TCT Sông Thu đóng mới 2 tàu DN-4000: Tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất của CSBVN

Bình Nguyên |

Tại Triển lãm Vietship 2018 đang diễn ra ở Hà Nội, tài liệu của Tổng công ty Sông Thu giới thiệu mẫu tàu tuần tra DN-4000 rất hiện đại đóng cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Nhu cầu về những tàu tuần tra cỡ lớn

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, với vai trò là một trong những lực lượng chấp pháp đặc biệt quan trọng trên biển, gần đây Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được ưu tiên đầu tư đóng mới nhiều lớp tàu tuần tra đa năng và tàu tìm kiếm cứu nạn hiện đại.

Trong đó, ngành công nghiệp đóng tàu quân sự nước ta đã vươn lên mạnh mẽ, đóng được nhiều tàu tuần tra hiện đại cung cấp cho các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư,... Tiêu biểu trong số đó là các đơn vị như Tổng công ty Sông Thu, Tổng công ty Ba Son, Công ty TNHH MTV 189, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà,...

Những phương tiện hiện đại này đã góp phần đặc biệt quan trọng để các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tuần tra, giám sát trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời cùng sát cánh với ngư dân trên biển để giúp đỡ, tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết, giúp bà con yên tâm bám biển dài ngày.

Ngoài những tàu "Made in Vietnam", gần đây Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã tiếp nhận một số tàu, xuồng tuần tra hiện đại do Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản giúp đỡ.

Nhưng trên hết, bằng nội lực và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của mình, các nhà máy đóng tàu Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ đóng tàu tuần tra, tàu chuyên dụng cỡ lớn, hiện đại để sẵn sàng tăng tốc khi có yêu cầu.

TCT Sông Thu đóng mới 2 tàu DN-4000: Tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất của CSBVN - Ảnh 1.

Thiết kế tàu tuần tra DN-4000 của CSBVN tại gian hàng của Tập đoàn Damen tại Vietship 2018. Ảnh: Bình Nguyên.

Sông Thu đóng 2 tàu DN-4000

Mặc dù đã có những tàu tuần tra đa năng cỡ lớn, hiện đại như thiết kế DN-2000 hay tàu tuần tra lớp Hamilton mà ta vừa tiếp nhận từ Mỹ gần đây (mang số hiệu CSB 8020) nhưng như thế là chưa đủ, Cảnh sát biển Việt Nam vẫn cần có những con tàu lớn và hiện đại hơn, có thể đi biển dài ngày, hoạt động trong điều kiện biển động.

Chính vì thế, dự án đóng tàu DN-4000 đã được triển khai trên cơ sở sự giúp đỡ của Tập đoàn Damen (Hà Lan), đơn vị thiết kế tàu DN-2000 để đóng loạt 8 tàu trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam (4 chiếc) cho Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (4 chiếc) trước đó.

Theo tài liệu giới thiệu tại Triển lãm Vietship 2018 đang diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Tổng công ty Sông Thu cho biết sẽ đóng mới 2 tàu tuần tra đa năng DN-4000 hiện đại để trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam.

TCT Sông Thu đóng mới 2 tàu DN-4000: Tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất của CSBVN - Ảnh 2.

Tài liệu giới thiệu của Tổng công ty Sông Thu tại Vietship 2018 cho thấy đơn vị này đóng 2 tàu tuần tra DN-4000 của CSBVN. Ảnh: Bình Nguyên.

Cụ thể, tàu DN-4000 có các thông số kỹ - chiến thuật cơ bản như sau: Chiều dài lớn nhất 122,90m; Chiều rộng lớn nhất 16m; Chiều cao mạn 7,4m; Mớn nước tối đa 4,1m; Công suất 14.360kw; Tốc độ tối đa 23,2 hải lý/h; Đơn vị sử dụng: Cảnh sát biển Việt Nam; Số lượng: 2 chiếc.

Ước tính lượng choán nước tiêu chuẩn của các tàu thuộc thiết kế DN-4000 sẽ có lượng choán nước trên dưới 4.000 tấn và như vậy, một khi được đưa vào trang bị chúng sẽ là những con tàu lớn và hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam.

TCT Sông Thu đóng mới 2 tàu DN-4000: Tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất của CSBVN - Ảnh 3.

Tàu tuần tra DN-4000 xuất hiện tại Hội nghị Tổng kết công tác Cảnh sát biển năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.

TCT Sông Thu đóng mới 2 tàu DN-4000: Tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất của CSBVN - Ảnh 4.

Mô hình tàu tuần tra DN 4000 của Cảnh sát biển Việt Nam xuất hiện trong một phóng sự của VTV1.

Trước đó, vào đầu năm 2015, tàu tuần tra đa năng DN-4000 đã lần đầu tiên xuất hiện trong Hội nghị Tổng kết công tác Cảnh sát biển năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Cảnh sát biển Việt Nam và lần thứ 2 DN-4000 xuất hiện trên phóng sự của VTV1.

Theo thiết kế, các tàu DN-4000 có sàn đáp và nhà chứa đủ diện tích, không gian để phục vụ cho các loại máy bay trực thăng hạng trung hoạt động. Trong tài liệu thiết kế có thể thấy mẫu trực thăng Ka-27 do Nga chế tạo hoàn toàn có thể cất, hạ cánh làm nhiệm vụ một cách dễ dàng.

Về vũ khí, các tàu DN-4000 có thể được trang bị các loại pháo hạng nhẹ, vừa đủ để phòng thủ và làm nhiệm vụ tuần tra trên biển.

Mặc dù chưa có thông tin về tiến độ triển khai 2 chiếc tàu tuần tra đa năng DN-4000 ở Tổng công ty Sông Thu, nhưng có thể thấy kế hoạch đã được phê duyệt.

Hy vọng, trong tương lai không xa, chúng ta có thể thấy những con tàu lớn và hiện đại này đứng trong biên chế của Cảnh sát biển Việt Nam, góp sức vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực thi pháp luật trên biển cũng như bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho bà con ngư dân yên tâm bám biển lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại