Chờ đợi gì từ cuộc “cải tử hoàn sinh” những thương hiệu vang bóng một thời?

Long Nhật |

Thời gian gần đây cụm từ “thương hiệu vang bóng một thời” được nhắc đến nhiều hơn khi một số thương hiệu cũ nổi tiếng đã phục hồi thành công trong khi số khác vẫn trầy trật đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hoặc phải “bán mình” cho đối tác nước ngoài và mất đi thương hiệu.

Những thương hiệu vang bóng

Cao Sao Vàng, xe đạp Thống Nhất, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, xá xị Chương Dương… là những thương hiệu mà giờ đây khi nhắc lại sẽ khiến không ít người xúc động bởi lẽ đây là những sản phẩm đã từng rất gắn bó với cuộc sống hàng ngày với người dân Việt Nam trước kia.

Và sự xúc động còn xuất phát từ việc một số thương hiệu đã trở thành những thương hiệu chỉ còn “vang bóng một thời”.

Đối với người lớn tuổi không ai không biết sản phẩm xà bông Cô Ba, đây là loại xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam dùng để tắm gội có thể đánh bại xà bông thơm của Pháp nhờ chất lượng tốt, giá thành thấp.

Năm 1932, ông Trương Văn Bền – một thương gia người Việt gốc Hoa với lợi thế nắm trong tay cơ sở ép dầu dừa đã mở thêm nhà máy làm xà bông từ dầu nông sản. Doanh nghiệp của ông là Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam).

Sản phẩm chính của Hãng xà bông Trương Văn Bền buổi đầu thành lập là loại xà bông bánh 72% dầu, phục vụ nhu cầu giặt tẩy. Giá bán rất bình dân, hợp với túi tiền của đông đảo tầng lớp lao động nghèo nên lập tức được nhiệt liệt đón chào, có tháng sản xuất và bán đến 600 tấn.

Sau khi giải quyết xong nhu cầu xà bông bình dân nhất cho người lao động, ông Trương Văn Bền tiếp tục phát triển thêm sản phẩm xà bông cao cấp hơn với tên gọi “Cô Ba”, một cái tên thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Ngay lập tức, sản phẩm Cô Ba sau khi có mặt đã trở thành mặt hàng được đón chào nồng nhiệt không chỉ từ giới bình dân.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng xà bông Cô Ba của ông Trương Văn Bền đã mau chóng chiếm lĩnh thị trường và được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên Thế giới.

Tương tự Xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan do ông Trịnh Thành Nhơn thành lập năm 1988 cũng từng “đánh bật” kem đánh răng Trung Quốc và chiếm lĩnh 70% thị phần kem đánh răng nội địa năm 1993-1994, riêng từ Đà Nẵng trở vào đã chiếm tới 90% thị phần.

Việc làm ăn thời điểm đầu không dễ dàng, ông Nhơn phải tự chở hàng đi bán từ Đà Nẵng đến Cà Mau, “Bắc tiến” giới thiệu sản phẩm ở hội chợ Hà Nội nhưng hầu như không thu được đồng nào vì khách hàng đa số chấp nhận ký gửi.

Cho đến khi thực hiện chiến lược bán kem đánh răng cùng lịch tết sản phẩm kem đánh răng của ông mới được người dùng đón nhận vì để có một quyển lịch rất quý, người ta tranh nhau nhận kem đánh răng chỉ để có cuốn lịch.

Chờ đợi những cuộc “cải tử hoàn sinh”

Không dễ dàng để một thương hiệu có thể khiến người tiêu dùng “say như điếu đổ”, đánh bại được những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài hay cạnh tranh được về giá thành, chất lượng đặc biệt trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, những “ông lớn” ngoại quốc xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh và quản trị tốt.

Một thương vụ mua bán có thể coi là điển hình trong thời gian vừa qua là việc Masan đã “mạnh tay” mua lại Vĩnh Hảo.

Từ vài chục năm trước, nguồn nước Vĩnh Hảo đã được biết đến với chất lượng nước khoáng được so sánh với nguồn nước khoáng Vichy rất nổi tiếng tại Pháp. Tuy vậy, Vĩnh Hảo đã dần chìm vào quên lãng cho đến khi có sự xuất hiện của Masan.

Giới chuyên gia từng thừa nhận chính sức mạnh thương hiệu của Vĩnh Hảo đã khiến công ty này trở thành mục tiêu hấp dẫn trong kế hoạch mua bán, sáp nhập của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Pepsi thời điểm đó.

Thương hiệu khác là Bia Larue thuộc BGI (Brasseries, Glacières d’Indochine) từng nổi danh khắp miền Nam và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia đã gần như biến mất khỏi thị trường kể từ năm 1975. Tuy nhiên, sản phẩm này đã được CTCP Nhà máy bia Việt Nam (VBL), đơn vị sản xuất một số dòng bia như Tiger, Heineken… “hồi sinh” trở lại.

Bia Trúc Bạch, một hình ảnh Hà Nội thời bao cấp nhưng vì nhiều lý do, bia Trúc Bạch đã âm thầm rời khỏi thị trường. Năm 2008, CTCP Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mới khôi phục lại thương hiệu này.

Cơ sở để Habeco kỳ vọng vào sự trở lại của bia Trúc Bạch là do sản phẩm vẫn đang được nhiều người dân Hà Nội nhắc nhớ. Đặc biệt, sản phẩm được kết hợp giữa bí quyết sản xuất bia hơn 120 năm nay và sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu từ Czech và Pháp.

Với những gì đã diễn ra với Vĩnh Hảo, Bia Larue, Bia Trúc Bạch người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng rằng những sản phẩm vang bóng một thời sẽ được “hoàn sinh” bởi quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp sau khi mua lại những thương hiệu này sẽ tiếp tục gìn giữ và tạo dựng thương hiệu bền vững hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại