Thái độ khó tin của TQ sau khi dọa Ấn Độ với "xe tăng bắn phá và trực thăng phóng tên lửa"

Hải Võ |

Một số ý kiến phân tích nói rằng Bắc Kinh đang đẩy mạnh song song chiến thuật "cây gậy" lẫn "củ cà rốt" với Ấn Độ trong đối đầu quân sự ở cao nguyên Doklam.

Tân Hoa Xã bất ngờ thay đổi thái độ với Ấn Độ khi kêu gọi hai nước tỉnh táo để cùng tìm ra giải pháp cho mâu thuẫn ở cao nguyên Doklam.

Trong bản tin dài 1 phút 35 giây đăng tải sáng 20/8, người dẫn chương trình của Tân Hoa Xã nói rằng đối đầu Trung-Ấn tại cao nguyên Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglang) thể hiện sự "thiếu lòng tin chiến lược" từ phía Ấn Độ, và tình trạng giằng co sẽ tổn hại chính lợi ích của New Delhi.

THX sau đó dẫn giải bề dày lịch sử, văn hóa mà hai nước chia sẻ để khẳng định Trung-Ấn "không phải sinh ra đã đối địch".

"Đó là lý do tại sao Ấn Độ cần rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi lãnh thổ của Trung Quốc," MC Zhang Zhao của THX nói, kêu gọi New Delhi "tỉnh táo và thận trọng trước bất kỳ quyết định nóng vội nào trong tương lai".

Dù vậy, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa ra thái độ thiện chí hiếm thấy. MC Zhang nói, "[Trung-Ấn] cùng tồn tại một cách hài hòa và hòa bình thì chỉ có lợi cho 2.7 tỉ người dân. Lôi kéo nhau vào bất kỳ cuộc đối đầu thù địch nào cũng có thể trở thành thảm họa".

Kết thúc bản tin, Zhang gửi thông điệp "có thừa không gian ở châu Á cho cả 'rồng Trung Quốc' và 'voi Ấn Độ' nhảy cùng nhau".

Đây là lần đầu tiên, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc tỏ ra cởi mở và để ngỏ khả năng tiến tới một giải pháp chung mà song phương cùng chấp nhận được để tháo gỡ "nút thắt" ở vùng biên giới Sikkim. Trước đó, Bắc Kinh luôn yêu cầu Ấn Độ rút quân vô điều kiện, đi kèm với cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự.

Hôm thứ Năm tuần trước (17/8), Tân Hoa Xã đã tung ra đoạn video tuyên truyền tiêu đề "7 tội lỗi", trong đó cáo buộc Ấn Độ vi phạm luật pháp quốc tế khi "xâm phạm lãnh thổ không tranh chấp của Trung Quốc".

Đoạn video bị Ấn Độ và một số hãng truyền thông phương Tây chỉ trích là phân biệt chủng tộc khi cố ý chế nhạo ngôn ngữ của người Ấn.

Tờ Times of India bình luận, giống như thế tiến thoái lưỡng nan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bị giới hạn không gian chính trị để có thể đơn phương rút quân khỏi Doklam, mà không làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ "được đà" gia tăng sức ép trên toàn tuyến biên giới.

Ông Modi và ông Tập dự kiến gặp nhau tại hội nghị cấp cao nhóm BRICS tại Trung Quốc vào ngày 3-4/9 tới, nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Doklam.

Trong khi đó, tờ Global Times (Trung Quốc) cho hay cũng vào tuần trước, Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã tổ chức tập trận bắn đạn thật, có sự tham gia của xe tăng và trực thăng.

Tờ này dẫn báo cáo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, "10 đơn vị PLA, bao gồm các đơn vị hàng không và thiết giáp, đã tham gia cuộc tập trận" nhằm vào cuộc giằng co đang diễn ra giữa các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại cao nguyên Doklam.

Cuộc tập trận do Bộ chỉ huy Chiến khu miền Tây của PLA - phụ trách khu vực biên giới giáp Ấn Độ - chịu trách nhiệm, nhưng địa điểm diễn ra sự kiện không được tiết lộ. Các đơn vị tác chiến tại Tây Tạng, Tân Cương, Ninh Hạ, Thanh Hải, Tứ Xuyên và Trùng Khánh đều nằm dưới quyền chỉ huy của Chiến khu này.

CCTV gọi cuộc tập trận trên là để "đặt nền tảng cho chiến sự trên cao nguyên". Đoạn video dài 5 phút được đài này phát sóng cho thấy "xe tăng bắn phá các mục tiêu trên đồi, theo sau là các trực thăng phóng tên lửa vào mục tiêu dưới mặt đất".

Global Times dẫn lời một số nhà phân tích, cho rằng sự kiện trên nhằm "tấn công vào nỗi sợ hãi ở Ấn Độ".

Vào tháng 7, PLA cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ. Bắc Kinh khi đó tuyên bố lực lượng của họ đã sẵn sàng cho xung đột quân sự với New Delhi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại