Trận tập kích tên lửa trên mặt biển sương mù: 6 giây cuối cùng của khu trục hạm Sheffield

Đại tá Nguyễn Thụy Anh |

Cột khói đen nghịt cuồn cuộn bốc lên từ giữa thân chiếc khu trục hạm 4.000 tấn, phủ kín dần lá cờ hoàng gia Anh thủng lỗ chỗ trên cột tàu đang từ từ chìm xuống biển sâu.

Đã 35 năm trôi qua từ khi kết thúc cuộc đọ sức khốc liệt giữa hải quân Anh với quân đội Argentina ở quần đảo Manvinat, trận chiến hải quân – không quân lớn nhất giữa các lực lượng quân sự hiện đại sau Thế chiến 2.

Hạm đội Anh với 2 tàu sân bay và hàng chục chiến hạm lớn đã giành chiến thắng nhưng cũng đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề với 7 tàu chiến bị đánh đắm và nhiều chiếc khác bị hư hại…

Nổi bật trong cuộc xung đột đó, trận tấn công hiệu quả bằng tên lửa đối hạm Exocet của không quân Áchentina đánh chìm khu trục hạm Sheffield 4.000 tấn hiện đại bậc nhất của Hải quân Anh đã đánh dấu bước nhảy vọt mới của loại tên lửa đối hạm – kẻ thù đáng sợ nhất với uy lực khủng khiếp đối với mọi loại tàu chiến trên đại dương.

Chỉ một tên lửa hạ gục một chiến hạm hàng ngàn tấn! Sự kiện này đã được giới quân sự thế giới bình luận: "Nếu trước đó, người Argentina kịp nhận đủ 14 máy bay Super Etendard và 14 quả tên lửa Ecoxet thì người Anh đã bại trận rồi. Không quân Argentina đã chiến đấu rất tốt và chúng tôi cảm thấy sự ngưỡng mộ tuyệt vời về những gì họ đã làm".

Trận tập kích tên lửa trên mặt biển sương mù: 6 giây cuối cùng của khu trục hạm Sheffield - Ảnh 1.

Máy bay Super Etendard mà Argentina mua của Pháp.

Nơi quần đảo đầy bão tố

Bầu trời quần đảo Manvinat phủ đầy những đám mây âm u và sương mù vẫn đang loang rộng trên mặt biển mênh mông. Người lính thuỷ trực canh trên boong tàu phía sau kéo cao cổ áo và liếc nhìn đồng hồ: chỉ còn dăm phút nữa là kết thúc phiên trực của mình – phiên trực đầy căng thẳng trong sương mù và gió lạnh ẩm ướt ngày 4/5/1982.

Đã gần 1 tháng nay, tàu của anh ta – khu trục hạm Sheffield 4.000 tấn hiện đại, niềm tự hào của Hải quân hoàng gia Anh với thuỷ thủ đoàn 268 người được lệnh tới vùng biển cực nam Đại Tây Dương quanh quần đảo Falkland mà người Argentina vừa chiếm hồi đầu tháng 4 và gọi là Malvinas.

Một vùng biển lạnh lẽo, đầy mưa bão và gần như quanh năm sương mù. Ngay bây giờ đã sang tháng 5 mà thời tiết cũng chẳng khá hơn là bao… Vừa nghĩ, người lính thuỷ vừa nâng ống nhòm lên để quan sát lần cuối trước khi bàn giao phiên trực cho đồng đội chắc là đang trên đường tới thay ca.

Nhưng anh ta chợt giật mình: hơi chếch về hướng tây - hướng mà máy bay Argentina từ đất liền thường bay ra để tập kích hạm đội Anh, bỗng xuất hiện một mũi tên trắng lấp lánh ngay sát mặt biển mờ sương và đang lao vun vút về phía tàu. Người lính thuỷ vội giật giọng báo cáo về đài chỉ huy:

Mục tiêu trên không, hướng tây nam, cự ly 2.000m!

Trên khoang chỉ huy, các sĩ quan trực đều như bị điện giật. Các nhân viên rađa vội nhìn kỹ lại màn hiện sóng nhưng vô ích vì suốt cả phiên trực cho tới lúc đó không hề có tín hiệu máy bay địch xuất hiện.

Các máy bay Harrier từ 2 tàu sân bay Hermes và Invincible của Hải quân Anh vẫn thường xuyên túc trực và đánh chặn, làm chủ bầu trời quanh quần đảo này từ khi xảy ra chiến sự. Vả lại, bay biển trong sương mù ở cự ly xa 500 km, đối phương chỉ còn vài phút tác chiến thì khó mà ném bom chính xác rồi kịp quay về đất liền…

Cơn ác mộng trên mặt biển sương mù

Hạm đội Anh không ngờ là trước đó 2 máy bay chiến đấu Super Etandard (Pháp sản xuất) của Argentina mang 2 tên lửa đối hạm Exocet cất cánh từ đất liền đã bí mật tiến sát tới quần đảo ở độ cao 50 – 60m trên mặt biển.

Tới cự ly hoạt động của tên lửa, họ nâng độ cao lên 150m rồi mở rađa sục sạo và chỉ sau 30 giây đã nhanh chóng phát hiện thấy mục tiêu lớn trên mặt biển.

Cả 2 phi công Argentina nhập ngay số liệu về tọa độ mục tiêu vào hệ thống vũ khí của mình, quay trở lại mức bay thấp và sau đó lập tức phóng 2 tên lửa ở cự ly 48 km và 46 km rồi cho máy bay đổi hướng, quay về đất liền.

Trận tập kích tên lửa trên mặt biển sương mù: 6 giây cuối cùng của khu trục hạm Sheffield - Ảnh 2.

Trận tập kích tên lửa trên mặt biển sương mù: 6 giây cuối cùng của khu trục hạm Sheffield - Ảnh 3.

Khu trục hạm Sheffield sau khi bị trúng đạn tên lửa.

Toàn bộ hệ thống radar cảnh giới trên các tàu chiến Anh đều không phát hiện được máy bay Argentina bay ở độ cao cực thấp trên mặt biển và cả vụ phóng tên lửa này.

Tên lửa Exocet do Pháp chế tạo từ thập niên 1970 với nhiều kiểu trang bị cho QĐ Pháp và xuất khẩu ra nước ngoài. Lúc đó, đây là loại tên lửa đối hạm thế hệ 3 mới nhất có độ chính xác cao mà đầu năm 1982 Argentina vừa mua được lô đầu tiên 6 quả của Pháp cùng với loại máy bay chiến đấu Super Etandard trước khi xảy ra cuộc xung đột với Anh.

Tính năng chính của tên lửa đối hạm Exocet là: nặng 700 kg, dài 5,2m, đầu đạn 165 kg, tốc độ 0,9M (khoảng 300 m/s), độ cao bay 5-10 m trên mặt biển, tầm bắn 50-70 km, phương pháp điều khiển quán tính và radar chủ động ở giai đoạn cuối. Các loại biến thể Exocet sau này có tầm bắn xa hơn (tới 180 km) và độ chính xác cao hơn.

Sau khi phóng, tên lửa bay sát mặt biển ở độ cao chỉ dưới 10m với tốc độ nhanh gần bằng tốc độ âm thanh, do đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho đối phương trong việc phát hiện và đối phó.

Từ khi nổ ra xung đột, máy bay Anh trang bị tối tân hơn nên đã giành được ưu thế trên không, bắn rơi 53 máy bay đối phương và thực hiện hơn 1.600 phi vụ chiến đấu gây thiệt hại nặng cho các tàu chiến và quân Argentina đang chiếm giữ đảo.

Trận tập kích tên lửa trên mặt biển sương mù: 6 giây cuối cùng của khu trục hạm Sheffield - Ảnh 4.

Máy bay Super Etendard mang tên lửa Exocet mà Argentina mua của Pháp.

Vì vậy, mối đe dọa từ trên không đối với các tàu chiến Anh đã giảm xuống mức tối thiểu và làm cho họ có phần lơi là cảnh giác.

Tận dụng cơ hội này, các phi công Argentina đã thực hiện chiến thuật tốp nhỏ, bay ở độ cao cực thấp trong sương mù để bất ngờ tập kích đối phương và họ đã tính toán chính xác, tất nhiên là cả sự ưu việt của loại tên lửa Exocet với số lượng ít ỏi có trong tay.

Mạng lưới rađa phòng không của hạm đội Anh đã không đối phó được với chiến thuật bay thấp tưởng như không có gì mới của không quân Argentina mà trước đó các phi công Israel đã vận dụng thành công nhiều lần trên sa mạc trong cuộc chiến với người Ai Cập.

Trận tập kích tên lửa trên mặt biển sương mù: 6 giây cuối cùng của khu trục hạm Sheffield - Ảnh 5.

Khi người lính thủy trực canh phát hiện được tên lửa bằng ống nhòm, lúc bấy giờ viên hạm trưỏng mới vội ấn nút phát lệnh báo động khẩn cấp và hạ lệnh cho tất cả các phương tiện phòng không trên tàu đánh trả.

Mệnh lệnh đó được các sĩ quan trực nhắc lại ngay cho các bộ phận, mọi việc diễn ra theo đúng điều lệnh của hải quân Hoàng gia và như những lần diễn tập trước đây mà tàu đã từng tham gia…Nhưng tất cả đều đã quá muộn. Đó là khoảng tồn tại ngắn ngủi cuối cùng của khu trục hạm Sheffield.

Chỉ 6 giây sau, quả tên lửa với dòng chữ rõ nét trên thân MADE IN FRANCE (Chế tạo tại Pháp) như một tia chớp đã đâm thẳng vào mạn tàu. Sau tiếng nổ dữ dội, con tàu đồ sộ hàng ngàn tấn rung lên với ngọn lửa đỏ rực trong khoang hầm soi rõ những mảnh vỡ rơi lả tả xuống mặt biển mù sương.

Cột khói đen nghịt cuồn cuộn bốc lên từ giữa thân chiếc khu trục hạm 4.000 tấn, phủ kín dần lá cờ hoàng gia Anh thủng lỗ chỗ trên cột tàu đang từ từ chìm xuống biển sâu…

Trận hải chiến Malvinas (Falkland).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại