Thổ Nhĩ Kỳ "đại chiến" người Kurd, chiến lược mới của Mỹ ở Syria đi vào ngõ cụt?

Thùy Lâm |

Theo Washington Post, cuộc tấn công của Ankara nhằm vào người Kurd ở Syria đã làm lộ những hạn chế trong chính sách Syria mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sự khó xử của Washington

Cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Afrin của người Kurd trên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã được phát động ít ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công bố chiến lược mới.

Theo đó, Mỹ sẽ hiện diện quân sự không giới hạn tại các khu vực người Kurd ở đông bắc Syria.

Các quan chức Mỹ khẳng định, chiến lược này nhằm mục đích ngăn chặn quân khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quay trở lại các khu vực mà chúng bị đánh bại trước đó.

Tuy nhiên, ông Tillerson đã đưa ra một số mục tiêu khác trong chính sách mới, bao gồm đẩy lùi ảnh hưởng của Iran, đánh bại al-Qaeda, và đảm bảo giải quyết xung đột Syria thông qua việc thay thế Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad.

Có thể thấy, trọng tâm của Washington trong việc hỗ trợ quân sự cho người Kurd ở Syria với mục đích tiêu diệt IS luôn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn.

"Điều này cho thấy Mỹ đang gặp khó khăn khi thực hiện chiến lược quân sự, đặc biệt khi Washington phải duy trì mối quan hệ với với hai lực lượng đối địch lẫn nhau ", ông Noah Bonsey, một nhà phân tích Syria đến từ Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế cho biết.

"Vấn đề này chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có câu trả lời dễ dàng".

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết hoàn thành "Chiến dịch Cành Ô-liu". Nguồn: TRT World

Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tiến hành cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ chống lại lực lượng nổi dậy đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng hiện liên minh với các nhóm vũ trang người Kurd được Mỹ hậu thuẫn và đang kiểm soát lãnh thổ dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria.

Cả Washington và Ankara đều liệt PKK vào danh sách khủng bố của các nước này.

Trong khi đó, quân đội Mỹ từng khẳng định rõ ràng rằng, họ sẽ không hỗ trợ người Kurd ở Afrin nữa vì Washington không coi họ là đồng minh ngang bằng với người Kurd ở vùng phía đông - lực lượng đã được huấn luyện và vũ trang để chiến đấu với IS.

Theo các quan chức Mỹ, lực lượng người Kurd ở Afrin không tham gia vào cuộc chiến chống IS và không nhận được sự giúp đỡ từ Mỹ.

Tuy nhiên, với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dọa sẽ mở rộng cuộc tấn công tới những khu vực xa hơn về phía đông, nơi lính Mỹ đồn trú, một cuộc xung đột lớn hơn có nguy cơ bùng phát.

Hai đồng minh bất đồng

Hôm 27/1, ông Erdogan đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu binh lính Mỹ phải rút khỏi Manbij, khu vực nằm dưới sự kiểm soát của liên minh do người Kurd dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn kể từ khi bị IS chiếm giữ vào năm 2016.

Manbij giáp với vùng phía bắc Syria vốn do các lực lượng nổi dậy khác ở Syria và được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát. Lính Mỹ đã và đang tuần tra khu vực này gần 1 năm qua nhằm ngăn chặn lực lượng đồng minh thù địch của họ tấn công lẫn nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ đại chiến người Kurd, chiến lược mới của Mỹ ở Syria đi vào ngõ cụt? - Ảnh 2.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin. Ảnh: Sputnik/Hikmet Durgun

Bà Gonul Tol, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington, cho biết cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Manbij sẽ khiến Mỹ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Bà nói: "Nếu chính quyền Tổng thống Trump có ý định duy trì hiện diện quân sự ở phía bắc Syria, họ sẽ cần người Kurd. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một đồng minh NATO. Vì thế, họ [Washington] có thể sẽ buộc phải chọn một bên".

Trong khi đó, những phe tham chiến khác ở Syria hầu không quan tâm tới sự hiện diện lâu dài của lính Mỹ hoặc sự tồn tại của khu vực tự trị người Kurd. Theo các quan chức Mỹ, Nga đã "bật đèn xanh" cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang diễn ra tại vùng lãnh thổ nằm dưới tầm ảnh hưởng của Nga.

"Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết thỏa thuận cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực này", một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ với báo giới hồi tuần trước tại Washington.

Theo quan chức giấu tên này, phía Nga đã chấp thuận chiến dịch của Ankara.

Trong khi đó, ông Faysal Itani, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng vấn đề thực sự nằm ở việc số lượng binh lính Mỹ hiện diện ở Syria thực sự rất nhỏ và hầu như không có đủ tầm ảnh hưởng trong khu vực. Hiện tại, Mỹ duy trì 2.000 binh lính trên một khu vực rộng tương đương tiểu bang Indiana.

Thổ Nhĩ Kỳ đại chiến người Kurd, chiến lược mới của Mỹ ở Syria đi vào ngõ cụt? - Ảnh 3.

Lực lượng người Kurd trao đổi thông tin với lính Mỹ tại Syria. Ảnh: Reuters

Giới phân tích nhận định, Syria và Iran không hài lòng khi Mỹ có kế hoạch duy trì quân sự ở Syria, và chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ dường như chỉ khiến Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Syria xích lại gần nhau hơn.

"Việc Mỹ liên kết với người Kurd không hề giúp giải tỏa căng thẳng khu vực mà trái lại, nó chỉ giúp các lực lượng cùng thù ghét người Kurd đoàn kết lại với nhau. Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ vào Afrin đã cho thấy Mỹ có ít đồng minh như thế nào tại Syria".

Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi giận sau khi Mỹ tuyên bố sẽ huấn luyện một lực lượng gồm 30.000 lính tuần tra vùng tự trị của người Kurd, sát biên giới với Syria. Trong khi đó, các quan chức Mỹ khẳng định lực lượng này chỉ có sứ mệnh duy nhất là chống lại sự tái xuất của IS từ Iraq và các khu vực khác của Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại