Phớt lờ "củ cà rốt" của phương Tây, Nga ủng hộ ông Assad tái tranh cử, tái thiết Syria

Tất Đạt |

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính chi phí tái thiết Syria sẽ không dưới 200 tỉ USD, một khoản quá lớn mà các nước đồng minh khó có thể độc lập hỗ trợ cho Syria.

Theo đặc phái viên cấp cao của Nga tại Syria, Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoàn toàn có quyền hợp pháp để tái tranh cử. Nga cũng phản đối phương Tây khi ra điều kiện buộc ông Assad phải ra đi nếu Syria nhận được các gói hỗ trợ tái thiết đất nước.

Ông Alexander Lavrentiev, người phụ trách giải quyết tiến trình hòa bình Syria của điện Kremlin cho biết: "Tôi không hiểu tại sao ông ấy không được tranh cử cho một nhiệm kì nữa. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ông ấy."

Hôm thứ Hai (11/12) vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố hoàn toàn chiến thắng khủng bố trên chiến trường Syria và bắt đầu cho quân đội rút lui khỏi khu vực, trở về quê hương.

Chiến dịch kéo dài 2 năm của Nga đã giúp hỗ trợ ông Assad trụ vững chức Tổng thống, đánh dấu một thành tích vẻ vang của quân đội Nga và khẳng định tầm ảnh hưởng của điện Kremlin, đối trọng với Washington tại Trung Đông.

Trong nhiều năm qua, Mỹ, các nước châu Âu và đồng minh khối Ả Rập đã yêu cầu ông Assad phải từ chức. Hiện tại, những nước này cũng áp dụng chiến lược "củ cà rốt" qua việc tài trợ tái thiết đất nước trong nỗ lực cuối cùng nhằm áp lực Tổng thống Syria đương nhiệm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính chi phí tái thiết Syria sẽ không dưới 200 tỉ USD, và không đồng minh nào của Syria, kể cả Nga hay Iran, có thể tài trợ một khoản khổng lồ như vậy.

Ông Lavrentiev nhận xét: "Có thể thấy các nước phương Tây chỉ hỗ trợ tài chính khi họ thấy các  phe đối lập lên nắm quyền hoặc khi các mục đích của họ được thực hiện."

Ông Putin gặp ông Assad tại căn cứ quân sự Syria. Nguồn: AP

"Nhưng Syria không cần phải phụ thuộc vào Mỹ, Pháp hay Anh. Nga, Iran, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác cũng có thể hỗ trợ Damascus. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Syria sẽ đóng góp rất lớn cho công cuộc tái thiết đất nước," ông kết luận.

Nga đã lên kế hoạch tổ chức đàm phán với chính phủ Syria và các nhóm đối lập tại Sochi vào đầu năm sau để đi đến thỏa thuận khung để giải quyết vấn đề chính trị, bao gồm một bản hiến pháp mới sẽ được thông qua tại cuộc hội đàm do LHQ chủ trì tại Geneva.

Theo như kế hoạch được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra hồi năm 2015, Syria sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu Tổng thống dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế trong vòng 12 tháng kể từ khi thành lập chính phủ lâm thời.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đều đã phủ nhận kết quả bầu cử trước đó vào năm 2014, khi ông Assad chiến thắng nhiệm kì 7 năm tới với 89% phiếu thuận. Cuộc chiến kéo dài 6,5 năm tại Syria đã làm 400.000 người thiệt mạng và buộc hàng triệu người khác phải đi tị nạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại