Sự xuất hiện của 1 khí tài cổ lỗ "phơi bày" toàn bộ điểm yếu của phòng không Nga tại Syria

Linh Lâm |

Nga tuyên bố S-300, Buk, S-400, Pantsir đều có thể phát hiện, theo dõi các mục tiêu tàng hình. Song, một chi tiết từ bức ảnh vệ tinh đã cho thấy thực tế có vẻ không như vậy.

Nga triển khai hệ thống S-400 thứ hai tại Syria

Cuối tháng 9/2017, các bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy Nga đã triển khai hệ thống tên lửa đất-đối-không S-400 (SA-21) thứ hai tại Syria.

Hệ thống này được triển khai trên dãy núi gần Masyaf, cách Lattakia chưa đầy 40km về phía đông nam. Nó được đặt ngay cạnh một tổ hợp phòng thủ Bastion-P trang bị tên lửa hành trình Onik.

Theo nhiều nhà quan sát nước ngoài, đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang tăng cường sự hiện diện tại Syria, thậm chí có thể đe dọa trực tiếp tới các hoạt động mà máy bay của Mỹ và đồng minh tiến hành để chống lại các phần tử cực đoan IS.

Tuy nhiên, trong bài viết trên trang mạng War is Boring, nhà phân tích Tom Cooper cho rằng, nếu quan sát kỹ hơn, có thể thấy các bức ảnh chụp vệ tinh đã tiết lộ nhiều thiết sót của hệ thống phòng không Nga và những sai lầm mà Moscow đã phạm phải trong quá trình can thiệp quân sự vào Syria.

Sự xuất hiện của 1 khí tài cổ lỗ phơi bày toàn bộ điểm yếu của phòng không Nga tại Syria - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga triển khai hệ thống S-400 thứ hai trên dãy núi gần Masyaf. Ảnh: Airbus DS

Cần lưu ý, trong thời gian đầu diễn ra chiến dịch quân sự của Nga vào Syria, căn cứ không quân chủ lực của Nga tại đây – Hmeymim – được bảo vệ bởi tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva.

Trang bị tên lửa S-300F (SA-N-6 Grumble) – phiên bản hải quân của S-300 (SA-10 Grumble), tàu Moskva đã được triển khai trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria.

Hiển nhiên, đây không phải là phương án vẹn toàn, bởi Hải quân Nga không thể triển khai tàu Moskva ở ngoài khơi Syria vô thời hạn.

Hơn nữa, các cuộc tấn công lặp lại từ phía hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 trong tay quân nổi dậy Syria nhằm vào căn cứ không quân Hmeymim đã cho thấy các tên lửa S-300F hoàn toàn không phát huy được hiệu quả bảo vệ.

Để ứng phó, Nga đã triển khai ít nhất 1 tổ hợp Pantsir-S1 (SA-22 Greyhound) tại căn cứ Hmeymim.

Tháng 11/2015, sau khi máy bay ném bom Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Moscow đã công khai hạ lệnh triển khai 1 tổ hợp S-400 (SA-21 Growler) tới Hmeymim.

Tuy nhiên, các bức ảnh được công bố lại khiến nhiều người nghi ngờ đó là một phiên bản tiên tiến của S-300 (SA-10 Grumble), được thiết kế để tấn công tầm ngắn-trung các tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo.

Trở ngại lớn đối với các hệ thống phòng không Nga

Trên lý thuyết, sự kết hợp của S-300 và S-400 hoặc Pantsir và S-400 không chỉ bảo vệ được không phận phía trên căn cứ Hmeymim, mà còn bao phủ được toàn bộ bờ biển Syria ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, kinh nghiệm vận hành cho thấy thực tế không được như vậy.

Vấn đề cốt yếu ở đây là "địa hình". Căn cứ Hmeymim nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, cách dãy núi Alawite chưa đầy 10km về phía tây và chỉ cách dãy Turkmen 40km về phía nam.

Bất chấp các nỗ lực tuyên truyền, công nghệ quân sự Nga vẫn không tránh khỏi sự tác động của các quy luật vật lý.

Thực tế là ngay cả các loại radar tiên tiến nhất cũng không thể nhìn xuyên qua núi. Vì thế, các dãy núi được đề cập ở trên đang làm hạn chế tầm nhìn của hệ thống radar thuộc tổ hợp tên lửa phòng không Nga tại Hmeymim.

Do rào cản địa hình, radar 91N6E Grave Stone của S-400 không thể phát hiện các máy bay bay tầm thấp và tầm trung khi chúng chỉ cách căn cứ Hmeymim 40km về phía bắc hoặc 15km về phía đông, ngay cả khi radar này được đặt trên tháp cao 40m.

Tất nhiên, một mình trở ngại trên có vẻ không phải là vấn đề lớn đối với Nga. Suy cho cùng, các hệ thống tên lửa trên có nhiệm vụ trước nhất là phòng không cho căn cứ Hmeymim, không cần mở rộng phạm vi ra quá xa.

Tuy nhiên, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, mặt trận ở miền bắc Syria bắt đầu mở rộng ra xa căn cứ Hmeymim hơn trước. Những căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cùng các đồng minh của Washington hoạt động ở bắc Syria cũng xảy ra một cách định kỳ.

Việc mở rộng phạm vi bảo vệ còn trở nên quan trong hơn khi bộ binh Nga tham gia vào các chiến dịch tác chiến ở Aleppo. Lực lượng này hiển nhiên cần được bảo vệ trước các cuộc tấn công đường không.

Tháng 12/2015, chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad đã triển khai một trận địa gồm tên lửa phòng không S-75M (SA-2 Guideline) và Buk (SA-17) tại căn cứ không quân Kweres, đông Aleppo.

Trước đó, vào tháng 3/2015, có thông tin Nga đã bố trí S-300 (hoặc S-350/S-400) tại As Safira, cách Aleppo khoảng 30km về phía đông nam. Bằng động thái này, Nga đã khắc phục được phạm vi bao phủ của hệ thống radar đang gặp trở ngại vì dãy núi Alawite.

Tuy nhiên, tới ngày 6/4/2017, trong chiến dịch đáp trả cuộc tấn công hóa học của quân chính phủ Syria vào Khan Sheykhoun khiến gần 100 dân thường thiệt mạng, hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã bắn 59 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomhawk vào căn cứ không quân Shayrat.

Trên đường tới mục tiêu, phần lớn các tên lửa này đều bay qua Tartous và Homs Gap – cách căn cứ Hmeymim chỉ 50km về phía nam. Song, các radar của Nga đã không phát hiện ra chúng.

Rút kinh nghiệm ấy, theo thông tin được đưa ra vào tháng 5 năm nay, Nga đã triển khai máy bay cảnh báo sớm đường không Myasichev A-50 tới Hmeymim, nhằm mở rộng và cải thiện phạm vi bao quát của các radar tại đây.

Thế nhưng, không quân Nga chỉ có 17 chiếc A-50 sẵn sàng hoạt động. Chúng đã quá bận bịu với nhiệm vụ kiểm soát vùng không phận rộng lớn của Liên bang Nga.

Chưa hết, các tên lửa hành trình của hệ thống Bastion-P tại Syria cũng cần được tăng cường bảo vệ. Đó là lý do tại sao Nga triển khai hệ thống S-400 thứ hai gần Masyaf. Nhờ được đặt ở vị trí cao trên dãy nùi mà khả năng bao quát tầm thấp của S-400 đã được cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, vẫn còn một vấn đề tồn tại – đó là khả năng phát hiện máy bay tàng hình và tên lửa hành trình.

Nga tuyên bố các hệ thống như S-300, Buk, S-400, Pantsir đều có đủ khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu tàng hình. Song, một chi tiết từ bức ảnh vệ tinh đã cho thấy thực tế có vẻ không được như vậy. Đó là sự xuất hiện của radar tầm xa P-14/Tall King.

Sự xuất hiện của 1 khí tài cổ lỗ phơi bày toàn bộ điểm yếu của phòng không Nga tại Syria - Ảnh 2.

Radar P-14. Ảnh: Wiki

Hệ thống này được phát triển từ những năm 1950 và hiện không còn trong trang bị của quân đội Nga. Nó đã cổ lỗ tới mức ngành công nghiệp quốc phòng Nga không thể cung cấp phụ tùng thay thế.

Hệ thống P-14 trong bức ảnh vệ tinh trên do Không quân Syria vận hành và nhờ có các gói nâng cấp từ Belarus vào cuối những năm 2000, P-14 mới có thể tiếp tục hoạt động.

Trái với các radar của hệ thống S-400, P-14 hoạt động ở bước sóng cho phép nó có chút ít khả năng phát hiện máy bay tàng hình.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Tom Cooper

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại