in 3D.

CMCN 4.0 đang tác động đến mọi ngành nghề như công nghệ, truyền thông, tài chính, bán lẻ, viễn thông, giáo dục, du lịch…, rồi tới khai khoáng, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe…

Ông Nguyễn Xuân Hoàng đưa ra ví dụ với ngành bán lẻ khi Amazon hiện đã mở cửa hàng “No Checkout”, tức là dùng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để nhận dạng khách vào cửa hàng chọn mua mặt hàng gì, khi ra khỏi cửa hàng công nghệ AI sẽ tự động tính tiền và trừ từ tài khoản.

Loại cửa hàng này sẽ làm thay đổi ngành bán lẻ, không còn cảnh đứng xếp hàng dài, rất mất thời gian chờ thanh toán.

Hoặc trong lĩnh vực dệt may, sự phát triển của robot và AI có thể thay thế con người. Robot hoạt động trong các nhà máy không có đèn, không nghỉ, thậm chí chi phí thấp hơn so với trả lương cho con người về lâu dài…

Trong khi đó tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng nhiều doanh nghiệp trong nước chưa hiểu được thế nào là 4.0, vẫn lơ mơ với 4.0, chưa thấy doanh nghiệp của mình (như du lịch, khai thác khoáng sản…) có sự liên quan đến cuộc cách mạng này như thế nào.

"Chính từ việc nhận thức chậm đã dẫn đến câu chuyện khi trên thị trường xuất hiện các đối thủ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao thì doanh nghiệp nội bị lúng túng, mất khả năng cạnh tranh, mất thị trường", ông Hoàng nói.

Vị Phó Chủ tịch MISA đưa ra ví dụ như câu chuyện của taxi truyền thống Mai Linh, Vinasun… với Uber, Grab. Khi ứng dụng gọi xe Uber, Grab nhảy vào Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh miếng bánh thị phần lớn vốn lâu nay taxi truyền thống ung dung sở hữu.

"Mãi sau đó các hãng taxi trong nước mới lục đục đi làm ứng dụng thì đã quá muộn rồi", ông Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh.

Cuộc CMCN 4.0 sẽ đào thải các doanh nghiệp chậm thay đổi. Áp lực này sẽ buộc các ngành truyền thống phải thay đổi, phải trở nên thông minh hơn, tạo ra các mô hình kinh doanh mới hiệu quả hơn nếu không muốn trở thành doanh nghiệp bị hủy diệt.

Nên nhớ hãng Kodak lừng lẫy một thời hiện cũng đã bị đào thải, trong khi đó tên tuổi khác như Fujifilm đã bứt lên phát triển mạnh nhờ thích ứng nhanh với thời cuộc.

Do đó, vị Phó Chủ tịch MISA cũng khuyến cáo lãnh đạo các doanh nghiệp cần đi nhiều hơn để học hỏi kiến thức, có nhiều trải nghiệm thực tế hơn.

Ví dụ nếu như taxi truyền thống như Mai Linh sang Mỹ, thấy Uber phát triển rầm rộ thì phải thấy ngay được nguy cơ đe dọa thế nào nếu Uber vào Việt Nam, khi về nước phải sớm có sự chuyển đổi.

"Nói đơn giản là với từng ngành nghề của mình thì các doanh nghiệp hãy đi xem nước ngoài họ phát triển như thế nào rồi học hỏi, tham khảo tìm hướng phát triển mới chứ đừng cho rằng một câu chuyện đang diễn ra ở nước ngoài là xa xôi, không có tác động đến thị trường tại Việt Nam", ông Hoàng nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại