Danh ca Khánh Ly: "Lúc đó, vì chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên tôi bị cảnh sát bắt"

Long Phạm |

"Người già có cái hay của người già, người trẻ có cái hay của người trẻ, cũng như người cao có cái đẹp của người cao, người thấp có cái đẹp của người thấp", Khánh Ly chia sẻ.

Danh ca Khánh Ly trở lại Hà Nội vào giữa tiết sang thu thanh mát sau một thời gian xa cách, để chuẩn bị cho live show kỉ niệm 55 năm hát tình ca. Người đàn bà nhỏ bé nói rằng, bà đã chuẩn bị kỹ lưỡng sức khỏe, tâm lý cho buổi biểu diễn lớn của đời mình.

Tại họp báo, bà xin phép đứng dậy chứ không ngồi. Bà nói "tôi quen đứng rồi, ngồi xuống là thấy khó chịu". 

Trong lúc trò chuyện, tiếng đàn gui-tar của một người bạn ở cạnh bên cứ dìu dặt, khiến cho câu chuyện trong khán phòng trở nên vô cùng thi vị.

Danh ca Khánh Ly: Lúc đó, vì chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên tôi bị cảnh sát bắt - Ảnh 1.

16 tuổi đã đi hát và nhân duyên định mệnh với Trịnh Công Sơn

Thật ra, tôi cũng không biết mình đã thành công từ lúc nào. Vì từ 16 tuổi, tôi đã đi hát. Ở cả những nơi người ta không cho mình hát, tôi cũng cứ leo lên để hát. Trước hết, tôi muốn hát cho chính tôi. Tôi hát vì tôi thích và yêu những bài hát đó.

Vài năm sau, tôi gặp Trịnh Công Sơn. Chắc ông thấy tôi buồn cười nên rủ tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn hát.

Ban đầu, tôi nghĩ Sài Gòn không phải chỗ của mình vì nó ồn ào, chen chúc nên nói không đi. Tôi hay gọi đùa đó là nơi "phồn hoa đô hộ", không có chỗ nào bình yên như trên Đà Lạt.

Nếu tôi ở yên trên thành phố hiền lành đó thì cuộc đời tôi cũng hiền lành như nó. Nhưng không hiểu sao, tôi lại bỏ Đà Lạt về Sài Gòn sau 5 năm sinh sống.

Khi vào Sài Gòn, từ năm 1964 tới 1967, tôi không biết ông Sơn ở đâu cả. Ông cũng không liên lạc với tôi. Tình cờ, chúng tôi gặp lại nhau trên đường phố. Khi ấy, ông cũng chỉ hỏi tôi rằng có rảnh không, tối mai đi hát cùng anh.

Danh ca Khánh Ly: Lúc đó, vì chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên tôi bị cảnh sát bắt - Ảnh 2.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn

Riêng ai chứ ông Sơn nói là tôi nhận lời đi hát ngay. Tới nơi diễn, tôi nhìn lên, chỉ thấy một bãi đất hoang nham nhở, cỏ dại mọc tùm lum, không hề giống một nơi để hát. Tôi hát lần đầu tại đó vào một tối thứ 6 của tháng 11.

Và tôi không thể tưởng tượng được rằng ở Sài Gòn lại có một nơi đông người tới xem như thế mà không có một cái ghế nào. Tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé đều ngồi dưới đất hết. Trên sân khấu là một quán lá sơ sài, có một cô bé rất dễ thương đi rót nước cho từng người một.

Lúc đó, tôi không hề nghĩ mình sẽ hát ở đây để trở thành ca sĩ, để được cái này, được cái kia. Tôi hát rất vô tư, như một người bình thường đang hát, không nghĩ gì cả.

Hồi ấy, tôi không có kinh nghiệm đứng trước đám đông nên phải bỏ cả giày ra, đứng chân đất để hát, vì nếu đi giày thì tôi không cân bằng được. Nhưng "cơm áo dạy đời lơ láo", cuộc sống sau này làm tôi dạn dĩ hơn, sẵn sàng đối đầu với nghịch cảnh.

Chỉ sau đêm đó thôi, một tờ báo viết về tôi, đăng ngay trang nhất. Thế là cả Sài Gòn biết rằng, có một cô ca sĩ tên là Khánh Ly và một nhạc sĩ tên là Trịnh Công Sơn.

Ông Sơn từng đưa nhạc cho Thái Thanh, Lệ Thu, Bạch Yến, Hà Thanh hát, nhưng chẳng ai biết Trịnh Công Sơn là ai cả. Chỉ sau cái đêm đó, mọi người mới biết tới một nhạc sĩ có ca từ lạ và đẹp đến thế. 

Từ xưa tới nay, chưa ai nghĩ tới chuyện "ngày sau sỏi đá cần có nhau", hay "làm sao em biết bia đá không đau" để đưa nó vào nhạc. Chỉ có mình ông Sơn làm được.

Lúc ấy, tôi không hiểu hết ý nghĩa của những ca từ đó. Phải nhiều năm sau này, khi già rồi, tôi ngồi tĩnh lặng mới nhận ra rằng, mình nghĩ gì về nhạc Trịnh cũng là đúng. Đó là lí do vì sao tôi không rời nhạc Trịnh được.

Nó cũng giống như anh nghĩ thế nào cũng đúng, chị nghĩ thế nào cũng đúng, chẳng ai sai cả. Đó mới là lí do vì sao nhạc Trịnh, với những ý nghĩa mới lạ, triết lí Phật giáo như thế vẫn đi vào lòng người.

Danh ca Khánh Ly: Lúc đó, vì chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên tôi bị cảnh sát bắt - Ảnh 3.

Không thể nói nhạc này sang hay nhạc kia sến

Với tôi, tôi không cần biết nhạc sĩ là ai, mà chỉ cần biết bài hát đó có hay, có hợp với tâm trạng của mình hay không. Chỉ cần bài hát đó an ủi tôi lúc tuyệt vọng hay reo niềm vui cho tôi thì tôi yêu. Âm nhạc không có biên giới, nhạc là nhạc. Không thể nói nhạc này sang hay nhạc kia sến.

Cho nên, 55 năm qua, buổi hát nào với tôi cũng là lớn hết. Nếu nói lớn thì cái gì cũng lớn, mà nhỏ thì cái gì cũng nhỏ cả. Tất cả phụ thuộc vào cái lòng mình có đủ yêu để nghe một người hát vài tiếng đồng hồ không.

Khánh Ly nói về sự sang và sến trong âm nhạc

Cách đây vài năm, tôi về Việt Nam, nhiều người kêu rằng "cái con mẹ già này" chắc thều thào không ra hơi thì hát hò gì.

 Nhưng, người già có cái hay của người già, người trẻ có cái hay của người trẻ, cũng như người cao có cái đẹp của người cao, người thấp có cái đẹp của người thấp. Nếu cứ so sánh như vậy thì không công bằng.

Không áp dụng kĩ thuật vào ca hát nên giữ được chất của mình

Lỗi của các nhà báo là hay tặng những danh hiệu như nữ hoàng, thái tử, công nương cho các nghệ sĩ. Tôi có cách hát đặc biệt không giống ai đơn giản vì tôi hát nó như thế, chứ không ai dạy tôi cả. Ông Trịnh Công Sơn cũng không dạy tôi.

Bạn đi học hát thì bạn hát kiểu khác, còn nếu tự hát theo cách của mình thì sẽ mang tính tính tự nhiên của chính bạn. Cho nên, lúc ông Trịnh Công Sơn đàn cho một người vô danh tiểu tốt hát, không bao giờ ông yêu cầu phải hát thế này, thế kia. 

Cứ quan niệm đơn giản mình đi hát như một cái vòi nước, mở ra là chảy, thế thôi.

Khánh Ly bàn về việc việc hát tự nhiên hay kĩ thuật

Hồi đó, không có chuyện ca sĩ được đi học hát. Đó cũng là bất lợi cho một người đi hát mà lại không biết nhạc như tôi. Nhưng vì mình không áp dụng kĩ thuật vào ca hát, nên mình giữ được cái chất của mình.

Bây giờ, bạn muốn hát thì cứ hát, như thở ra vậy đó. Đừng bắt chước xem mình hát có giống người này, người kia không làm gì. Không có sự so sánh nào cả. Phải nghĩ rằng, tôi hát là bởi vì tôi hát, thế thôi.

Ca sĩ đói, ho, khát, mệt, nhưng tới giờ vẫn cứ phải hát

Nếu nói rằng chỉ hát nhạc Trịnh thì hóa ra là tôi phụ lòng những nhạc sĩ khác. Vì trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao rồi. 

Lúc đó, tôi mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên đã bị cảnh sát bắt vì đi hát. Bây giờ, tóc đã thay màu, môi đã nhạt, chân đã mỏi rồi. Tôi không còn gì. Chỉ xin cho tôi được trở lại thời thơ ấu của mình để xin được sống thêm một lần nữa.

Vì giờ mà chết, bỏ đời thì tiếc đời quá. Tôi sống chưa đủ, hát chưa đủ, nên hát 55 năm hay vài tiếng cũng chưa đủ. Tôi yêu hát quá.

Danh ca Khánh Ly: Lúc đó, vì chưa đủ tuổi vào vũ trường, nên tôi bị cảnh sát bắt - Ảnh 6.

Mấy năm vừa rồi, tôi đi hát chỉ đứng có một chân thôi, mà cứ đi khắp nơi để hát. Tôi đi tới chùa, tới nhà thờ để cầu nguyện Chúa cho tôi được tới nơi, hoàn thành việc này đi rồi chết cũng được. 

Nhiều khi, ca sĩ đói, ho, khát, mệt, nhưng tới giờ vẫn cứ phải hát, hát xong lại đau tiếp. Thế nên, tôi chỉ xin, khi nào có chuyện gì của ca sĩ xảy đến thì các nhà báo nói nhè nhẹ một chút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại