12 ngày thăm 5 quốc gia châu Á, chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ có gì đặc biệt?

Thủy Thu |

Truyền thông Trung Quốc và một số chuyên gia thế giới đã đưa ra nhận định về chuyến thăm châu Á sắp diễn ra của Tổng thống Trump.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiến hành chuyến thăm khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 3-14/11, bắt đầu từ Hawaii, sau đó đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Trả lời phỏng vấn The Paper (Trung Quốc), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Quan hệ Trung-Mỹ Stephen Orlins dự đoán vấn đề hạt nhân Triều Tiên và các vấn đề thương mại sẽ là chủ đề đối thoại trọng điểm trong chuyến công du lần này của Tổng thống Mỹ.

Ngoài ra theo ông Orlins, trấn an các nước đồng minh trong khu vực của Mỹ cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chuyến đi này.

Bà Thiệu Dục Quần, học giả thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Mỹ, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải nhận định, chuyến đi của Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh vào mối quan hệ song phương kết hợp với các cuộc gặp đa phương như hội nghị bên lề với các lãnh đạo thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Do từ trước tới nay, Tổng thống Trump thường chỉ trích cơ chế đa phương nên biểu hiện của ông chủ Nhà Trắng trong chuyến đi này cũng rất đáng chú ý, học giả Trung Quốc nhấn mạnh thêm.

"Ngoại giao sân golf" với Nhật Bản

12 ngày thăm 5 quốc gia châu Á, chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ chơi golf cùng Thủ tướng Abe trong chuyến thăm Nhật Bản lần này. Ảnh Kyodo

The Paper dẫn một số nguồn tin cho biết, trong thời gian ở thăm Nhật Bản, Tổng thống Trump có khả năng sẽ hội kiến Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu, đồng thời ông cũng sẽ tiến hành hội đàm và chơi golf cùng Thủ tướng Shinzo Abe.

Trong các cuộc đối thoại này, ngoài vấn đề an ninh khu vực, các vấn đề kinh tế thương mại cũng được đánh giá là chủ đề trọng điểm giữa hai nhà lãnh đạo.

Giữa tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đồng chủ trì vòng đàm phán thứ hai về đối thoại kinh tế cấp cao song phương Mỹ-Nhật tại Washington.

Báo cáo của Nhà Trắng khi đó cho thấy, hai nước đã đạt được một số đồng thuận chung về thương mại, tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng, tài chính công nghệ v.v...

Tuy nhiên theo báo Trung Quốc, hai bên vẫn còn tồn tại một số mâu thuẫn rõ rệt. Ngày 17/10, đài NHK (Nhật Bản) đưa tin, kết quả của cuộc đối thoại trên không đề cập tới Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Nhật.

Ngoài ra, hai bên còn nhiều ý kiến bất đồng trên phương diện thương mại đa phương khi Washington đang tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ còn Tokyo lại chú trọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Orlins cho rằng, trấn an đồng mình là nhiệm vụ quan trọng trong chuyến đi lần này của Tổng thống Trump, bởi các đồng minh trong đó có Nhật đều đang nghi ngờ về sự tham gia của Mỹ trong các vấn đề liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, việc Mỹ rút khỏi TPP khiến các nước liên quan lo lắng chính sách đầu tư kinh tế của Washington vào khu vực này.

Ngoài tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược, ông Trump cũng cần thể hiện rằng, Mỹ vẫn coi trọng quan hệ kinh tế với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẵn sàng mở cửa thị trường cho các đối tác châu Á, ông Orlins nhấn mạnh.

Chuyến thăm Hàn Quốc ngắn ngủi

12 ngày thăm 5 quốc gia châu Á, chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Dư luận Hàn Quốc lo ngại khi Tổng thống Trump chỉ ở thăm Hàn Quốc 2 ngày, ít thời gian hơn so với các chuyến công du trong lịch trình của ông. Ảnh CNN

Kết thúc chuyến thăm Nhật, ngày 7/10, Tổng thống Trump sẽ bắt đầu chuyến công du Hàn Quốc. Ông Trump sẽ có cuộc đối thoại song phương với người đồng cấp Moon Jae-in và dự kiến phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) nhận định, tại phiên họp trước Quốc hội Hàn Quốc, ông Trump sẽ đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị lâu dài Mỹ-Hàn và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép tối đa lên Triều Tiên.

Chuyến công du của ông Trump là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài tới Hàn Quốc kể từ khi ông Moon lên nhậm chức Tổng thống.

Phát biểu về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ, phát ngôn viên Nhà Xanh Park Soo-hyun ngày 16/10 cho biết, hội nghị song phương cấp cao sẽ đề cập tới một số vấn đề như tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, thảo luận vấn đề Triều Tiên và tình hình Đông Bắc Á.

Nếu ông Trump phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc theo kế hoạch, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ thứ 7 phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc. Vị Tổng thống Mỹ phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc gần đây nhất là cựu Tổng thống Bill Clinton nhưng đã cách đây 24 năm.

Giống như Nhật Bản, ngoài vấn đề Triều Tiên, các đàm phán thương mại cũng sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương Mỹ-Hàn. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ-Hàn đã thảo luận về Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn và vấn đề thao túng tiền tệ vào hôm 14/10 tại Washington.

Đáng chú ý, thời gian ông Trump ở Hàn Quốc ngắn hơn Nhật Bản, điều này đã dấy lên sự nghi ngại của Seoul.

Tờ Joong Ang Ilbo mới đây bình luận, trong các chuyến công du châu Á trước đây, cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton đều dành thời gian thăm Nhật Bản và Hàn Quốc ngang nhau nên việc ông Trump chỉ ở Hàn hai ngày càng khiến dư luận nước này lo lắng.

Hội đàm đa phương hoặc vẫn chú trọng tiếp xúc song phương

Theo Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), ngày 16/10 Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Trump sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 8-10/11. Theo kế hoạch sơ bộ của Nhà Trắng, ông Trump sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và tham dự một số hoạt động thương mại, văn hóa song phương.

Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tiết lộ, Bắc Kinh sẽ đón tiếp Tổng thống Trump và gia đình theo nghi thức cấp quốc gia+, tức ngoài một số nghi thức truyền thống như duyệt đội danh dự, quốc yến... Trung Nam Hải sẽ có một số sắp xếp đặc biệt dành cho ông chủ Nhà Trắng.

Ông Thôi cũng cho biết, vấn đề Triều Tiên và vấn đề kinh tế thương mại song phương cũng là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của hai nguyên thủ.

Rời Trung Quốc, Tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC cũng như tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam sau đó và có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng như các nhà lãnh đạo khác.

Ngày 12/11, ông Trump sẽ tới Philippines. Ông sẽ gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và tham dự lễ kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào ngày 13/11; trở về Washington, kết thúc chuyến công du châu Á vào ngày 14/11.

Như vậy, Tổng thống Mỹ sẽ không tham gia phiên họp chính thức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra sau đó.

Ông Orlins cho rằng, Tổng thống Trump tham dự hội đàm đa phương lần này không đồng nghĩa ông sẽ chấp nhận chủ nghĩa đa phương. Trái lại, ông vẫn chú trọng hơn các hội đàm song phương và có khả năng sẽ nhân cơ hội này để tiến hành các cuộc đối thoại riêng lẻ với các lãnh đạo khác.

Trong khi bà Thiệu Dục Quần đánh giá, chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đối với Đông Nam Á chưa biểu hiện rõ ràng nên đến hiện nay, giới lãnh đạo khu vực này vẫn đang chờ đợi những quyết sách rõ ràng của ông Trump.

Tổng thống Trump gặp gỡ Thủ tướng Abe hồi tháng 5 vừa qua

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại