Sức mạnh Nga hồi sinh, cán cân Trung Đông đổ dồn về Kremlin sau chuyến thăm của ông Putin

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Việc Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria chỉ là một phần trong số nhiều thành tích của ông Putin sau chuyến thăm Trung Đông vừa qua.

Lần đầu tiên ông Putin tới Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành chuyến thăm Trung Đông gồm 3 nước Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ từ 11-13/12/2017.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Nga tuyên bố Syria đã được giải phóng hoàn toàn khỏi tố chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các cuộc đàm phán hòa bình đang được nối lại tại Geneva, và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này.

Trong chuyến thăm Trung Đông của mình, ngày 11/12/2017 Tổng thống Putin đã bất ngờ đến thăm căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại Syria.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến Syria. Tại đây, với sự có mặt của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, ông Putin đã tuyên bố tổ chức IS đã bị đánh bại, Syria đã được giải phóng, quân đội Syria hoàn toàn có khả năng giữ gìn được an ninh đất nước, Nga đã hoàn thành sứ mệnh giúp Syria trong cuộc chiến chống khủng bố và sẽ rút quân khỏi Syria.

Ông Putin gặp ông Assad tại căn cứ quân sự Syria. Nguồn: AP

Khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Syria vào ngày 30/9/2015, nhiều người cho rằng Syria sẽ trở thành một "Afghanistan thứ 2" và Moskva sẽ sa lầy tại đây.

Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Rút kinh nghiệm ở Afghanistan, Nga chỉ dùng không quân yểm trợ cho quân đội Syria tấn công trên bộ nên hạn chế được thiệt hại về người.

Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, trong hơn hai năm chiến đấu tại Syria, chỉ có 39 binh sỹ Nga hy sinh. Chi phí cho chiến dịch quân sự này đến nay ước tính chỉ ở mức 1,5 - 2,5 tỷ USD trong tổng ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga là 69 tỷ USD.

Các thỏa thuận chiến lược

Tại Ai Cập, những vấn đề quan trọng nhất được đưa ra thảo luận giữa Tổng thống V. Putin và Tổng thống A.F. Al-Sisi là an ninh của Ai Cập và khu vực, hợp tác kinh tế, thương mại và du lịch.

Đặc biệt, trong chuyến thăm này Ai Cập và Nga đã ký thỏa thuận về việc Nga sẽ giúp Ai cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân Dabaa trị giá 21 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2028 - 2029. Ai Cập cũng cho phép Nga sử dụng không phận của mình cho các bước hoạt động quân sự tại khu vực.

Trong chuyến công du Trung Đông lần này, ông Putin đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc gặp lần thứ tám giữa Tổng thống V. Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan trong năm nay.

Sức mạnh Nga hồi sinh, cán cân Trung Đông đổ dồn về Kremlin sau chuyến thăm của ông Putin - Ảnh 2.

Ông Putin gặp mặt Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Ảnh: AP

Tại Ankara, Jerusalem là vấn đề trọng tâm được nêu ra trong các cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống sau khi ông Trump tuyên bố quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô vĩnh viễn của Israel. Các biện pháp tăng cường hợp tác năng lượng, kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng đã được đưa ra bàn thảo.

Nga cũng đã ký thỏa thuận giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu công suất 4.800 megawatt trị giá 20 tỷ USD và Nga cam kết cung cấp hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, hai Tổng thống đã khẳng định tầm quan trọng của kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ngày 22/11/2017 tại Sochi và Hội nghị đối thoại dân tộc Syria dự kiến sẽ được triệu tập vào đầu năm tới.

Thông điệp thực sự của chuyến thăm

Kết quả chuyến thăm Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Nga Putin đã gửi đi nhiều thông điệp.

Một số ý kiến cho rằng chuyến thăm Trung Đông của ông Putin là nhằm quảng bá hình ảnh của ông và tranh thủ lá phiếu của cử tri Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới. Tôi cho rằng vấn đề không phải hoàn toàn như vậy.

Mục đích chính của chuyến thăm này là để khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của Nga tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng như vai trò không thể thiếu được của Nga trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh và ổn định khu vực.

Chuyến thăm của ông Putin tới 3 nước Trung Đông. Nguồn: RT

Chuyến thăm cũng làm thay đổi một phần rất quan trọng, nếu không muốn nói là toàn bộ cán cân quyền lực vốn không có lợi cho Nga từ sau khi Liên Xô tan rã.

Trong chuyến thăm Trung Đông lần này, việc ông Putin phê phán quyết định về Jerusalem của ông Trump đã tranh thủ được cảm tình của người Ả Rập. Nhiều người Ả Rập coi Nga là trụ cột của hoà bình.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tình hình khu vực sẽ phát triển thuận lợi theo ý muốn của Nga. 

Những thách thức mới

Tổ chức IS về cơ bản đã bị đánh bại tại Syria và Iraq. Tàn quân của chúng hiện nay đang tháo chạy và co cụm tại các khu vực do Mỹ kiểm soát tại Idlib, Tanef và một số vùng giáp biên giới Iraq trong khi một bộ phận lớn khác di chuyển sang bán đảo Sinai của Ai Cập.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang duy trì 2.000 quân tại khu vực. Nhiều nguồn tin cho rằng quân Mỹ đang áp đặt vùng cấm bay trong vòng bán kính 40 km để nâng đỡ các lực lượng IS tại đây, sử dụng chúng để gây áp lực với chính quyền Damascus.

Quân đội Mỹ tại Syria. Nguồn: Youtube

Không loại trừ khả năng sắp tới có sự đụng độ giữa các lực lượng Iran và Hezbollah với quân đội Mỹ. Sự có mặt của Mỹ tại Idlib và Tanef không được sự đồng ý của chính phủ Syria, trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về vấn đề Syria.

Khu vực sắp tới sẽ phải đối phó với những thách thức mới không kém phần phức tạp. Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây tuyên bố năm 2018, Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria nhằm can thiệp trực tiếp vào quốc gia này, đồng thời đưa thêm quân đến khu vực Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Bắc Phi.

Quyết định rút quân khỏi Syria đã được Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Liên bang Nga và Tổng tư lệnh Putin tính toán hết sức kỹ lưỡng sau khi biết chắc chắn quân đội Syria hoàn toàn có khả năng giữ vững được các thành quả đã đạt được trên chiến trường và các lực lượng khủng bố không thể quay lại được nữa.

Sức mạnh Nga hồi sinh, cán cân Trung Đông đổ dồn về Kremlin sau chuyến thăm của ông Putin - Ảnh 5.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một cuộc rút quân mang tính chất chiến thuật bao gồm các đơn vị quân cảnh, phần lớn các lực lượng chiến đấu vẫn được duy trì tại căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus.

Giành được thắng lợi trên chiến trường, bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng nối lại đàm phán giữa các tổ chức đối lập với chính phủ Damascus nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria.

Lần đầu tiên phe đối lập Syria kêu gọi Nga giúp đỡ xây dựng một nền hoà bình lâu dài tại Syria, cứu vãn vòng hòa đàm tại Geneva và thuyết phục chính phủ Syria thương lượng trực tiếp với phe đối lập.

Bà Basma Kodami, thành viên ban lãnh đạo phái đoàn đối lập Syria ngày 12/12 vừa qua tuyên bố việc Tổng thống Assad phải ra đi không còn là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán nữa.

Việc Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria đang mở ra một không gian mới, một cơ hội mới để giải quyết hoà bình vấn đề Syria, chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 7 năm tàn phá đất nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại