Thứ vũ khí cũ kĩ nhưng có thể đánh bại khí tài tiên tiến của Nga-Trung

QS |

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, dù cũ kĩ nhưng những con tàu này của Mỹ vẫn có khả năng đánh bại các vũ khí tiên tiến của Nga, Trung.

Lớp tàu ngầm hạt nhân "đông nhất thế giới"

Các tàu ngầm lớp Los Angeles, hay còn có tên gọi lớp 688, được thiết kế từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

Los Angeles (SSN-688), chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này, được đặt ky năm 1976.

Các tàu ngầm lớp Los Angeles được sản xuất với tiến độ thời Chiến tranh Lạnh, trung bình 3-5 tàu một năm, cao hơn hẳn so với tiến độ thời bình hiện nay (2 tàu ngầm lớp Virginia một năm).

Hải quân Mỹ duy trì tốc độ sản xuất này cho tới năm 1992. Tổng cộng có đến 62 chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles được chế tạo, đưa nó trở thành lớp tàu ngầm được chế tạo nhiều nhất trên thế giới.

Trong hơn 20 năm tàu ngầm lớp Los Angeles được chế tạo, các hệ thống của chúng – bao gồm hệ thống đẩy, mũi tàu, hệ thống sonar kéo dây và thậm chí vật liệu chế tạo thân tàu – đều được nâng cấp để cập nhật công nghệ mới nhất.

Thứ vũ khí cũ kĩ nhưng có thể đánh bại khí tài tiên tiến của Nga-Trung - Ảnh 1.

Buồng lái tàu ngầm Los Angeles.

Với chiều dài 110m và lượng giãn nước khi lặn là 6.927 tấn, tàu ngầm lớp Los Angeles được thiết kế dài hơn 20% và có lượng giãn nước lớn hơn 50% so với các tàu ngầm tiền nhiệm – lớp Sturgeon.

Chúng cũng được cho là có tốc độ nhanh hơn nhiều: trong khi tàu ngầm lớp Sturgeon có thể đạt tốc độ 26 hải lý/h khi lặn thì tàu ngầm lớp Angeles có thể đạt tốc độ 37 hải lý/h.

Các tàu ngầm lớp Los Angeles được đóng từ thép HY-80, có khả năng lặn sâu 290m. Một số nguồn tin cho biết, trong trường hợp khẩn cấp, chúng có thể lặn tới độ sâu tối đa 450m.

Tàu ngầm lớp Los Angeles có thiết kế thân tàu hình giọt nước. Thiết kế này lần đầu tiên được giới thiệu trên tàu ngầm lớp Skipjack.

Để đáp ứng nhiệm vụ tấn công nhanh dưới nước, tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị bộ định vị thủy âm (sonar) khẩu độ rộng BQQ-5D/E.

Đây là hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số được thiết kế dạng hình cầu bố trí ở trước mũi tàu ngầm cùng một mảng gắn ở thân tàu. Hệ thống có khả năng hoạt động ở cả hai chế độ chủ động và thụ động.

Tàu ngầm lớp Los Angeles còn được trang bị hệ thống định vị thủy âm cao tần BQS-15 để tìm kiếm các mục tiêu ở những khu vực bị đóng băng cũng như định tầm sonar.

Hệ thống ghi âm WLR-9 dùng để phát hiện các hoạt động tìm kiếm mục tiêu bằng sonar, cũng như hoạt động của ngư lôi dẫn hướng âm thanh của đối phương.

Lớp tàu ngầm này còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử toàn diện WLR-8V cùng hệ thống mồi bẫy điện tử WLR-10.

Bên cạnh đó còn có hệ thống phát hiện mìn và tránh va chạm MIDAS. Hệ thống này được hỗ trợ bởi hệ thống trinh sát mìn tầm gần NMRS.

Để tìm kiếm các mục tiêu trên mặt nước, tàu ngầm Los Angeles được trang bị radar BPS-15. Radar được kết hợp với một bộ vi xử lý video cùng màn hình cảm ứng giúp việc kiểm soát mục tiêu dễ dàng hơn.

Các tàu ngầm Los Angeles nâng cấp sau này được trang bị hệ thống định vị thủy âm tiên tiến AN/BQQ-10 (V4).

Trái tim của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles là hệ thống kiểm soát chiến đấu AN/BYG-1 do tập đoàn Raytheon sản xuất. Thêm vào đó, tàu còn được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh hai chiều phục vụ các hoạt động chiến thuật cũng như nạp dữ liệu mục tiêu cho tên lửa Tomahawk.

Vũ khí trên tàu bao gồm 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, có thể triển khai ngư lôi Mk48, tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống tàu Harpoon và thủy lôi CAPTOR.

Trong số 62 tàu ngầm được chế tạo, có 23 chiếc đóng trong giai đoạn sau được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng mỗi tàu để triển khai tên lửa Tomahawk. Thiết kế này sau đó được tiếp tục áp dụng trên tàu ngầm lớp Virginia.

Thứ vũ khí cũ kĩ nhưng có thể đánh bại khí tài tiên tiến của Nga-Trung - Ảnh 2.

Ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa Tomahawk trên tàu ngầm lớp Los Angeles.

Khả năng thực hiện các hoạt động đặc biệt

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, ngoài các vai trò truyền thống như tấn công, tác chiến chống tàu mặt nước, tác chiến dưới lòng biển, một số tàu trong lớp Los Angeles còn có khả năng thực hiện các hoạt động đặc biệt, như triển khai đặc nhiệm SEAL.

Vai trò này sau đó do tàu ngầm lớp Ohio và lớp Seawolf (đặc biệt là chiếc USS Jimmy Carter) đảm nhiệm.

Tàu ngầm còn đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Khi không có cuộc chiến nào với đối phương, các tàu ngầm của Mỹ có thể mai phục ngoài khơi các nước mà Mỹ xác định là đối thủ tiềm tàng để thu thập thông tin điện tử và tiến hành các hoạt động giám sát. Và tàu ngầm lớp Los Angeles chính là lực lượng đi tiên phong trong nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, trong số 62 tàu ngầm lớp Los Angeles được chế tạo, có một số tàu đã bị loại biên ngay từ những năm 1995, chỉ sau 17 năm phục vụ, để giảm chi phí tái nạp nhiên liệu đắt đỏ, trong khi vẫn cần duy trì dây chuyền sản xuất tàu ngầm mới.

Ông Mizokami cho biết, hiện nay chỉ còn 38 tàu ngầm lớp Los Angeles đang hoạt động (một số nguồn ghi là 36).

Chương trình tàu ngầm lớp Seawolf (với mục đích ban đầu là cho ra đời các tàu ngầm có thể lặn sâu hơn, đủ khả năng thực hiện các hoạt động ở Bắc Cực) đã bị hủy bỏ sau khi 3 tàu được chế tạo. Vì thế, lớp tàu ngầm thực sự thay thế lớp Los Angeles hiện nay là các tàu ngầm lớp Virginia. Chúng vẫn đang tiếp tục được chế tạo.

Thủy thủ Mỹ trợ giúp sau khi tàu ngầm lớp Los Angeles "đội" băng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại