Khẳng định sức mạnh tổng lực từ bầu trời

PHẠM HOÀNG HÀ |

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ, những ngày trung tuần tháng 8, mưa dông vẫn là hình thái khí tượng chủ yếu ở Thanh Hóa. Kiên trì “mật phục”, các phi công chiến đấu của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) cùng những chiếc phản lực và trực thăng luôn sẵn sàng xuất kích, tiêu diệt mục tiêu tại trường bắn Như Xuân...

Chú trọng công tác chuẩn bị

Có thể nói, kỳ hội thao năm nay dành cho các lực lượng không quân có quy mô lớn nhất trong 5 năm trở lại đây, với sự tham gia của 9 đơn vị không quân chiến đấu, cùng các loại máy bay như MI-8, MI-17, SU-22, SU-30MK2. Đây là hội thao bắn, ném bom cho phi công là cán bộ cấp phi đội trở lên của các đơn vị không quân năm 2017.

Khẳng định sức mạnh tổng lực từ bầu trời - Ảnh 1.

Nhân viên KTHK thực hành treo lắp bom lên máy bay SU-30MK2

Thiếu tướng Vũ Văn Kha, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, Trưởng Ban chỉ đạo hội thao cho biết: Ngay từ rất sớm, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tổ chức hội thao; đồng thời thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ các đơn vị làm công tác chuẩn bị.

Do tổ chức chặt chẽ, chu đáo, chất lượng ngay từ cấp cơ sở, nên lực lượng phi công tham dự hội thao đều là những thành phần ưu tú nhất của các sư đoàn. Hội thao lần này có sự tham gia của hầu hết các loại máy bay chiến đấu trong quân chủng. Thông qua hội thao sẽ tuyển chọn các phi công, tổ bay xuất sắc tham gia diễn tập của Quân chủng PK-KQ và Bộ Quốc phòng.

Hội thao năm nay có nhiều điểm mới như, 100% lần chuyến bay thực hiện cơ động tránh hỏa lực phòng không, bay thấp, kéo cao, bổ nhào, công kích trực tiếp; trong một chuyến bay sử dụng 2 loại vũ khí, hoặc bom và rốc-két, hoặc bom và pháo; tất cả các thành phần phi công, từ không cấp cho đến cấp 1 đều được tham gia...

Để đến với hội thao năm nay, các đơn vị không quân của Sư đoàn 372 và 370 phải thực hành bay chuyển sân cho phi công, máy bay và tổ chức cơ động lực lượng mặt đất từ miền Trung, miền Nam về Thanh Hóa, nên khó khăn đặt ra không hề nhỏ.

Đại tá, phi công cấp 1 Phạm Trường Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 370 cho biết:

Ngay sau khi nhận được kế hoạch hội thao, Sư đoàn đã xây dựng kế hoạch huấn luyện chi tiết, tỉ mỉ, khoa học, sát với thực tế; đồng thời đưa phi công vào huấn luyện bắn ở điều kiện đáy mây cao 1.200 mét, ném bom bay bằng với đáy mây 600 mét, vừa nhằm nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, vừa giúp phi công hoàn thành nhiệm vụ bắn, ném trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Cũng như các đơn vị không quân khác, ngay sau khi cơ động bay chuyển sân về Trung đoàn 923, lực lượng của Sư đoàn 370 đã tổ chức học tập quy chế sân bay Thọ Xuân cũng như các sân bay ở khu vực phía Bắc, đồng thời tổ chức các ban bay huấn luyện bổ sung...

Coi trọng bảo đảm an toàn

Trong tổ chức bay huấn luyện, các đơn vị không quân luôn coi trọng công tác bảo đảm an toàn, bởi hoạt động bay là hoạt động đặc biệt, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do nhiều yếu tố.

Nay, thực hiện nhiệm vụ bay bắn ném, sử dụng bom, đạn thật, nên công tác bảo đảm an toàn lại càng được các thành phần, đặc biệt là phi công, tổ bay, nhân viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không (KTHK) coi trọng.

Ngay trong giai đoạn chuẩn bị cho ban bay bắn ném, Ban chỉ đạo cũng như Đại tá Bùi Thiên Thau, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 923, Chỉ huy các ban bay bắn ném, đều hết sức lưu ý nhân viên kỹ thuật chuyên ngành vũ khí hàng không phải treo lắp bom đạn đúng quy trình kỹ thuật, vừa bảo đảm an toàn, vừa đảm bảo tối ưu khi phi công bắn, ném.

Phi công cần kiểm tra kỹ vũ khí mang theo khi tiếp thu máy bay từ ngành KTHK; chấp hành nghiêm quy tắc bảo đảm an toàn trước, trong và sau khi xạ kích; cùng với đó phải nắm vững và thuần thục xử lý tình huống bắn, ném bom không ra, nhằm đưa máy bay về hạ cánh an toàn...

Khẳng định sức mạnh tổng lực từ bầu trời - Ảnh 2.

Biên đội SU-30MK2.

Khẳng định sức mạnh tổng lực từ bầu trời - Ảnh 3.

Biên đội SU-22.

Khẳng định sức mạnh tổng lực từ bầu trời - Ảnh 4.

Biên đội trực thăng cất cánh thực hiện nhiệm vụ bắn ném.

Đại úy Đỗ Toàn Thịnh, Chính trị viên Phi đội 2, Trung đoàn không quân 923 chia sẻ:

Từ đặc điểm sử dụng vũ khí nhiều chủng loại với số lượng lớn trong mỗi chuyến bay, nên bản thân xác định phải chấp hành nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn trong ban bay, bài bay sử dụng từng loại vũ khí; tiếp thu máy bay tỉ mỉ, đúng quy định; trong quá trình sử dụng vũ khí phải chấp hành đúng trình tự, phương pháp bật, tắt các công tắc vũ khí; sẵn sàng xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra trên không như bom, đạn, tên lửa không ra hoặc ra đa, máy ngắm làm việc không chuẩn xác...

Là một trong những lực lượng giữ vai trò quan trọng đối với công tác bảo đảm an toàn bay, lực lượng KTHK của các đơn vị không quân tham gia bắn, ném bom lần này đã triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt nhiều biện pháp mạnh.

Trung tá Hà Minh Hải, Chủ nhiệm KTHK Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371) cho biết: Thực hiện kế hoạch hội thao, đơn vị đã tổ chức huấn luyện bổ sung cho các thành phần, đặc biệt là nhân viên chuyên ngành vũ khí hàng không nắm chắc hệ thống vũ khí trên máy bay cũng như các chế độ bắn, phương án mang treo vũ khí của từng chuyến bay, ban bay.

Cùng với đó, đơn vị xác định phải tuân thủ đúng các quy tắc an toàn; duy trì các biện pháp như kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận đạn, thông điện kiểm tra, bàn giao máy bay cho tổ bay; sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh như máy bay không bắn hết đạn phải mang đạn về sân bay; duy trì các thành phần thực hiện nhiệm vụ đúng vị trí chuyên ngành và chấp hành nghiêm quy định về thời gian giãn cách giữa các chuyến bay trên một máy bay trong các chuyến bay bắn, ném...

Thành tích, kinh nghiệm “dày” thêm

Trung tuần tháng 8, thời tiết Xứ Thanh không thuận lợi cho hoạt động bay, song các thành phần vẫn kiên trì chờ đợi. Đến các ngày 21 và 22-8, trên cơ sở phân tích, dự báo đúng diễn biến khí tượng, Quân chủng PK-KQ đã quyết định tổ chức bay trinh sát khí tượng, và tiếp đến là bay chính thức chính xác.

Từng biên đội SU-30MK2, SU-22, MI-8, MI-17 lần lượt xuất kích, tiếp cận, bổ nhào công kích chính xác, tiêu diệt gọn mục tiêu ngay từ loạt bom, đạn đầu tiên. 57 lần chuyến bay bắn, ném trong 2 ban bay đã hoàn thành, đạt 100% kế hoạch.

Ngay sau khi hoàn thành bay bắn, ném bom, các lần chuyến bay chuyển máy bay từ Trung đoàn 923 về các đơn vị cũng được tổ chức thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Khẳng định sức mạnh tổng lực từ bầu trời - Ảnh 5.

Biên đội SU-30MK2 công kích mục tiêu mặt đất. Ảnh: Trọng Hải.

Theo Thiếu tướng Vũ Văn Kha, thành công của hội thao lần này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó cần nhấn mạnh là Quân chủng PK-KQ đã có kế hoạch tổ chức các ban bay bắn, ném chặt chẽ, đúng quy trình; lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tất cả các thành phần có liên quan; và việc tổ chức bay phải được thực hiện trên tinh thần đặt an toàn bay, chất lượng bay lên hàng đầu.

Trong khi đó, với các phi công trực tiếp tham gia bắn ném, để mỗi chuyến bay sử dụng bom, đạn thật an toàn và hiệu quả, mỗi phi công phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định trong 3 giai đoạn bay.

Trước hết phải chuẩn bị bay chu đáo, hiệp đồng tỉ mỉ giữa buồng trước với buồng sau và với các số ở trong biên đội; tính toán các phương án xử lý khi thời tiết đột biến xấu hoặc có các tình huống bất trắc xảy ra; trong quá trình bay phải giữ nghiêm số liệu, tuyệt đối trung thành với yếu lĩnh động tác, không có các biểu hiện manh động trên không; trong công kích giữ nghiêm đội hình, đúng cự ly, độ cao, tốc độ...

Một kỳ hội thao được tổ chức thành công như mong đợi, cùng với đó là nhiều kinh nghiệm quý báu được rút ra. Đây là “cú hích” quan trọng để lực lượng không quân thực hiện tốt nhiệm vụ trong các đợt diễn tập tới đây, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả hơn sứ mệnh bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại