Damen chào bán tàu hộ vệ tên lửa Sigma với Hải quân Việt Nam tại Vietship 2018: Thay đổi?

Bình Nguyên |

Tại Triển lãm Vietship 2018 đang diễn ra ở Hà Nội, Tập đoàn Damen (Hà Lan) một lần nữa đem mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma tới giới thiệu và dường như đã có những thay đổi.

Sigma vẫn đứng trước cơ hội lớn ở Việt Nam?

Cách đây vài năm, dường như tàu hộ vệ tên lửa Sigma đã có cơ hội rất lớn để được đứng trong biên chế của Hải quân Việt Nam. Tập đoàn Damen đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là tổng thầu cung cấp những chiến hạm hiện đại.

Về phía Việt Nam cũng đã có những sự chuẩn bị nhất định để triển khai đóng mới lớp tàu hộ vệ tên lửa Sigma-9814 theo chuyển giao công nghệ của Damen ở trong nước với chủ công là Tổng công ty Sông Thu và Công ty TNHH MTV 189, những cánh chim đầu đàn về lĩnh vực đóng tàu quân sự của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Trong đó, Tổng công ty Sông Thu với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế đã sẵn sàng cho việc thi công chiếc tàu Sigma "Made in Vietnam" đầu tiên. Sông Thu đã có quá trình hợp tác lâu dài với Damen, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình đóng mới những con tàu hiện đại để xuất khẩu và cung cấp cho Cảnh sát biển, Kiểm Ngư Việt Nam,...

Tuy nhiên, vì một số lý do chủ quan và khách quan nên tới nay dự án đóng tàu hộ vệ tên lửa Sigma cho Hải quân Việt Nam đã bị tạm dừng.

Mặc dù vậy, Damen vẫn chưa bao giờ ngừng nuôi hy vọng sẽ bán được tàu Sigma cho Việt Nam và tại Triển lãm Vietship 2018 đang diễn ra ở Hà Nội, một lần nữa mô hình lớp tàu hộ vệ tên lửa tàng hình này lại được đem tới giới thiệu.

Damen chào bán tàu hộ vệ tên lửa Sigma với Hải quân Việt Nam tại Vietship 2018: Thay đổi? - Ảnh 1.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma (trên) và tàu Kiểm ngư (thiết kế DN-2000) được Damen đem tới giới thiệu tại Triển lãm Vietship 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Nguyên.

Nhưng đã có sự thay đổi

Đây vẫn là mẫu tàu hộ vệ tên lửa Sigma-9814 đặc chế riêng cho Hải quân Việt Nam với chiều dài toàn bộ 97,91m với lượng choán nước 2.097 tấn. Đặc biệt, phiên bản Sigma này lần đầu tiên đã được đưa vào Catalogue giới thiệu của Damen mang tới Triển lãm Vietship 2018 lần này. Một phiên bản lớn hơn là Sigma-10514 cũng xuất hiện trong tài liệu giới thiệu.

Damen chào bán tàu hộ vệ tên lửa Sigma với Hải quân Việt Nam tại Vietship 2018: Thay đổi? - Ảnh 2.

Gian hàng của Tập đoàn Damen tại Triển lãm Vietship 2018. Ảnh Bình Nguyên.

Về vũ khí diệt hạm, Sigma-9814 sẽ được trang bị 8 ống phóng tên lửa MM40 Exocet Block 3 tầm bắn 180 km. Đây là phiên bản mới, tiên tiến nhất, có tầm bắn xa nhất trong các dòng tên lửa Ecoxet.

Tàu còn được trang bị pháo hạm bắn siêu nhanh OTO Melara Super Rapid cỡ 76 mm của hãng OTO Melara (Italia) cùng 2 pháo bắn nhanh Oto Melara MARLIN-WS 30mm nhằm tăng xác suất đánh chặn tên lửa đối hạm, máy bay, các loại tàu mặt nước, nhất là các tàu tiến công cao tốc cỡ nhỏ của đối phương.

Về phòng không, tàu được trang bị tổ hợp tên lửa phóng thẳng đứng VL-Mica-M tiên tiến nhất, kèm theo đạn tên lửa Mica sử dụng đầu dò chủ động, có tầm bắn 20 km, độ cao lên tới 11km. Tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới này đã thực hiện thành công 14 lần bắn thử nghiệm, diệt gọn mục tiêu là máy bay không người lái bay ở độ cao siêu thấp trên mặt biển từ cự ly 12 km.

Ngoài ra, Sigma-9814 có thể được trang bị bệ phóng B515 để bắn các loại ngư lôi diệt hạm hiện đại EuroTorp 3A 244S Mode II/MU 90.

Trái tim của Sigma 9814 nằm ở hệ thống chỉ huy trung tâm TACTICOS do hãng Thales (Pháp) phát triển.

Damen chào bán tàu hộ vệ tên lửa Sigma với Hải quân Việt Nam tại Vietship 2018: Thay đổi? - Ảnh 3.

Thông số kích thước và chiều dài của các tàu hộ vệ tên lửa Sigma-9814 và Sigma-10514 (ô khoanh đỏ). Ảnh: Bình Nguyên.

Hệ thống có thể đồng bộ tín hiệu, chỉ huy hỏa lực toàn tàu, từ radar nhìn vòng SMART-S Mk2 (tầm trinh sát 250 km, theo dõi được 500 mục tiêu cùng lúc) cho tới các hệ thống tên lửa diệt hạm, phòng không, ngư lôi, các loại pháo cũng như mồi bẫy và gây nhiễu điện tử.

Đây là những vũ khí tiên tiến nhất của phương Tây mà đối tác cung cấp chính là Pháp và Italia, phía Hà Lan (đại diện là Damen) chỉ là tổng thầu, có trách nhiệm tích hợp và lắp đặt chúng lên các tàu Sigma.

Thay đổi lớn nhất chính là mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma-9814 đã không còn chiếm vị trí riêng và trang trọng như tại Vietship 2016, năm nay mô hình con tàu này được xếp chung với 2 mẫu tàu khác và ở vị trí khá cao khiến người xem phải ngước nhìn nhưng cũng không quan sát hết được toàn bộ cấu hình của nó.

Damen chào bán tàu hộ vệ tên lửa Sigma với Hải quân Việt Nam tại Vietship 2018: Thay đổi? - Ảnh 4.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma-9814 được sắp xếp riêng ở vị trí đẹp nhất trong gian hàng của Damen tại Triển lãm Vietship 2016.

Dường như tàu hộ vệ tên lửa Sigma đã bị xếp ở vị trí ưu tiên ít hơn so với trước bởi cơ hội của nó ở Việt Nam đã giảm đi ít nhiều bởi những lý do khách quan và chủ quan. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi dù chưa đi đến đích cùng Hải quân Việt Nam, nhưng họ tàu Sigma vẫn đang được hải quân nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và đặt đóng với số lượng lớn.

Trên hết, các mẫu tàu quân sự và dân sự khác của Damen liên tục được đặt hàng mà các công ty Việt Nam (Sông Thu, 189, Sông Cấm,...) được chỉ định thi công để xuất khẩu ra nước ngoài đã và đang đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn đồng thời vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm cho những bước tiến dài hơn.

Biết đâu, đến một ngày nào đó Sigma hay thậm chí là những chiến hạm lớn và hiện đại hơn "Made in Vietnam" chính thức ra lò từ những cơ sở đóng tàu hàng đầu Việt Nam này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại