Tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày một lo ngại trước khả năng quân sự của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từng cảnh báo về một cuộc đáp trả quân sự "hiệu quả và choáng ngợp" nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ở những khu vực khác, xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tham vọng tăng cường sức mạnh hạt nhân đã trở lại.
Hồi tháng 12-2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng rằng việc củng cố năng lực hạt nhân nên là một mục tiêu quan trọng trong năm 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó thông qua mạng xã hội Twitter đáp trả và cam kết Washington sẽ thực hiện điều tương tự. Những dấu hiệu trên làm dấy lên lo ngại về sức mạnh hạt nhân của thế giới và những bước đi khó đoán của những quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân.
Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hiện có tổng cộng khoảng 15.000 đầu đạn hạt nhân và phần lớn trong số này thuộc về Mỹ và Nga. Theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ), số lượng đầu đạn hạt nhân phục vụ trong quân đội là dưới 10.000 và phần còn lại đang chờ dỡ bỏ.
Trên thế giới, chỉ có 5 quốc gia được chính thức công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.
Hiệp ước này không cho phép 5 quốc gia nêu trên phát triển hay duy trì vũ khí hạt nhân mãi mãi. Cả 5 quốc gia nêu trên đều cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Bốn quốc gia khác cũng được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân là Pakistan, India, Israel và Triều Tiên. Tuy nhiên, các quốc gia này không ký kết hiệp ước nêu trên và cùng nhau sở hữu tổng cộng 340 vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ sở hữu phần lớn vũ khí hạt nhân của thế giới. Ảnh: Arms Control Association, 2017
Thế giới hiện có khoảng 14.900 vũ khí hạt nhân, đủ để giết chết hàng triệu người và san bằng nhiều thành phố.
Theo nghiên cứu của Telegraph, Nga và Mỹ sở hữu sức mạnh hạt nhân ước tính tương đương 6.600 megaton (megaton là cách nói gắn gọn của đương lượng nổ 1 triệu tấn TNT), tức bằng 10% tổng số năng lượng mặt trời mà Trái Đất tiếp nhận mỗi phút.
Đáng chú ý, theo trang NukeMap, một quả bom B-83 (loại bom mới nhất của Mỹ) nếu phát nổ có thể giết chết 1,4 triệu người và làm 3,7 triệu người bị thương trong 24 giờ đầu tiên. Bán kính bức xạ nhiệt của quả bom chết chóc này là 13 km.
Tương tự, một quả bom "Tsar Bomba", loại bom khủng khiếp nhất của Liên Xô từng được thử nghiệm, nếu được thả xuống TP New York (Mỹ) có thể khiến 7,6 triệu người thiệt mạng và 4,2 triệu người bị thương.
Sức mạnh hạt nhân của cả Nga và Mỹ đều bị kiểm soát bởi nhiều hiệp ước nhằm giới hạn số lượng và loại đầu đạn cũng như hệ thống phóng hạt nhân của hai cường quốc này.
Nếu một trong hai quốc gia này mở rộng năng lực hạt nhân, rất có thể những thỏa thuận nêu trên sẽ bị đổ vỡ và thế giới sẽ bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh mới.