"Thất bại" của Thủ tướng Merkel và cuộc trừng phạt của cử tri

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cuộc bầu cử quốc hội ở nước Đức ngày 24/9 vừa qua có kết quả không bất ngờ nhưng lại như trận địa chấn chính trị chưa từng thấy trong gần 7 thập kỷ qua.

Merkel thắng - SPD chia tay với CDU/CSU

Không bất ngờ khi phe của đương kim thủ tướng Angela Merkel CDU/CSU (Liên minh Dân chủ thiên chúa giáo/Liên minh Xã hội thiên chúa giáo) giành về tỷ lệ phiếu bầu cao nhất bỏ xa Đảng Xã hội dân chủ (SPD) liên minh cầm quyền từ 2013 đến nay, giúp bà Merkel có quyền chủ động thành lập chính phủ mới và nếu làm được việc này thì bà có thể tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ 4.

Tuy nhiên, đảng cầm quyền của bà Merkel CDU/CSU lại bị mất phiếu nhiều nhất và thu về kết quả bầu cử tồi tệ nhất kể từ khi thành lập nước CHLB Đức năm 1949 đến nay. Đảng SPD cũng thảm bại tương tự.

Trong khi đó, đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - đảng cực hữu, cực đoan, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, còn "hữu" và bảo thủ hơn cả CDU/CSU - trở thành đảng lớn thứ 3 trong quốc hội và tất cả những đảng nhỏ khác là Đảng Dân chủ tự do (FDP), Đảng Xanh và đảng Cánh tả đều tăng được tỷ lệ phiếu bầu so với lần tổng tuyển cử trước.

Bà Merkel thắng trên phương diện duy trì cơ hội tiếp tục cầm quyền nhưng đã thất bại trên tất cả các phương diện còn lại. 

Thất bại của Thủ tướng Merkel và cuộc trừng phạt của cử tri - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc bầu cử. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố, đảng SPD đã tuyên bố không sẵn sàng tiếp tục liên minh với phe của bà Merkel nữa.

Nếu đảng SPD kiên định với tuyên bố này thì bà Merkel chỉ còn mỗi cách là cố gắng thành lập chính phủ liên hiệp với đảng FDP và đảng Xanh. Người Đức gọi đó là phương án Jamaica theo màu sắc quốc kỳ của quốc gia này: Đen là CDU/CSU, vàng là FDP và xanh là Đảng Xanh.

Ở nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai, bà Merkel đã liên minh với đảng FDP. Ở bình diện liên bang, phe CDU/CSU và cả đảng FDP chưa lần nào liên minh cầm quyền với Đảng Xanh. Ở bình diện bang đã có liên minh giữa CDU và Đảng Xanh. Còn "Jamaica" thì mới được thử nghiệm hai lần ở bang Saarland (đã thất bại) và vừa mới đây ở bang Schleswig-Holstein.

Thực chất, "Jamaica" đối với bà Merkel sẽ là 4 đảng chứ không phải ba. Đó là: CDU, CSU, FDP và Đảng Xanh. Việc thành lập chính phủ liên hiệp mới vì thế rất khó khăn bởi bất đồng quan điểm giữa các đảng này rất cơ bản và sâu sắc.

Nếu bà Merkel không thành lập được chính phủ thì nước Đức sẽ có tổng tuyển cử mới. Khi ấy tình thế sẽ vô cùng nguy hiểm và nguy hại đối với bà Merkel bởi phe CDU/CSU sẽ còn sa sút và đảng AfD sẽ còn tiến thêm nữa.

Vì đâu nước Đức nên nỗi này ? 

Kinh tế tăng trưởng ổn định và ấn tượng, tỷ lệ thất nghiệp thấp, uy tín quốc tế cao, vai trò trong EU nổi bật, khủng bố có xảy ra nhưng không nhiều - vậy mà liên minh cầm quyền của bà Merkel - CDU/CSU và SPD - vẫn bị cử tri trừng phạt nặng. Xem ra chỉ có thể ở ba nguyên nhân.

Thứ nhất, nỗi lo chính của cử tri là an ninh, an ninh trước nguy cơ bị tấn công khủng bố nhưng đặc biệt là từ vấn đề người tỵ nạn. Khoảng một triệu người tị nạn đã được bà Merkel đồng ý cho ở Đức và con số chưa dừng lại ở đó. Đa số dân Đức không hài lòng với chính sách của bà Merkel về vấn đề người tị nạn. Đảng AfD đã khuấy động chủ đề nội dung này trong khi các đảng lớn đều lẩn tránh nó trong vận động tranh cử.

Thứ hai, cử tri Đức cảm thấy các đảng cầm quyền và bà Merkel không thật sự để ý đến nỗi lo lắng của mình và không coi trọng mình. Cả điều này cũng được đảng AfD tận dụng triệt để.

Thất bại của Thủ tướng Merkel và cuộc trừng phạt của cử tri - Ảnh 2.

Thứ ba, bà Merkel dường như đã chắc thắng đến mức vận động tranh cử như thể chỉ để lấy lệ với nội dung nhạt nhoà. Trong khi đó, cử tri bắt đầu có tâm trạng muốn thấy gương mặt mới và cho rằng 12 năm của bà Merkel là quá đủ.

Thắng trong thất bại như thế làm cho uy tín và vị thế quyền lực của bà Merkel trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ 4 yếu nhất từ trước tới nay. Tượng đài chưa bị đổ nhưng nền tảng đã bắt đầu rạn vỡ.

EU thở phào khi bà Merkel vẫn tại vị nhưng không thể không lo ngại sâu sắc khi bà Merkel bị bại như thế trong cuộc bầu cử này, khi cầm quyền ở Đức khó khăn hơn trước và đảng AfD lớn mạnh nhanh chóng đến vậy ở nước Đức. Nước Đức bước vào thời kỳ thay đổi sâu sắc và cơ bản mới kể từ sau khi tái thống nhất.

EU vẫn phải dựa cậy nhưng không còn có thể hoàn toàn phụ thuộc vào nước Đức ở thời kỳ mới này như trước nữa. Có nhiều nhân tố tác động đưa lại chuyển biến ấy, trong đó có cách thức cầm quyền lâu nay của bà Merkel và việc phe cánh của bà Merkel nỗ lực duy trì vị thế cầm quyền bằng mọi giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại